Các địa phương cần chấn chỉnh công tác tiếp dân

Ngày 29/11, ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai về tiếp xúc cử tri tại hai huyện Chư Sê và Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường tiếp xúc cử tri tại huyện Chư Păh.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường tiếp xúc cử tri tại huyện Chư Păh.

Các đại biểu Quốc hội đã thông tin đến cử tri về những nội dung, kết quả chủ yếu của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; đồng thời ghi nhận ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của cử tri để phản ánh lên Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét giải quyết.

Các cử tri bày tỏ đồng tình với kết quả, nội dung của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, bày tỏ niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, các cử tri cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp về các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Cử tri Lê Huy Chữ, trú thị trấn Chư Sê nêu ý kiến cụ thể, việc thực hiện quyền dân chủ của chính quyền địa phương còn chưa tốt. Cử tri này nêu ra tuyến đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê có chiều dài 5 km được thi công từ năm 2016, song chính quyền địa phương đã không thông báo rõ với người dân, không để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” khiến việc thi công không được tính toán kỹ, trồng cây ven đường đúng vị trí cống thoát nước bên dưới nên đã xảy ra tình trạng cây đổ, may mắn không thiệt hại về người. Bên cạnh đó, công trình này dù mới thi công xong nhưng đã có một số vị trí có dấu hiệu xuống cấp.

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, cử tri Nguyễn Bá Châu, trú huyện Chư Sê cho rằng, quy định về diện tích tối thiểu tách thửa, chuyển đổi đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai gây khó khăn cho người dân. Theo đó, diện tích tối thiểu để chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư ở vùng thị trấn là 200m2, ở vùng nông thôn là 400m2, trong khi nhu cầu ở thực tế không nhiều và giá chuyển đổi cao, từ 500.000đ – 1.000.000đ/m2, khiến nhiều hộ có điều kiện kinh tế khó khăn không thể thực hiện chuyển đổi.

Cử tri Hoàng Thị Minh, trú thị trấn Chư Sê lại kiến nghị về việc chi trả chính sách của Nhà nước cho Huân chương chống Mỹ cứu nước của vợ chồng cử tri Hoàng Thị Minh, dù Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai thông tin đã tiến hành chi trả chính sách cho cử tri này từ năm 2000 và đã có người ký nhận, song bà không biết người ký nhận là ai và cũng chưa nhận được số tiền trên.

Cử tri Lê Văn Vân, trú huyện Chư Păh lại phản ánh trên địa bàn huyện có nhiều dự án treo nhiều năm khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Có cử tri nêu ý kiến, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về định mức, chế độ chi cụ thể nên Công an viên, Phó Công an xã không có chế độ khi đi làm nhiệm vụ đột xuất hoặc làm nhiệm vụ ban đêm.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Bùi Văn Cường lưu ý lãnh đạo UBND các địa phương sớm nghiên cứu, giải quyết các vấn đề cho người dân theo quy định; lãnh đạo UBND các huyện cũng cần thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cấp cơ sở trong mọi việc, đặc biệt là các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương chấn chỉnh công tác tiếp dân, đồng thời sẽ trình lên Quốc hội ý kiến về kiện toàn văn bản quy định chế độ khi đi làm nhiệm vụ đột xuất hoặc làm nhiệm vụ ban đêm cho lực lượng Công an viên, Phó Công an xã.

Riêng đối với trường hợp cử tri Hoàng Thị Minh kiến nghị về việc chi trả chính sách của Nhà nước cho Huân chương chống Mỹ cứu nước của vợ chồng bà, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ người ký nhận tiền chi trả chính sách là ai, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tránh gây bức xúc cho nhân dân. “Cán bộ nào nhũng nhiễu, hành dân, gây khó khăn cho nhân dân thì cần phải chấn chỉnh”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Dư Toán (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/cac-dia-phuong-can-chan-chinh-cong-tac-tiep-dan-20181129174957707.htm