Các cơ sở làm bánh chưng 'đắt khách' dịp Tết

Tết Nguyên Đán đã cận kề, các cơ sở làm bánh chưng trên địa bàn TP Thanh Hóa lại tấp nập, nhộn nhịp hơn. Đây là thời điểm kinh doanh đắt khách nhất trong năm, vì vậy, các cơ sở làm bánh chưng đều phải tăng thêm nhân lực để kịp đơn hàng cho khách.

Chiếc bánh chưng thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ về một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc. Vì vậy, đây là món bánh không thể thiếu trong ngày Tết của mỗi gia đình người dân Việt Nam.

Cuộc sống hiện đại, bận rộn khiến nhiều gia đình không có điều kiện gói bánh chưng ngày Tết. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, dịch vụ gói bánh chưng ngày Tết ngày càng nở rộ.

Nguyên liệu làm bánh chưng gồm lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ và các gia vị như: muối, hạt tiêu… Lá dong gói bánh dùng loại bánh tẻ, loại không non mà cũng không già thì khi bóc bánh ra màu xanh đẹp. Trước khi gói, lá dong phải được rửa nhiều lần cho thật sạch.

Bánh chưng ngon phải chọn gạo, đậu xanh, thịt lợn ngon. Gạo thì chọn loại nếp cái hoa vàng để chất lượng bánh dẻo, rền. Đậu thì chọn loại màu vàng tươi mới thơm ngon. Nguyên liệu thịt là thịt ba chỉ vừa có nạc vừa có mỡ để cho bánh có độ béo ngậy đặc trưng.

Bà Vũ Thị Kim Oanh, chủ cơ sở bánh chưng Kim Oanh, đường Trường Thi, TP Thanh Hóa, cho biết: Gia đình bà đã có 50 năm làm bánh chưng truyền thống. Những năm trước, nhu cầu đặt bánh chưng Tết của người dân chưa nhiều, nhưng vài năm lại đây, dịp Tết Nguyên Đán người dân đặt bánh nhiều hơn. Để làm kịp đơn hàng Tết, cơ sở phải thuê thêm hàng chục lao động để gói bánh.

Thời điểm này, cơ sở làm bánh chưng truyền thống Kim Oanh đã nhận được hàng trăm đơn hàng và đang gói bánh để kịp giao hàng Tết.

Ngày thường, cơ sở bánh chưng Kim Oanh gói khoảng 200 cái/ngày, nhưng vào ngày Tết số lượng bánh sản xuất ra tăng lên gấp 10-15 lần.

Ngày Tết, giá bánh chưng từ 50-100 nghìn đồng/cái (tùy vào kích cỡ bánh). Năm nay, giá thịt lợn tăng cao nên giá bánh chưng cũng tăng lên từ 10-20 nghìn đồng/cái so với năm ngoái.

Để phục vụ nhu cầu bánh Tết của người dân, các cơ sở làm bánh chưng phải hoạt động đến ngày 30 Tết mới nghỉ.

Bánh chưng vẫn được luộc theo phương pháp truyền thống bằng bếp củi và luộc sôi liên tục khoảng 10 tiếng.

Hiện nay, các cơ sở làm bánh đang tất bật gói bánh phục vụ nhu cầu ngày Tết ông Táo (23 tháng Chạp). Đến khoảng 25 tháng Chạp, sẽ tăng tốc để phục vụ bánh cho người dân đón Tết mừng xuân.

Các cơ sở gói bánh chưng dịch vụ không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động mà còn cung cấp cho nhiều gia đình món ăn truyền thống không thể thiếu trên mỗi mâm cỗ cúng tổ tiên trong dịp Tết.

Hoàng Giang – Thu Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/cac-co-so-lam-banh-chung-dat-nbsp-khach-dip-tet/113077.htm