Các CEO muốn đầu tư vào VN, nhưng nhiều cạnh tranh từ Thái, Indonesia

Thăm dò của PwC với hơn 1.400 lãnh đạo doanh nghiệp của 21 nền kinh APEC cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 lựa chọn của các CEO nước ngoài khi họ muốn tăng mức đầu tư.

Ngày 8/11, công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) đã công bố kết quả khảo sát các Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC 2017, với sự tham gia của hơn 1.400 CEO đang làm ăn tại 21 nền kinh tế thành viên.

Khảo sát cho thấy tuy tình hình năm qua nhiều biến động, chủ nghĩa bảo hộ hoặc phong trào chống toàn cầu hóa xuất hiện ở một số nước, đến 63% CEO muốn mở rộng sự hiện diện doanh nghiệp của họ trên toàn cầu, trong khi chỉ 3% muốn thu hẹp quy mô.

Kết quả thăm dò cho thấy Việt Nam nằm trong top 5 lựa chọn của các CEO nước ngoài khi họ muốn tăng mức đầu tư (bên cạnh Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan).

Đối với những CEO muốn tăng đầu tư nội địa, họ cũng chọn thị trường Việt Nam trong nhóm ưu tiên (bên cạnh Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia).

Cơ hội và hạn chế của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư

Ông Sridharan Nair, Lãnh đạo Cấp cao Khu vực của PwC và bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, đã trao đổi với Zing.vn rõ hơn về những cơ hội và hạn chế của Việt Nam đối với nhà đầu tư:

- Khảo sát của PwC cho thấy Việt Nam luôn nằm trong top 5 nước được các CEO APEC tín nhiệm khi muốn tăng đầu tư. Ông, bà có thể nêu lên những điểm mạnh và điểm hạn chế về thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư như thế nào?

- Ông Sridharan Nair: Các CEO khi ra quyết định đầu tư thường là vạch ra tầm nhìn dài hạn, và họ nhìn thấy những điểm thu hút từ Việt Nam. Đó là tăng trưởng GDP và tiềm năng phát triển to lớn cùng dân số đông và trẻ.

Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Á nói chung hiện nay chính là một trong những điểm nóng thu hút đầu tư, do vậy những nước trong khu vực này đương nhiên được các nhà đầu tư xem xét. Cho nên những nhà đầu tư khi muốn tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài thì khảo sát của chúng tôi cho thấy Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu của họ.

Ông Sridharan Nair, Lãnh đạo Cấp cao Khu vực của PwC. Ảnh: PwC.

Ông Sridharan Nair, Lãnh đạo Cấp cao Khu vực của PwC. Ảnh: PwC.

Về những điểm cần cải thiện, tôi cho rằng Việt Nam đang thực hiện cải cách và chỉ số cạnh tranh cũng tăng lên theo từng năm nhưng vẫn chưa vượt qua các nền kinh tế mới nổi khác. Do vậy, các bạn cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện để xây dựng môi trường kinh doanh hiệu quả không chỉ cho doanh nghiệp nội địa mà cả nước ngoài.

Ngoài ra, quá trình cải cách thể chế ở một số ngành, như ngành ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, để khiến những đơn vị này hoạt động hiệu quả và nâng cao tính cạnh tranh hơn, cạnh tranh công bằng với nhau…

Cũng cần lưu ý rằng đại diện chính phủ Việt Nam hôm 7/11 đã đề cập hướng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Tôi nghĩ rằng đây là quá trình cần được xúc tiến nhanh, để từ đó những vị lãnh đạo doanh nghiệp có thể quyết định nên đầu tư vào lĩnh vực nào là hiệu quả, như vào cơ sở hạ tầng hay ngành viễn thông…

Điều thứ 3 là doanh nghiệp dù làm ăn ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều muốn sự minh bạch, rõ ràng, hệ thống luật và các quy định quản lý, các chính sách thuế cụ thể. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục việc xây dựng chính sách theo hướng rõ ràng với nhà đầu tư.

Thật ra việc thực hiện cả 3 điều trên đều đã nằm trong sự tính toán của Việt Nam, nhưng các bạn cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.

- Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Một trong những điểm hạn chế có thể kể ra như cơ sở hạ tầng cần phải cải thiện hơn, như đường sá, cầu cảng…, độ kết nối giữa các khu vực cũng chưa tốt như các nước khác nên chi phí sẽ cao hơn.

Ngoài ra, chính sách mở cửa của Việt Nam đã lâu, chúng ta cũng thực hiện nhiều cải cách nhưng chưa rõ ràng và thống nhất. Chúng ta đã có nhiều thay đổi nhanh chóng, nhưng một số định hướng ngành vẫn chưa rõ ràng để triển khai cụ thể. Đó là điều mà các nhà đầu tư băn khoăn.

Mặc dù cải cách hành chính ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn, cơ chế xin-cho và khâu thủ tục vẫn còn rườm rà.

Tuy nhiên, khi nói đến thách thức thì cũng phải nhìn thấy cơ hội. Nếu doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội thì họ dĩ nhiên sẽ thành công. Trong thách thức, nếu nắm được cơ hội thì doanh nghiệp có thể đi trước, đón đầu, có những quyết định đầu tư dài hạn, có khi là 5-10 năm.

Nếu những doanh nghiệp chỉ muốn đầu tư dài hạn, có thể họ sẽ không chọn Việt Nam.

Không phải tất cả CEO mà chúng tôi khảo sát đều chọn Việt Nam, nhưng con số 47% đã là một tỷ lệ cao.

