Các chuyên gia xã hội học nói gì về vụ cả ngàn buồng chuối non bị 'đầu độc'

Theo các chuyên gia xã hội học, việc một vườn chuối nghi bị đầu độc cả nghìn gốc, gây thiệt hại nặng về kinh tế có thể xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân hoặc cạnh tranh của người cùng trồng chuối.

Chuyên gia xã hội học nói gì?

Như phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin về vụ việc cả nghìn gốc chuối nghi bị đầu độc xảy ra tại 2 gia đình là anh Nguyễn Văn Tuấn và chị Chu Thị Sáng (đều trú tại thôn Trung – xã Dương Hà – Gia Lâm – Hà Nội) gây bức xúc cho người dân và xã hội.

Qua kiểm tra, các hộ dân phát hiện có khoảng 1.000 trong số 7.000 gốc chuối nghi bị đầu độc dẫn đến chuối bị chín ép, tất cả có dấu hiệu bị nứt toác, rơi lả tả, chín vàng khắp vườn.

Loại thuốc mà các hộ dân nghi ngờ được các đối tượng xấu sử dụng.

Hiện cơ quan chức năng địa phương đang tích cực vào cuộc xác định nguyên nhân. Còn trên góc độ xã hội, các chuyên gia cũng có nhiều phân tích về thực trạng phá hoại nông sản của bà con nông dân.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thùy Dương (Giám đốc Kênh truyền thông - Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển) nhận định: “Chuối chín vàng tới mức bị rụng cả xuống nhưng vẫn còn non thì rõ ràng là không phải chín tự nhiên.

Tuy nhiên, chủ vườn nói rằng họ không thù oán với ai mà bị như vậy thì cũng nên xem xét. Trên đời này không có ai tự nhiên bỏ tiền ra mua thuốc kích thích chín rồi mất công rình rập để đổ thuốc vào vườn nhà người khác”.

Gần 1.000 buồng chuối đã phải chặt bỏ.

Trong khi đó, phân tích về sự việc, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh (Giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng) cho rằng: “Ở đây kẻ phá hoại vườn chuối gây thiệt hại lớn cho nông dân có 2 dạng. Dạng thứ nhất là cạnh tranh không lành mạnh, dạng thứ hai là do tư thù cá nhân.

Đối với dạng thứ nhất, có thể kẻ xấu cũng trồng chuối nên muốn làm hại hàng hóa của đối thủ. Đây là hành vi cạnh tranh xấu xa, cạnh tranh theo kiểu thủ đoạn.

Riêng với dạng thứ hai là tư thù, mâu thuẫn cá nhân, tức ở đây kẻ xấu làm hại gia đình, họ không muốn làm hại đến thân thể mà muốn gây thiệt hại về kinh tế”.

Trồng cả năm giờ phải mang đi đổ bỏ.

Cũng theo bà Nguyễn Thùy Dương, vụ phá vườn chuối này không phải mới. Thực tế cho thấy trước đây đã xuất hiện rất nhiều vụ việc phá hoại tương tự. Điểm chung của các vụ này là kẻ gian chỉ phá chứ không lấy và hộ nông dân thì gánh tổn thất lớn.

“Cách phòng tránh tốt nhất hiện nay là về phía người dân, các hộ nông dân nên mua bảo hiểm cho vườn của mình - đây là việc mà nông dân ở châu Âu và châu Mỹ làm lâu rồi.

Còn phía chính quyền thì cần kiểm soát việc mua bán các loại thuốc bảo vệ thực vật. Quản chặt việc mua bán các loại thuốc này thì kẻ gian cũng không dễ dàng mua để hại người được”, bà Dương nhấn mạnh.

Một kiểu phá hoại không mới

Cả gia đình anh Tuấn và chị Sáng đều cho biết, số chuối nghi bị kẻ xấu đầu độc được trồng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới. Ngay sau khi phát hiện sự việc trên, cả 2 gia đình đã trình báo lên cơ quan chức năng xã Dương Hà và huyện Gia Lâm.

Công an huyện Gia Lâm cũng yêu cầu các chủ vườn bị ảnh hưởng bàn giao mẫu thuốc mà các hộ dân nghi kẻ xấu dùng để “hạ độc” chuối.

Chuối non nhưng bị nứt toác và sau đó thối rữa.

Trước đó, vào tháng 5/2017, gia đình ông Phạm Văn Quân (sinh năm 1959, trú tại xã Cao Nhân – huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng) đang ngủ thì bất ngờ một nhóm đối tượng đã xông vào khu đất gia đình ông này đang trồng chuối và dùng dao, kiếm chặt hạ hơn 2.200 cây chuối sắp đến thời kỳ thu hoạch. Trong đó có hơn 800 cây có buồng, cùng hàng chục cây nhãn, cây cau, ước tính thiệt hại hơn 700 triệu đồng.

Hồi tháng 4/2018, gia đình anh Phạm Văn Định và anh Phạm Quang Lục đều trú tại thôn Yên Hoành 2 (xã Định Tân – huyện Yên Định – Thanh Hóa) là 2 hộ gia đình trồng mướp đắng đã bị kẻ xấu nhổ hơn hơn 1.000 gốc đang đến kỳ thu hoạch.

Cách đây chưa lâu, đầu tháng 8/2008, tại một ngọn đồi trồng nhãn có tuổi đời từ 2 - 3 năm đang chuẩn bị cho thu hoạch tại xã Cò Nòi (Mai Sơn – Sơn La) cũng bị kẻ xấu dùng dao chặt hạ trong đêm. Lực lượng công an địa phương cũng đã tiến hành xác minh, điều tra vụ việc.

Thiệt hại mà nông dân phải gánh là cả vật chất lẫn tinh thần.

Hay như mới đây ngày 1/11, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (trú tại khối 2, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) làm rẫy ở thôn 6, xã Cư M’gar cũng làm đơn trình báo vườn tiêu hơn 1.000 trụ của gia đình ông bị kẻ gian đột nhập đổ thuốc lưu dẫn làm hàng trăm trụ tiêu khô héo, rụng lá và bắt chết.

Có thể thấy những vụ việc trên đã và đang diễn ra ngày càng nhiều và chủ yếu “đánh” trực tiếp vào kinh tế của các hộ nông dân.

Theo PGS. TS Đặng Ngọc Dinh nhận định: “Đây là hành vi phạm pháp, xâm hại về kinh tế cần được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để biết được động cơ phá hoại là gì”.

Theo nhận định của các chuyên gia, sự việc trên, hành vi phá hoại vườn chuối gây thiệt hại về kinh tế không mới. Bởi cách đây hàng chục năm ở nhiều vùng quê khi nông dân chăm sóc, nuôi ao cá cả năm đến sắp Tết chuẩn bị bán thì bị đầu độc bằng thuốc sâu, thuốc cỏ khiến cá chết hàng loạt. Trước sự việc trên cần sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng để tìm ra kẻ phá hoại để răn đe, ngăn chặn hành vi của kẻ xấu.

Mộc Trà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cac-chuyen-gia-xa-hoi-hoc-noi-gi-ve-vu-ca-ngan-buong-chuoi-non-bi-dau-doc-20181127162705559.htm