Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 3

Một loạt các tỉnh như Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Trị, Hà Tĩnh... đang khẩn trương ứng phó với cơn bão số 3.

Ngày 17/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy của tỉnh Quảng Ninh ban hành Thông báo số 09/BCĐ về tạm dừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi; tạm dừng cấp phép tàu du lịch, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển. Thời gian tạm dừng cấp phép bắt đầu từ 18 giờ ngày 17/7.

Trước đó, Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh cũng đã ra công điện khẩn về việc tạm ngừng cấp phép tàu đi lại trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, yêu cầu các tàu du lịch chở khách tham quan trả khách về bờ trước 15 giờ ngày 17/7, chủ động tìm nơi tránh trú bão an toàn.

Cũng do ảnh hưởng của bão số 3, trên vùng biển thuộc đảo Cô Tô, tàu cá của 7 ngư dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đang neo đậu tránh giông lốc thì bị một tàu vận tải đâm và bị chìm ngày 15/7, do thời tiết xấu các tàu không xác định được phương hướng, hậu quả làm 7 thuyền viên tàu cá trôi dạt trên biển. Đến 15 giờ ngày 17/7, đã có 5 thuyền viên được cứu vớt, hiện sức khỏe các thuyền viên đã ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn 2 thuyền viên chưa xác định được vị trí. Ông Trần Như Long, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Công tác tìm kiếm 2 thuyền viên mất tích vẫn được triển khai, huyện đã khẩn trương điều động thêm nhân lực và tàu thuyền tìm kiếm những ngư dân còn lại.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của cơn bão số 3,tỉnh Nam Định đang tập trung mọi phương án để chủ động ứng phó với bão. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các địa phương ven biển kiểm tra chặt chẽ các công trình đê, kè sung yếu, nhất là các công trình đã bị hư hỏng chưa kịp khắc phục; có phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có nhu cầu.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Nam Định, do Phó Chủ tịch Nguyễn Phùng Hoan dẫn đầu, đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Giao Thủy. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn bằng mọi biện pháp huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức bơm tiêu nước đối với những diện tích lúa đã gieo, cấy bị ngập; xây dựng kế hoạch tiêu thoát nước khu vực đô thị tránh ngập úng kéo dài khi có mưa lớn.

Các xã ven biển, bộ đội biên phòng, đài phát thanh và truyền hình tăng cường tuyên truyền, cập nhật thông tin về tình hình cơn bão để người dân nắm được, đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Tuyệt đối không cho ngư dân ra khơi hoặc ở khu vực ngoài đê, tại các chòi canh coi ngao khi có lệnh cấm biển. Các huyện, thành phố rà soát những nhà yếu, nhà tạm có nguy cơ bị tốc mái, sập khi gió lớn, từ đó xây dựng phương án sơ tán những người già, trẻ em trong trường hợp khẩn cấp. Nam Định cũng đã chuẩn bị sẵn sàng trên 43.300 m3 đá hộc, gần 1.300 rọ théo, hơn 600.000 bao nilon, vải chống tràn để ứng cứu hệ thống đê xung yếu khi có sự cố xảy ra.

Ngày 17/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã có công điện khẩn số 04/CĐ-CT yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương kiểm đếm, thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển, khẩn trương di chuyển về nơi tránh bão an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè trước khi bão đổ bộ.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch biển.

Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão và ngập úng, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, các khu nhà cũ yếu, các khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở cao và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.

Tổ chức kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác nuôi trồng thủy sản, trang trại.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn người và tài sản. Chủ động tiêu nước trong hệ thống công trình thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ lúa mới cấy và hoa màu. Duy trì lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Do ảnh hưởng của bão số 3, tỉnh Thanh Hóa đã có mưa to, nhiều ha lúa tại các huyện vùng trũng bị ngập úng, người nông dân các huyện đang bị thiệt hại nặng nề. Hiện chính quyền địa phương đang khẩn trương giúp bà con khắc phục sự cố.

Tàu thuyền của ngư dân xã Quảng Châu (thành phố Sầm Sơn) vào nơi neo đậu an toàn. Ảnh: Trịnh Duy Hung/TTXVN

Tại huyện Triệu Sơn, tính đến trưa ngày 17/7 đã có gần 872 ha lúa bị ngập, đặc biệt tại các xã Vân Sơn có khoảng 100 ha lúa ngập úng, xã An Nông cũng có nhiều diện tích lúa ngập nước úng; ngoài ra các xã Dân Quyền, Dân Lực cũng đang gặp khó khăn khi thoát nước khỏi ruộng lúa đang bị ngập.

Ông Nguyễn Công Dần, xóm 3, xã Dân Lực cho biết: Tôi thầu đồng gần 50 ha, hiện nay nước ngập hết làm thiệt hại nặng nề, bao nhiêu tiền bạc, công sức đầu tư, tiền thuê máy cày nhiều khả năng bị mất hết và mong muốn chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ.

Ông Lê Hữu Thịnh, xóm 3, xã Dân Quyền cho biết, đến nay gia đình ông thiệt hại 4 sào lúa.

