Các chuyên gia nói gì về phương án xây dựng cáp treo lên Bạch Mã

Sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng của một xe khách du lịch xảy ra trên tuyến giao thông từ Vườn quốc gia Bạch Mã xuống QL1A (đi qua huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến 18 du khách bị thương, thêm một lần nữa việc đầu tư xây dựng tuyến cáp treo kết nối các điểm du lịch Vườn quốc gia Bạch Mã lại được nhắc đến.

Đề xuất phương án xây dựng hệ thống cáp treo

Phương án xây dựng tuyến cáp treo tại Khu du lịch sinh thái Bạch Mã được nhắc đến lần đầu tại bản Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã do Công ty Wimberly Allison Tong & Goo (Hoa Kỳ) chủ trì ý tưởng, Công ty Inros Lackner Vietnam tư vấn lập quy hoạch.

Tại bản Quy hoạch được đề xuất này, tổng diện tích khu vực nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã vào khoảng 387,8 ha bao gồm 2 khu vực chính như sau: Khu vực 1 (phân Khu A) là đất xây dựng hạ tầng đường Bạch Mã, Trạm cơ sở tại khu vực Khe Su (64,1 ha) và Tuyến cáp treo du lịch có chiều dài khoảng 4km với hành lang bảo vệ khoảng 26m. Khu vực 2 (Khu B) là Khu Du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã có phạm vi nghiên cứu khoảng 290 ha với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại…

Đường lên đỉnh Bạch Mã khá hiểm trở - Ảnh: Nguyễn Phong

Đường lên đỉnh Bạch Mã khá hiểm trở - Ảnh: Nguyễn Phong

Ý tưởng xây dựng tuyến cáp treo được đưa vào đã gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận. Tuy vậy, theo các chuyên gia, tại thời điểm này, khi công nghệ xây dựng hệ thống cáp treo đã được phát triển hiện đại thì việc xây dựng tuyến cáp treo là có cơ sở.

Tại Hội nghị góp ý quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã diễn ra vào tháng 10/2018 vừa qua, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, Bạch Mã là khu du lịch sinh thái và độ cao 1.450 m, việc tiếp cận Bạch Mã bằng đường giao thông thì người Pháp đã từng làm (hiện hữu cho đến ngày nay). Nếu tiếp tục làm đường giao thông theo tuyến đường ấy thì phải mở rộng thêm 2-3 làn xe. Như vậy sẽ phá vỡ cảnh quan không gian Bạch Mã. Do vậy, việc chọn xây cáp treo vẫn là phương án giao thông du lịch miền núi phù hợp, ít ảnh hưởng đến cây cối, sinh vật mà du khách vẫn được thưởng thức cảnh quan thiên nhiên.

Cũng tại Hội nghị, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch hiện nay không khói không thể không kể đến sự có mặt của hệ thống cáp treo. Vườn quốc gia Bạch Mã với địa hình khá hiểm trở có thể hấp dẫn đối với du khách ưa mạo hiểm, nhưng hệ thống cáp treo sẽ là một trong những lựa chọn có thể tính đến, giúp du khách chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của những ngọn núi bao phủ trong sương mù của Bạch Mã.

“Một cách khách quan nhất, phải thừa nhận, việc xây dựng hệ thống cáp treo cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, đến hệ sinh thái. Vì vậy, việc đánh giá tác động của hệ thống cáp treo đến môi trường và hệ sinh thái Vườn quốc gia Bạch Mã nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực là điều cần thiết”, ông Sinh nhận định.

Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh: Nguyễn Phong

Cần đảm bảo hạn chế tác động đến hệ sinh thái tự nhiên

Theo Nhà báo Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế, trong bản Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã, hạng mục xây dựng tuyến cáp treo từ chân lên đỉnh Bạch Mã là điểm đáng chú ý.

Theo ông Thu, trong điều kiện, vị trí của hệ sơn mạch Bạch Mã, núi có độ dốc khá lớn và ngắn, lượng mưa trong năm lại cao nhất nước, những con suối lưng chừng núi khá nhiều, đường bộ lên núi rất hay bị sự cố, trở ngại. Nếu mở rộng gấp đôi đường bộ lên đỉnh thì rừng núi, sông suối ở đây bị triệt hạ nhiều hơn, thời gian lên núi vẫn rất dài. Chính vì vậy, xây dựng tuyến cáp treo lên đỉnh Bạch Mã là phương án có thể xem xét.

Về vấn đề tác động đến hệ sinh thái tự nhiên Vườn quốc gia Bạch Mã khi xây dựng tuyến cáp treo, các chuyên gia cho rằng để tuyến cáp treo không xâm hại thiên nhiên, phá vỡ cảnh quan sinh thái, không gây ô nhiễm môi trường, phần đất dành cho cáp treo toàn tuyến (chỉ khoảng 10ha) phải bảo đảm hành lang, các nhà ga không bị lấn chiếm trong quá trình xây dựng và khai thác. Hành lang của tuyến cáp treo cũng phải được phủ màu xanh của cây cối, hài hòa với thiên nhiên tạo nên một sắc thái sống động giữa môi trường xanh của Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Ngoài ra, quá trình xây dựng và khai thác tuyến cáp treo này cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt những quy định bắt buộc giữa “bảo tồn di sản thiên nhiên Vườn Quốc gia Bạch Mã với việc phát triển Khu du lịch sinh thái” một cách nhân văn, hài hòa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân góp ý, căn cứ trên quy mô, sức chứa lưu trú trước mắt và trong tương lai là bao nhiêu, nếu số lượng khách đông quá, đường ô tô lên Bạch Mã hiện nay không đáp ứng được thì lúc đó mới tính đến việc phải xây dựng cáp treo. Tuy vậy, bây giờ đã là thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0,vì thế phải cương quyết từ chối tất cả các giải pháp, công nghệ đã cũ nếu xem xét, tiến hành xây dựng.

“Chúng ta phải chọn lựa các chủ đầu tư đến từ các nước có các giải pháp kỹ thuật tiên tiên nhất, cập nhật nhất, vừa có truyền thống tôn trọng gìn giữ môi trường...Và phải cương quyết tránh các chủ đầu tư mà thế giới và các tỉnh thành trong cả nước đang từ chối”, ông Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ.

Theo lãnh đạo Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Thừa Thiên Huế, hiện nay tỉnh có định hướng sẽ thực hiện xây dựng tuyến cáp treo nhằm khai thác và phát huy tiềm năng Vườn quốc gia Bạch Mã. Khi ý tưởng này được đi vào hiện thực, chắc chắn Khu du lịch sinh thái Bạch Mã sẽ trở thành một điểm đến mới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, song hành cùng trung tâm du lịch Bà Nà Hills ở phía bên kia dãy Bạch Mã, góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Tâm Đăng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cac-chuyen-gia-noi-gi-ve-phuong-an-xay-dung-cap-treo-len-bach-ma-d101796.html