Các địa phương đẩy mạnh sản xuất vụ đông xuân

Ngay sau Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân tỉnh Nam Ðịnh đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Ðến nay, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 68.700 ha (đạt 93% diện tích).

Toàn tỉnh Hải Dương đã gieo trồng được gần 3.500 ha rau màu vụ xuân. Các địa phương đã gieo trồng được nhiều là Gia Lộc (900 ha), Tứ Kỳ (400 ha), Kim Thành (260 ha)... Tại tỉnh Thái Bình, để bảo đảm hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất, nông dân toàn tỉnh đang tập trung xuống đồng gieo cấy hết diện tích còn lại. Hiện, nhiều nơi trong tỉnh đã gieo cấy được từ 60 đến 70% diện tích canh tác và phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 25-2. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân tỉnh Ninh Bình đã tập trung gieo cấy lúa vụ xuân. Một số địa phương đã hoàn thành diện tích gieo cấy. Huyện Yên Khánh đã gieo trồng xong 7.250 ha lúa, hoàn thành việc gieo cấy, huyện phấn đấu năng suất đạt 67,81 tạ/ha; giá trị sản xuất vụ xuân đạt hơn 501 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 60 triệu đồng.

* Sản xuất vụ lúa xuân được xác định là vụ chính quyết định đến năng suất, sản lượng cả năm, do vậy nông dân các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã tập trung sản xuất ngay từ đầu xuân mới. Ngành nông nghiệp đang tích cực chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấy lúa, gieo trồng cây màu, đặc biệt là sản xuất tại các mô hình và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đã gieo cấy được 55.393 ha, đạt hơn 60% diện tích sản xuất vụ xuân. Các huyện, thị xã có diện tích gieo cấy đạt tỷ lệ cao là Mỹ Ðức 89,8%, Sóc Sơn 87,4%, Sơn Tây 87,2%, Ba Vì 81,9%, Ứng Hòa 77,2%, Phú Xuyên 75,5%... Ngành nông nghiệp đề nghị các công ty thủy lợi vận hành tối đa các công trình thủy lợi đủ điều kiện khai thác để cấp nước gieo cấy và trữ nước vào ao hồ, vùng trũng phục vụ tưới dưỡng lúa xuân… Các quận, huyện, thị xã vận động nhân dân tăng cường cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy... Toàn tỉnh Thanh Hóa đã gieo cấy được 97.438 ha lúa, đạt 83,3% kế hoạch đề ra. Các địa phương đã hoàn thành gieo cấy vụ chiêm xuân như TP Thanh Hóa, Nga Sơn, Ðông Sơn; các huyện có tỷ lệ gieo cấy đến thời điểm này đạt cao như TP Sầm Sơn (98%), Hà Trung (96,4%), Như Thanh (94%)… Theo kế hoạch vụ chiêm xuân 2019, Thanh Hóa gieo cấy 117.000 ha lúa.

* Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, năm 2019, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm. Nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 8 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1,0oC; riêng tháng 3, tại khu vực Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 1,0-2,0oC so với TBNN cùng thời kỳ. Trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, hiện tượng rét đậm, rét hại ít có khả năng xuất hiện. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn tại các khu vực phía tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ.

* Trong năm 2019, mưa đá xuất hiện ngay giữa tháng 2 này cho thấy dấu hiệu về một mùa thiên tai sẽ diễn ra khó lường, phức tạp. Ðể chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia khuyến cáo, người dân và chính quyền địa phương cần chú ý theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ các cơ quan hữu quan, cần chủ động xây dựng các phương án lao động, sản xuất, sinh hoạt phù hợp. Các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cách thức phòng, chống thiên tai (PCTT) đến từng người dân, cộng đồng.

* Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT cho biết, theo báo cáo của các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lào Cai và Thái Nguyên, mưa lớn từ đêm 17-2 đã làm 5 người bị thương, 3.625 ngôi nhà bị thiệt hại, 1.597 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây ăn trái bị ngập và hư hại. Hiện các địa phương đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống.

* Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thái Nguyên cho biết, tính đến sáng 19-2, tổng thiệt hại về tài sản do mưa dông và lốc xảy ra trên địa bàn tỉnh vào sáng 18-2 là hơn 13,8 tỷ đồng, trong đó TP Sông Công thiệt hại 9,8 tỷ đồng, TP Thái Nguyên thiệt hại 3,2 tỷ đồng...

* Ðể giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống do mưa, dông lốc gây ra trên địa bàn tỉnh ngày 17-2, tỉnh Lai Châu đã tặng quà gia đình có người bị thương và thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại. Theo đó, các hộ có nhà bị sập hoàn toàn sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ và hộ có nhà hỏng nặng không ở được thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để sửa chữa.

* Trên toàn tỉnh Ðác Lắc hiện có hơn 504.000 ha rừng, trong đó hơn 200.000 ha rừng được xác định là khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy trong mùa khô, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Buôn Ðôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông, Krông Năng, Lắc, M’Ðrắc… Hơn ba tháng nay, trên địa bàn tỉnh không có mưa và hiện nay nhiệt độ khá cao, thời tiết nóng bức. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng chủ động xác định vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, triển khai sớm các biện pháp bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra.

* Ngày 19-2, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2019, dịch lở mồm long móng xuất hiện trên đàn lợn với số lượng hàng trăm con tại ba xã trong tỉnh và có dấu hiệu lây lan sang đàn trâu, bò. Các địa phương đã thực hiện các biện pháp dập dịch như lập chốt kiểm dịch, tiêm phòng vắc-xin, tiêu hủy lợn bị bệnh, khử trùng chuồng trại bằng hóa chất và vôi; tạm thời cấm giết mổ, vận chuyển, buôn bán thịt gia súc trên địa bàn… để tránh dịch bệnh lây lan.

* Trận mưa lớn kèm theo dông tối 17-2 tại Yên Bình (Yên Bái) đã làm nhiều lồng nuôi cá tại các xã Mông Sơn, Vĩnh Kiên, Yên Thành, thị trấn Thác Bà bị thiệt hại. Theo thống kê, toàn huyện có 62 lồng nuôi cá bị mất từ 50% đến 100% sản lượng. Ước tổng thiệt hại hơn bốn tỷ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá chính xác mức độ thiệt hại để các ngành chức năng xem xét hỗ trợ theo quy định.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39255602-cac-dia-phuong-day-manh-san-xuat-vu-dong-xuan.html