Tại Trạm bơm tiêu Dân Quyền, xã Dân Quyền, cán bộ thủy lợi phối hợp với UBND các xã thực hiện các giải pháp giúp người dân giảm thiệt hại.

Ông Vũ Đức Thành, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH MTV Sông Chu huyện Triệu Sơn cho biết: Chi nhánh có tất cả 15 trạm bơm tiêu thì 13 trạm bơm tiêu đang hoạt động. Hiện chi nhánh đang huy động công nhân phối hợp với người dân giải tỏa các điểm ách tắc kênh tiêu. Đặc biệt dự kiến chiều 18/7, cơn bão số 3 tiến gần Thanh Hóa, chi nhánh sẽ phối hợp với UBND huyện vận hành hết công suất các trạm bơm.

Trước thực trạng nhiều diện tích lúa bị ngập úng, lãnh đạo UBND huyện Triệu Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu chi nhánh Triệu Sơn khẩn trương thực hiện các giải pháp giúp người dân khắc phục sự cố, tuy nhiên do mưa lớn kéo dài nên tình trạng lúa ngập úng đang ngày một nhiều hơn.

Chiều 17/7, toàn bộ 2.312 tàu thuyền với 7.500 lao động ở tỉnh Quảng Trị, đều đã nhận được thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và có thông tin liên lạc thường xuyên. Trong đó, có 2.274 tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn tại các bến, cảng trong tỉnh Quảng Trị; còn lại 38 tàu đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến, cảng của tỉnh, thành khác.

Hiện các đơn vị tiếp tục kêu gọi, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc nhanh chóng về bờ. Bên cạnh đó, các khu neo đậu tránh trú của tỉnh Quảng Trị gồm: Cửa Việt, Cửa Tùng, Cồn Cỏ đã tiếp nhận 48 tàu với 358 thuyền viên từ các tỉnh, thành khác vào neo đậu an toàn.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã có công điện, yêu cầu các địa phương ven biển phối hợp với các lực lượng, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho tàu và khách du lịch trên đảo Cồn Cỏ.

Các đơn vị chủ động kiểm tra, rà soát các hồ, đập thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ, đập vừa và nhỏ, các công trình đã xảy ra sự cố, đang thi công; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động xử lý các sự cố đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất các khu vực miền núi. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để đảm bảo an toàn; sẵn sàng duy trì lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra...

Tại tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của áp thấp gây mưa to, nhiều tuyến phố bị ngập sâu trong nước gây ách tắc cục bộ. Mưa lớn làm trên 7.000 ha lúa hè thu và hoa màu các loại của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập nước, điển hình như thị xã Hồng Lĩnh có trên 600 ha lúa bị ngập, huyện Đức Thọ 549 ha, Lộc Hà 766 ha, Hương Sơn 1.450 ha, Can Lộc 500 ha…

Tàu thuyền của ngư dân vào nơi trú ẩn an toàn. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Theo ông Nguyễn Khắc Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà cho biết: Vụ hè thu năm nay toàn xã gieo, trồng được 70 ha lúa và 40 ha hoa màu các loại, tuy nhiên mưa lớn làm toàn bộ số diện tích lúa hè thu và hoa màu của xã bị ngập nước. Hiện chính quyền địa phương đã huy động máy móc phương tiện để khơi thông dòng chảy, chống ngập úng để cứu lúa. Trong khi toàn bộ số hoa màu thì bị hư hỏng nặng do mưa lớn làm ngã đổ, ngập chìm trong nước nên rất khó cứu sống.

Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước diễn biến thời tiết còn rất phức tạp cơ quan thường trực Ban Chỉ huy tỉnh đề nghị các huyện ven biển theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và cơn bão số 3 để chủ động triển khai các phương án ứng phó; Tổ chức quản lý chặt chẽ tàu, thuyền tại các khu neo đậu, có phương án sắp xếp để đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền neo đậu tại các khu tránh, trú bão. Các huyện miền núi đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất; cần có phương án kiểm tra, rà soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Các địa phương, các công ty quản lý thủy lợi tổ chức thường trực vận hành các trục tiêu thoát lũ để chủ động tiêu nước đệm, giảm ngập úng cho diện tích lúa và hoa màu.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tàu cá số hiệu NA 96588 cùng 17 ngư dân mất liên lạc trên biển ngày 16/7, đến tối 17/7, chính quyền địa phương và gia đình đã liên lạc được với tàu cá bị mất liên lạc. Ông Trần Quang Vệ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cho biết.

Tàu cá này do anh Trần Ngọc Biển, trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An làm thuyền trưởng, trên tàu có 17 ngư dân. Tàu bị mất liên lạc khi đang đi đánh cá trên vùng biển Nghệ An – Thanh Hóa.

Dự kiến đến khoảng 1 giờ 30 phút ngày 18/7 tàu cùng các ngư dân sẽ về đến cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu. Thông tin ban đầu cho biết, tất cả các ngư dân trên tàu đều an toàn.

Phóng viên TTXVN tại các địa phương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-3-20180717222838406.htm