Các Đại sứ 'bật mí' kinh nghiệm về công tác người Việt ở nước ngoài

Nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), tình hình cộng đồng người Việt ở nước sở tại để có những giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời và quan trọng, hãy đến với bà con kiều bào bằng cả thiện chí và tấm lòng chân thành.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng và Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là hai diễn giả chính của tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Sáng 19/6, Chi đoàn thanh niên Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kinh nghiệm về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài”.

Tham dự tọa đàm có Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và Đức; Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia và đông đảo đoàn viên thanh niên các đơn vị trong Bộ.

“Vừa dễ vừa khó”

Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ một số thông tin về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết, công tác về người Việt ở nước ngoài là một trong bốn trụ cột của Ngoại giao Việt Nam (Ngoại giao chính trị, Ngoại giao kinh tế, Ngoại giao văn hóa, Công tác người Việt ở nước ngoài và bảo hộ công dân).

Năm 1959, Ban Việt kiều Trung ương – tiền thân của Ủy ban người Việt được thành lập. Từ sau lời kêu gọi của Bác Hồ năm 1954, Việt kiều hồi hương rất nhiều. Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cộng đồng kiều bào ta ngày càng năng động và nhanh chóng hòa nhập ở nước sở tại, rất nhiều người đã thành đạt và có địa vị xã hội.

Trí tuệ Việt Nam trên thế giới được đánh giá rất cao, đặc biệt ở những nước phát triển với nhiều gương mặt tiêu biểu và số lượng chuyên gia hàng đầu người Việt ở thung lũng Silicon khoảng 200 người. Đặc biệt, hoạt động khoa học công nghệ hướng về tổ quốc được cộng đồng NVNONN tham gia sôi nổi và tích cực.

Trong những năm vừa qua, bà con kiều bào có đóng góp rất lớn về đầu tư thương mại, kiều hối và xây dựng hình ảnh đất nước. Đến nay đã có khoảng 3.000 dự án đầu tư của NVNONN với số vốn khoảng 4 tỷ USD, lượng kiều hối gửi về đạt 160 tỷ USD. Nhiều năm gần đây, một lượng lớn kiều hối gửi về dưới dạng đầu tư, kinh doanh, đã góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân trong nước, đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài những thành quả tích cực đó, cộng đồng người Việt ở một số nước còn gặp không ít khó khăn như địa vị pháp lý chưa vững chắc, tình trạng vi phạm pháp luật nước sở tại tại một số nước Đông Bắc Á còn khá nhiều, người Việt di cư bất hợp pháp bị bắt và trục xuất về nước hay có nhóm cộng đồng còn có những hoạt động chống đối Nhà nước. Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong cộng đồng kiều bào phong phú nhưng phức tạp.

Tuy mang nhiều màu sắc khác nhau, song mẫu số chung là dù ở nơi nào xa Tổ quốc, bà con vẫn luôn có tinh thần giữ liên lạc với người thân, hướng về quê hương đất nước.

Đại sứ Lương Thanh Nghị nhấn mạnh, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là “NVNONN là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Kể từ Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 29/11/1993, đến nay đã có trên dưới 10 văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho NVNONN như miễn thị thực, quyền sở hữu đất, nhập và trở lại quốc tịch Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên các đơn vị trong Bộ. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ về hoạt động của Ủy ban nhà nước về NVNONN trong hơn 60 năm qua, Đại sứ Lương Thanh Nghị cho biết, Ủy ban luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu, triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NVNONN, thông tin kịp thời tới bà con kiều bào về tình hình trong nước, hỗ trợ, giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống ở nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành cầu nối giữa bà con với quê hương, đất nước.

Đại sứ Lương Thanh Nghị cũng chia sẻ về những thành tích Ủy ban đã đạt được trong thời gian qua như được đồng bào Việt Nam xa Tổ quốc ghi nhận và đánh giá cao; tổ chức nhiều chương trình thường niên như Xuân Quê hương, Trại hè Việt Nam, thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, Tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt… Những hoạt động này đã và đang được đông đảo bà con nhiệt tình đón nhận.

Thiện chí và tấm lòng chân thành

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Ngoai giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và Đức chia sẻ tại tọa đàm. (ảnh: Nguyễn Hồng)

Với kinh nghiệm ngoại giao dày dặn trên các cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và Đức, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng, ngoại giao không chỉ là phát triển quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn bè trên thế giới mà còn là đóng góp cho công tác người Việt ở nước ngoài. Theo Đại sứ, đây là một công tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng với mỗi nhà ngoại giao, đặc biệt là những nhà ngoại giao tham gia trực tiếp vào công tác này tại các Cơ quan đại diện ngoại giao.

Đời sống bà con ta đang ngày càng ổn định, có địa vị pháp lý và được công nhận hơn. Chính vì vậy, bà con có rất nhiều hoạt động hướng về quê hương đất nước, như quyên góp ủng hộ thiên tai, lũ lụt…

Chia sẻ những câu chuyện, những tình huống khi trực tiếp làm công tác đối với NVNONN trong nhiệm kỳ tại Nhật Bản và Đức, Đại sứ khẳng định, Đại sứ quán luôn lấy tinh thần phục vụ bà con kiều bào là chính. Những người làm công tác người Việt Nam luôn nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, tình hình cộng đồng người Việt ở nước sở tại để có những giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời. “Công tác người Việt Nam nên được thực hiện thường xuyên, cố gắng hỗ trợ bà con hòa nhập, đoàn kết”, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh.

Nhắn nhủ đến cán bộ ngoại giao trẻ, Đại sứ cho rằng dù mỗi người có xuất phát điểm khác nhau, cần kiên trì hoàn thiện bản thân và không ngừng tìm tòi sáng kiến.

“Công tác cộng đồng tuy thú vị nhưng cũng không hề đơn giản, để có thể làm tốt không chỉ cần nền tảng kiến thức chắc chắn mà còn là thiện chí và tấm lòng chân thành đối với bà con”, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng chia sẻ.

Cũng tại tọa đàm, các cán bộ trẻ đã lắng nghe chia sẻ từ chị Lê Thùy Trang và anh Trần Bảo Sơn về góc nhìn của những cán bộ trẻ đối với công tác NVNONN. Theo đó, mỗi cán bộ trẻ cần nỗ lực học hỏi trong công tác về cộng đồng người Việt, bởi công tác này đòi hỏi cả một “nghệ thuật” đối với mỗi cán bộ ngoại giao.

Kết thúc buổi tọa đàm, nhiều cán bộ trẻ, các bạn sinh viên đã hiểu rõ hơn về công tác với NVNONN, một trong 4 trụ cột của ngoại giao Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức và trang bị những kiến thức cần thiết trong kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến kiều bào tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các đơn vị trong nước.

Minh Nhật

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-dai-su-bat-mi-kinh-nghiem-ve-cong-tac-nguoi-viet-o-nuoc-ngoai-117832.html