Các địa phương chủ động ứng phó với bão số 9

Trước những diễn biến mới của cơn bão số 9, các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

* Sáng 23-11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển trước diễn biến của bão số 9. Lệnh cấm có hiệu lực 13 giờ ngày 23-11 cho đến khi có lệnh mới.

Chủ tịch UBND các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa chắc chắn, đặc biệt khu vực ven biển, ven sông, các vùng thấp trũng; bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạch An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn ngay khi có lệnh của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Để chủ động phòng tránh tổ hợp bất lợi (bão gây mưa lớn kết hợp triều cường), giảm thiểu ngập lụt gây ra, Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị các sở ngành, địa phương nhất là quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn tổ chức rà soát các khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa lớn và mực nước triều dâng cao. (TTXVN)

* Ngày 23-11, ông Phan Xuân Hải, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đã có công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.

Theo ông Hải, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã và đang liên lạc, hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Hiện Bình Định có 4.516 tàu cá với 29.108 ngư dân hoạt động ven bờ và neo đậu tại bến cá trong tỉnh. Tất cả các tàu cá đánh bắt ngoài khơi đều nhận được thông tin về bão số 9 và đang di chuyển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu hoạt động ở vùng bão đi qua đều đã vào trú tránh tại các đảo ở Trường Sa.

Hiện lượng nước của 165 hồ chứa thủy lợi của Bình Định mới đạt hơn 30% dung tích thiết kế, bằng 59,5% so cùng kỳ 2017. Bình Định đã sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở và bảo vệ an toàn cho các công trình thủy lợi. (TTXVN)

* Theo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, nhằm ứng phó với bão số 9, lúc 10 giờ ngày 23-11, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển. UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chính quyền các địa phương ven biển phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi trú tránh an toàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng di chuyển ra khỏi lồng bè nuôi trồng thủy sản (khu nuôi trồng thủy sản C1, C2) và phương tiện thủy nội địa, để đảm bảo an toàn tính mạng trước khi mưa bão đổ bộ vào bờ.

Công tác phòng chống bão số 9 tại Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có tổng cộng 2.560 chiếc tàu thuyền với hơn 15.553 lao động đi biển. Hiện nay, có 2.203 chiếc tàu thuyền đã vào neo đậu tại các bến, còn 357 chiếc với 3.258 lao động đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh nhưng gần bờ. Tuy nhiên, Đồn Biên phòng các địa phương đã liên lạc được với chủ tàu và đang cho tàu vào bến neo đậu. Các cảng cá trong tỉnh cũng đã đón 290 tàu vãng lai với 291 lao động của tỉnh bạn vào cập bến an toàn.

Đến 10 giờ ngày 23-11, tình hình mưa bão tại Ninh Thuận chưa có diễn biến phức tạp, bất thường. Toàn tỉnh trời chuyển mây âm u, có mưa nhỏ rải rác, chưa có gió mạnh xảy ra (TTXVN)

* Sáng 23-11, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 9.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo, do đây là cơn bão diễn biến phức tạp nên các cấp, các ngành và nhân dân địa phương, nhất là các huyện, thị ven biển Gò Công cần đề cao cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”; trong đó cần tuyên truyền, cập nhật thông tin diễn biến đường đi và ảnh hưởng của bão kịp thời để nhân dân biết và chủ động ứng phó.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến sáng 23-11, địa phương đã kêu gọi toàn bộ 374 phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn. Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền. Ngoài ra, các công tác ứng phó bão số 9 tại Tiền Giang cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai đến sản xuất và đời sống. (TTXVN)

* Để ứng phó với bão số 9, tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể gây ra từ cơn bão.

Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đã lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành vận động các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản bằng lồng bè trên biển tại đầm Nha Phu và các vịnh. Các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa bắt đầu áp dụng biện pháp không cho các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác ra khơi kể từ 12 giờ ngày 23-11. Với ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển bắt buộc phải trở vào bờ trước 16 giờ ngày 23-11; hệ thống cáp treo Vinpearland ngưng hoạt động kể từ 14 giờ ngày 23-11, cho đến khi kết thúc bão.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các địa phương tiến hành sơ tán, di dời dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu do mưa lớn, vùng ảnh hưởng của xả lũ hồ chứa và phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 23-11.

Sở Du lịch Khánh Hòa đã đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thông báo kịp thời cho khách du lịch và có phương án di dời khách khi cần thiết, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là đối với các cơ sở lưu trú trên đảo và ven biển. Để đảm bảo an toàn, từ chiều 23-11 đến hết ngày 25-11, hơn 270.000 học sinh toàn tỉnh Khánh Hòa được phép nghỉ học để tránh bão. (TTXVN)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/cac-dia-phuong-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-9-555227