Các di sản đô thị đang biến mất

'Trong khi với thế giới, các tòa nhà hàng trăm năm, vài trăm năm… được coi là vô cùng quý giá, được trân trọng thì ở chúng ta, tư duy phá và xây mới đã hủy hoại di sản' - PGS. TS Nguyễn Văn Huy khẳng định. Đó cũng là thực trạng chung của di sản đô thị ở nước ta hiện nay. Một trong những lý do di sản đô thị chưa được bảo vệ vì nó chưa được luật hóa.

Bức tranh vỡ vụn và gián đoạn

Nước ta hiện đang có 743 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), 3 đô thị loại 1; 14 đô thị loại 2; 36 đô thị loại 3; 41 đô thị loại 4; 647 đô thị loại 5. Trong đó, Hà Nội được xem là đô thị có lịch sử văn hóa lâu đời nhất. Nhưng ngay nơi có bề dày lịch sử văn hóa này lại đang phơi ra một bức tranh đô thị vỡ vụn, gián đoạn.

Sót lại một vài ngôi nhà cổ xưa trong hoài niệm tranh của Bùi Xuân Phái, những ngôi biệt thự bỏ hoang, xuống cấp… mạn phía Nam từ Bờ Hồ Hoàn Kiếm đổ về Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền được quy hoạch theo kiến trúc Pháp với những ngôi biệt thự vườn giờ đang dần được thay thế bởi những ngôi nhà cao tầng kiểu dáng không đồng nhất.

Chùa Cầu ở Hội An.

Chùa Cầu ở Hội An.

Các di tích lịch sử của thành phố ngày càng lọt thỏm trong những con hẻm chật chội. Sự kết nối lịch sử, văn hóa từ những ngôi nhà dân gian Hà Nội 36 phố phường đến kiến trúc Pháp trước năm 1954 và sau đổi mới của đất nước hoàn toàn đứt đoạn và lổn nhổn. Hà Nội đang thiếu hẳn bàn tay của một kiến trúc sư trưởng.

Theo TS.KTS Khuất Tân Hưng, nguyên nhân gây ra những gián đoạn này của bức tranh di sản đô thị Hà Nội nói chung và đô thị cả nước nói riêng chính là việc chúng ta chưa thực sự quan tâm đến di sản đô thị. Việc quan tâm đến những công trình, di tích lịch sử cụ thể mà không đặt nó trong mối quan hệ tổng thể, đã và đang phá nát di sản đô thị.

Câu chuyện gần 600 biệt thự cổ ở thành phố Hồ Chí Minh trong khi chờ phân loại đã “biến mất” cũng khiến nhiều người lo ngại. Theo UBND quận 1, năm 2017 quận có văn bản báo cáo Sở Xây dựng kiểm kê, phân loại 200 biệt thự cũ. Trong năm nay, quận tiếp tục gửi cho Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh danh sách 30 biệt thự cũ nhằm phục vụ cho việc phân loại.

Tuy nhiên, công tác phân loại chậm chạp đã khiến việc bảo tồn hết sức khó khăn. Cụ thể, vừa qua quận 1 đã phải ngưng cấp phép xây dựng 19 căn biệt thự để chờ kiểm kê, phân loại. Nhưng theo TS.KTS Khuất Tân Hưng, ngay cả câu chuyện kiểm kê, xếp loại di tích, biệt thự theo loại 1, loại 2, loại 3 cũng là một sai lầm nghiêm trọng. Các biệt thự, sau khi được xếp loại, hiển nhiên loại 3 kém quan trọng hơn loại 2, loại 1 sẽ được phá dỡ dần… cho đến khi chỉ còn các biệt thự loại 1. Lúc ấy, các biệt thự loại 1 đứng một mình cũng không còn giá trị. Đó là bài học tính tổng thể của di sản đô thị.

Nan giải giữa bảo tồn và phát triển

Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới việc bảo tồn và phát triển di sản đô thị luôn là một bài toán nhạy cảm, nan giải. Bởi lẽ, đô thị thì luôn luôn biến động trong khi di sản dễ bị phá hủy. Nằm trong lòng biến động của đô thị, các di sản càng dễ bị tổn thương, chiếm dụng, băng hoại. Cụ thể, các di sản đô thị thường nằm ở những vị trí “đất vàng” tại các khu vực trung tâm thành phố nên khả năng bị “thôn tính” càng cao hơn. Khả năng di sản trở thành “miếng mồi béo bở” bị xâu xé là có thực.

Các biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị phá bỏ.

Riêng khu vực quanh Hồ Gươm đã có 19 công trình di tích, khu phố cổ, cùng hơn 900 công trình nhà ở có giá trị và hơn 700 biệt thự. Những di sản đô thị này theo thời gian đều đã khẳng định được giá trị quý báu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, tạo nên bản sắc đô thị và góp phần nhận diện Thủ đô Hà Nội.

