Các công trình đều công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế hàng đầu

Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 đã chọn ra được 3 gương mặt xuất sắc nhất để vinh danh: PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Trường Đại học Y - Dược TP HCM), PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lạt) và TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Trường Đại học Tôn Đức Thắng).

Giải thưởng Tạ Quang Bửu chỉ dành cho những nhà khoa học có thành tích xuất sắc, nên là giải thưởng giá trị nhất đối với người làm nghiên cứu khoa học Việt Nam. Theo Giáo sư Ngô Việt Trung - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 – Giải thưởng nhằm khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục làm việc và công bố với chất lượng công trình cao hơn trước, cũng như hướng đến những mục tiêu cao hơn. Theo quy chế, mỗi năm Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ được trao cho tối đa ba tác giả của các công trình giải chính và một giải trẻ.

3 gương mặt xuất sắc nhất được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

3 gương mặt xuất sắc nhất được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.

Giáo sư Ngô Việt Trung cho biết: "Giải thưởng năm nay có nét nổi bật: Các công trình đề cử đều được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế hàng đầu, đặc biệt là giải chính, thuộc top 5% của thế giới trong các chuyên ngành, riêng đề cử giải chính ngành y sinh được đăng trong tạp chí thuộc top 3 trên gần 3.000 tạp chí. Sự phân bố của các đề cử cho thấy một phần sự phát triển tương đối đồng đều của khoa học Việt Nam.

Với mong muốn chọn được những người xuất sắc và xứng đáng nhất, Hội đồng giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 đã có những thay đổi với mục tiêu công tâm, khách quan. Lần đầu tiên, Hội đồng giải thưởng có sự xuất hiện lần đầu của giáo sư Guy Thwaites - Giám đốc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam (OUCRU), một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực các bệnh truyền nhiễm và vi trùng học lâm sàng. Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Đại học California ở Santa Barbara), chuyên ngành hóa sinh, cũng đã trở lại với Hội đồng.

Với 10 thành viên là các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, Hội đồng giải thưởng tập trung thảo luận và đánh giá tám công trình lọt vào chung kết, trong đó năm công trình đề cử giải chính và ba công trình đề cử giải trẻ.

GS. Ngô Việt Trung tại phiên họp xét chọn giải Tạ Quang Bửu ngày 29/4.

Quá trình sàng lọc và đánh giá được thực hiện một cách quy củ nhằm lựa chọn được những công trình có chất lượng xuất sắc nhất, từ Hội đồng khoa học chuyên ngành Quỹ NAFOSTED – đơn vị thường trực Giải thưởng, đến phản biện độc lập từ bên ngoài (mỗi công trình ít nhất ba phản biện độc lập), qua đó bỏ phiếu đề cử các ứng viên. Không phải hội đồng chuyên ngành nào cũng đề cử công trình lên Hội đồng giải thưởng, vì phụ thuộc chất lượng hồ sơ. Vì thế năm nay có chín Hội đồng, nhưng chỉ có tám đề cử..

Theo giáo sư Ngô Việt Trung, các giải thưởng được trao cho những người thực sự xuất sắc, không chỉ thể hiện ở công trình đạt giải mà kể cả thành tích nghiên cứu trong suốt quá trình làm khoa học. Nhìn chung, những người đoạt giải đều có quá trình làm nghiên cứu rất tốt và có ảnh hưởng đến cộng đồng khoa học lớn.

Khác với mọi năm, các hồ sơ lọt vào chung kết đều là công trình của các nhà khoa học đang sống và làm việc ở rất nhiều địa phương, cho thấy sự phát triển đồng đều của khoa học Việt Nam không chỉ tập trung ở những thành phố lớn, mà đã bắt đầu trải rộng trên toàn bộ đất nước, ngay cả những địa phương nhỏ như Đà Lạt cũng có những công trình đạt trình độ thế giới. Đó là hai công trình đề cử giải chính của PGS.TS Phạm Tiến Sơn (trường Đại học Đà Lạt) và đề cử giải trẻ của TS. Hoàng Thanh Tùng (Viện nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam).

Dù Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nghiên cứu cơ bản, nhưng năm nay có tới bốn đề cử liên quan đến các vấn đề có ứng dụng thực tiễn: Công trình của PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (trường Đại học Y Dược TPHCM) thuộc lĩnh vực y học sinh sản; công trình của PGS.TS. Trần Mạnh Trí (Trường Đại học KHTN – ĐHQG HN) thuộc lĩnh vực ô nhiễm hợp chất hữu cơ mới nổi trong vi môi trường không khí – một đề tài rất thời sự của thế giới và Việt Nam; đề tài của TS. Hoàng Thanh Tùng liên quan đến quy trình trồng hoa ở Đà Lạt và công trình của TS. Nguyễn Thạch Tùng (Trường Đại học Dược Hà Nội) liên quan đến giải pháp bào chế làm tăng tính sinh khả dụng của thuốc.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng nhấn mạnh tám đề cử giải thưởng của năm nay, nhất là giải chính, đều có chất lượng công trình ở mức tốt.

Thái Hoàng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/cac-cong-trinh-deu-cong-bo-tren-cac-tap-chi-chuyen-nganh-quoc-te-hang-dau-594930/