Các chuyên gia lý giải về kết quả bất ngờ của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Các chuyên gia trên thế giới đã có những phản ứng khác nhau về cái kết đột ngột của cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim ở Hà Nội.

“Không có gì ngạc nhiên khi các cuộc hội đàm kiểu này đổ vỡ khi ông Trump tốn thời gian hủy bỏ các hiệp ước hạt nhân thay vì củng cố chúng”, ông Akira Kawasaki thuộc Ủy ban Quốc tế nhằm Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã kết thúc đột ngột mà không có thỏa thuận nào được ký kết.

“Chúng ta cần một kế hoạch thực sự dựa trên những hiệp ước quốc tế như Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân, một văn bản mà hai nước Triều Tiên và Hàn Quốc có thể sẽ gia nhập và thực thi tiến trình giải giáp vũ khí một cách hợp pháp”.

Nhà nghiên cứu về tình hình Triều Tiên Van Jackson nhận định, Mỹ đáng lẽ nên hoãn tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho đến khi những bước tiến rõ ràng có thể đạt được.

“Đây là lý do chúng ta không nên tổ chức hội nghị khi nguyên thủ các nước tỏ ra không muốn đàm phán thực sự. Cho dù hội nghị thượng đỉnh có thể coi là “thành công” theo quan điểm của chính quyền Mỹ, nó vẫn không đánh vào vấn đề vũ khí hạt nhân, điều mà các bên không thảo luận trong những tháng gần đây”, ông nói. “Giờ đây ngay cả kết quả tối thiểu nhất cũng không thể đạt được”.

Ông Joseph Yun, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, tin rằng việc hội nghị đã kết thúc giữa chừng cho thấy sự “thiếu chuẩn bị của cả hai bên”.

“Tôi đã từng tham gia nhiều hội nghị thượng đỉnh. Thông thường trong những sự kiện như vậy, rất nhiều quan chức ở các cấp độ khác nhau phải tham gia thảo luận và một thỏa thuận ngoại giao thường đạt được trước khi sự kiện diễn ra. Chúng ta từng nói rằng kết quả ở Singapore là không rõ ràng, nhưng ít nhất tại đó những nền tảng ban đầu đã được lập ra. Giờ đây, chính quyền Trump đang hạ thấp những kết quả có thể đạt được nhưng cuối cùng vẫn không có được điều tối thiểu mà mình muốn”, ông nói.

Bà Christine Ahn, một nhà hoạt động hòa bình và là nhà sáng lập của tổ chức phi chính phủ Women Cross DMZ về tình hình bán đảo Triều Tiên nói rằng: “Chúng ta không thể để tình hình hòa bình giữa hai quốc gia đang có chiến tranh trong gần 70 năm bị tan vỡ trong tay của hai người đàn ông”.

Trong khi đó, Tổ chức Korea Peace Network cho biết, việc một thỏa thuận hòa bình không đạt được ở Hà Nội “không nên được coi là dấu hiệu cho thấy biện pháp ngoại giao đã thất bại”.

“Các biện pháp ngoại giao đã thúc đẩy an ninh của Mỹ và bán đảo Triều Tiên hiệu quả hơn các biện pháp cấm vận kinh tế và đe dọa dùng vũ lực. Ngoại giao là một hoạt động tốn nhiều thời gian và rõ ràng là chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”, chủ tịch tổ chức là ông Kevin Parker cho biết.

“Thành viên Quốc hội Mỹ có thể góp phần vào công cuộc hòa bình ở bán đảo Triều Tiên bằng việc ủng hộ dự thảo của Nghị sĩ Ro Khanna về việc ký kết thỏa thuận hòa bình và các bước quan trọng khác để hướng đến một bán đảo Triều Tiên hòa bình và không vũ khí hạt nhân”, ông nói thêm.

Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết “cuộc hội đàm có thể đã đổ vỡ ở đâu đó” và nhiều khả năng nguyên nhân là do “sự khác biệt về mong đợi của hai bên”.

“Một mặt, tôi cảm thấy thất vọng bởi nó khiến các bên phải tìm cách chuẩn bị cho những cuộc đàm phán nữa trong tương lai”, ông nói. “Mặt khác, tôi không quy trách nhiệm cho Tổng thống khi ông ấy rời hội nghị, điều đó cần nhiều sự can đảm”.

Ông Kirby nói thêm, “nhiều người đã lo rằng ông ấy sẽ để phía bên kia nắm đằng chuôi trước khi hội nghị diễn ra. Việc ông ấy sẵn sàng rời bỏ hội nghị cho thấy mặc dù bất đồng giữa hai bên vẫn còn lớn, song Tổng thống Mỹ sẽ không vội vàng chấp nhận điều kiện từ phía bên kia”.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/cac-chuyen-gia-ly-giai-ve-ket-qua-bat-ngo-cua-thuong-dinh-my-trieu-lan-2-post291856.info