Mặc dù mang không ít dấu vết của thời gian, lịch sử, phản ánh các lớp lang văn hóa nhưng di sản đô thị chưa bao giờ được chính thức công nhận là một loại hình di sản văn hóa. Khi không được công nhận là di sản văn hóa thì các di sản đô thị không được xếp hạng, không được Luật Di sản văn hóa bảo vệ bằng hệ thống khung pháp lý như các di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Cho nên những di sản này đang dần mất đi.

Có một thực tế nữa, di sản đô thị là một di sản sống và thu hút lượng khách du lịch lớn, gấp hàng nghìn các di tích lịch sử ở nông thôn, miền núi. Huế, Hội An đang hoàn toàn sống bằng di sản.

Sẽ rất đáng tiếc và đau lòng khi Hà Nội, Sài Gòn và các đô thị khác đã và đang dần đánh mất các di sản mà lâu dài đó là những di sản vô giá. Khách du lịch phương Tây đến Hà Nội sẽ nghĩ gì khi một ngày nào đó đến Hà Nội cũng chỉ thấy những tòa nhà chọc trời?

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày làm việc thứ hai thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2019 và kế hoạch năm 2020, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề cập tới dự án điều chỉnh địa giới thành phố Huế và các vùng phụ cận với mong muốn đưa Huế trở thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương.

Thành phố Huế hiện có gần 1.000 di tích, trong đó 5 di sản nhân loại, 2 di tích đặc biệt, 87 di tích cấp Quốc gia, 8 nhóm cổ vật và 32 hiện vật là bảo vật Quốc gia. Huế đang phát triển đô thị theo định hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường". Việc mở rộng không gian đô thị Huế là đòi hỏi tất yếu. Sự phát triển của đô thị Huế luôn mang tính đặc thù, riêng biệt của một vùng đất di sản.

Để Huế trở thành thành phố di sản quốc gia theo định hướng đó thì cần phải có cơ chế đặc thù và khái niệm đô thị di sản là khái niệm cần thiết trong Luật Di sản sửa đổi để Huế phát triển xứng tầm mình. Huế đi trước trong các thành phố để bảo vệ đô thị di sản sẽ là bài học thúc đẩy các đô thị di sản khác trên cả nước.

Cần luật hóa Di sản đô thị

Một điều đặc biệt nữa của di sản đô thị đó là, với các di sản khác, chúng ta có thể di dời dân để bảo tồn, trùng tu nhưng với di sản đô thị chúng ta không thể làm thế. Đây chính là sự hòa quyện giữa vật thể và phi vật thể của di sản đô thị.

Biệt thự cổ tại Sài Gòn.

Điều 11 của Luật Thủ đô đưa vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa vào Luật, tuy nhiên, đó chỉ là bảo vệ từng di sản văn hóa, quần thể văn hóa chứ chưa tính đến được tổng thể đô thị. Cho nên, với đặc trưng của di sản đô thị, chúng ta cần phải đưa được khái niệm di sản đô thị vào Luật, để từ đó mới bảo tồn và phát triển được di sản đô thị.

Thêm nữa, thực tế, chúng ta có rất nhiều đô thị khác nhau, cho nên cần phải tìm được những đặc trưng riêng của từng đô thị để chúng ta bảo tồn, thúc đẩy đô thị phát triển. Dựa trên tính chất biến động của di sản đô thị, để ngay từ hôm nay chúng ta biết xây dựng, chọn lọc và kiến tạo những giá trị mới cho di sản đô thị trong tương lai.

Ông Lê Như Tiến - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII

Khối lượng khách du lịch đến với di sản đô thị là rất lớn, gấp hàng trăm lần so với nông thôn và miền núi. Tôi đã kiến nghị Luật Di sản sửa đổi cần phải đưa khái niệm Di sản đô thị vào. Bên cạnh khái niệm đó, cần có những chương, điều, những yêu cầu nghiêm ngặt để bảo vệ Di sản đô thị. Nếu không như thế, các Di sản đô thị sẽ thành phế tích.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy – nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Trong khi với thế giới, các tòa nhà hàng trăm năm, vài trăm năm… được coi là vô cùng quý giá, được trân trọng thì ở chúng ta, tư duy phá và xây mới đã hủy hoại di sản. Phá và xây mới khiến chúng ta không có một đô thị có chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa và bản sắc riêng để nhận diện gương mặt di sản. Để có thể giữ gìn được di sản đô thị, phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn của lãnh đạo, bản lĩnh của các nhà quy hoạch, và ý thức cộng đồng của cư dân. Đối với các nhà đầu tư, chúng ta phải dùng hành lang pháp lý để bảo vệ di sản trước lòng tham của họ. Chúng ta đã có Luật Thủ đô, Luật Di sản văn hóa sửa đổi, nhưng quan trọng là xem xem những luật đó đã theo kịp thực tiễn cuộc sống hiện nay hay chưa, nếu chưa theo kịp, chúng ta cần nhanh chóng bổ sung các Nghị định, các văn bản dưới luật. Trước tình hình hiện nay của di sản đô thị, chỉ có thể bổ sung khái niệm di sản đô thị vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi mới có thể bảo vệ được Di sản đô thị.

Hạnh Thủy

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/cac-di-san-do-thi-dang-bien-mat-569394/