Cũng phải nói thêm rằng Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nên Việt Nam sẽ đón nhận nhiều cơ hội. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải cạnh tranh với các nước trong khu vực. Nếu 47% CEO muốn đầu tư vào Việt Nam thì đến 44% và 45% CEO muốn đầu tư vào Indonesia và Thái Lan. Nếu chúng ta không làm tốt thì doanh nghiệp sẽ tự động rời đi.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Tự động hóa không còn là chuyện tương lai

- Theo quan sát của PwC, các doanh nghiệp đã áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa vào sản xuất và hoạt động như thế nào?

- Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, trong lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ… Chẳng hạn như nhà máy của Samsung đã sử dụng robot để thu nhặt các thành phần. Tự động hóa không chỉ đơn thuần trong sản xuất, mà còn trong ngành dịch vụ như hình thức giao dịch trên mạng (e-banking)…

Các doanh nghiệp nước ngoài ứng dụng nhiều hơn, kể cả trong việc quản lý, từ những khâu như tài chính, kế toán, nhân sự cho đến kiểm kho… Thực tế là cách làm này mang lại hiệu quả rất nhiều so với biện pháp truyền thống trước đây.

Một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã áp dụng công nghệ vào các khâu nhưng số này chưa nhiều. Chúng tôi đã tư vấn chiến lược công nghệ thông tin sao cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh của họ, đưa ra lộ trình để triển khai ứng dụng trong quản lý và hoạt động như thế nào…

Nói về trở ngại trong việc áp dụng thì có nhiều nguyên nhân, mà vấn đề chi phí là một trong số đó. Bởi vì việc áp dụng cần nhiều vốn đầu tư ban đầu.

Bài toán thứ hai là vấn đề nguồn nhân lực. Bạn mua robot về thì cũng phải có người biết cách điều khiển nó hoạt động theo ý mình. Doanh nghiệp cần xác định trong quy trình kinh doanh thì phần nào có thể tự động hóa được, và phần nào không thể; hoặc phần nào nên đầu tư trước và phần nào đầu tư sau; nhu cầu của doanh nghiệp trong từng phần như thế nào; đầu tư vào thời điểm nào…

Những vấn đề này đều không đơn giản và gắn liền với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Vì đầu tư khoa học công nghệ là sự đầu tư dài hạn, nên doanh nghiệp cần biết rõ họ sẽ tiến lên như thế nào thì mới xác định tự động hóa sẽ nằm ở đâu trong kế hoạch kinh doanh tổng thể.

Đại diện PwC tại buổi họp báo công bố khảo sát các lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017. Ảnh: CT.

- Các doanh nghiệp đã đầu tư cho mảng đào tạo trong kế hoạch kinh doanh của họ như thế nào?

- Bà Đinh Thị Quỳnh Vân: Nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam đã có ban đào tạo riêng. Lãnh đạo Vietjet từng cho biết họ mất nhiều năm để đào tạo nguồn nhân lực. Hoặc hầu như ngân hàng nào cũng có trung tâm đào tạo và quá trình này diễn ra thường xuyên, hàng năm, theo từng cấp.

Đây thực sự là vấn đề đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vì họ không có đủ nguồn lực để thực hiện việc đào tạo nhân viên. Do vậy họ cần đến những trung tâm đào tạo bên ngoài. Hiện nay rất nhiều trung tâm đào tạo đã hình thành, chứ không nhất thiết là chỉ ở trường đại học, và chú trọng cụ thể vào những kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Các doanh nghiệp Việt Nam đúng là cần phải đầu tư nhiều hơn cho vấn đề đào tạo. Nhưng đây cũng là điều khó, vì nó sẽ làm tổng phí đầu tư của doanh nghiệp lớn hơn. Nhưng đây cũng là điều mà họ sẽ phải tính toán trước.

Bên trong một nhà máy lắp ráp xe của Piaggio. Ảnh: NOI Pictures.

Bài toán đầu tư nguồn nhân lực

- Doanh nghiệp SME thường không có nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuẩn bị cho những thay đổi có thể xảy ra. Ông có lời khuyên nào cho họ?

- Ông Sridharan Nair: Đầu tư cho nguồn nhân lực là thách thức chung đối với tất cả doanh nghiệp SME trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi cơ cấu lao động mà các dự báo đã nêu chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi công nghệ. Và như bạn cũng chứng kiến, phần lớn những ý tưởng sáng tạo mới hay các đột phá công nghiệp là đến từ các đơn vị khởi nghiệp.

Cho nên tôi nghĩ nhóm SME không hẳn là bất lợi vì thực ra họ chính là bên sáng tạo ra cách thức có thể làm thay đổi quy trình. Hơn nữa, họ có thể vận dụng những phát kiến mới trong một quy mô nhỏ.

Điều mà chúng tôi nói về đầu tư cho nguồn nhân lực là muốn nói đến các tập đoàn lớn, những công ty sở hữu bộ phận sản xuất quy mô. Họ sẽ phải cân nhắc đầu tư vốn thế nào cho hiệu quả vào khâu sản xuất tự động…

Do vậy, tôi nghĩ rằng việc đầu tư cho nguồn nhân lực sẽ không phải là điều gây khó khăn cho doanh nghiệp SME. Tại khu vực Đông Nam Á của chúng ta, những đơn vị này là các doanh nghiệp rất sáng tạo và xuất sắc trong lĩnh vực của họ. Cho nên cách mà họ vận dụng công nghệ vào ngành của họ như thế nào dĩ nhiên khác với việc ứng dụng công nghệ của những tập đoàn lớn.

Trên thực tế, tôi nghĩ SME có một số lợi thế hơn, mà nổi bật trong số này là cơ cấu của họ không quá cồng kềnh, hoặc không quá lớn để chuyển đổi hay thích nghi với những thay đổi mới.

Cảnh Toàn (thực hiện)
Đồ họa: PwC

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cac-ceo-muon-dau-tu-vao-vn-nhung-nhieu-canh-tranh-tu-thai-indonesia-post794307.html