Các địa phương gấp rút ứng phó bão số 9

Bão số 9 (tên quốc tế Usagi) tiếp tục mạnh lên, tiến gần bờ, nhiều khả năng gây ra mưa lớn, lũ lụt trên diện rộng. Để hạn chế tối đa hậu quả do bão có thể gây ra, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống bão.

Người dân Nha Trang xúc cát về chèn mái nhà.

Biên phòng bắn pháo hiệu báo bão

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo đến 13h hôm nay, 24/11, vị trí tâm bão ngay gần đảo Phú Quý, cách Phan Rang khoảng 120km, cách Vũng Tàu khoảng 210km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) đêm 23 còn mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tại cuộc họp của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai sáng 23/11, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng (Bộ Tư lệnh biên phòng) cho biết, toàn bộ gần 4.000 tàu thuyền và 23.509 lao động đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão đã được thông báo và đang tìm nơi tránh trú an toàn.

Bộ Tư lệnh Biên phòng đã có điện chỉ đạo các đơn vị từ Ninh Thuận đến Tiền Giang duy trì đảm bảo quân số thường trực là 100%, chủ động tham mưu cho địa phương cấm biển. Tối 23/11, lực lượng biên phòng sẽ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại các điểm theo quy định để thông báo tới các phương tiện hoạt động ở ven biển mà không trang bị các hệ thống thông tin liên lạc.

Trong khi đó, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở. Xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư để đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cử hai đoàn công tác vào khu vực ảnh hưởng của bão để chỉ đạo công tác ứng phó. Một đoàn đi TP HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, một đoàn đi Ninh Thuận, Bình Thuận.

Người dân tích cực chống bão, học sinh có thể nghỉ học

Chiều 23/11, UBND TP HCM vừa gửi công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 9. TP cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND 24 quận, huyện, phường – xã – thị trấn tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo để chủ động có phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh đến rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố.

UBND các quận, huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ và Nhà Bè tập trung tổ chức di dời các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, tại khu vực xung yếu đến các địa điểm kiên cố, an toàn. Công tác di dời dân phải hoàn thành trước 12 giờ ngày 24/11/2018.

Các địa phương cũng phải tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân; tổ chức chăm lo tốt cuộc sống của các hộ dân tại nơi tạm cư trong quá trình tránh bão.

Đến 17h cùng ngày, toàn bộ hơn 800 tàu cá, ghe thuyền của huyện Cần Giờ, TP HCM đã vào khu tránh trú an toàn. Hiện, Bộ đội Biên phòng TP HCM đã phong tỏa các khu vực cảng cầu tàu tại các khu vực thường xuyên có tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản và yêu cầu cấm xuất bến đối với tất cả các phương tiện.

Trước đó, sáng 23/11, Sở GD&ĐT TP HCM thông báo khẩn đến các trường học về phương án ứng phó cơn bão số 9 và mưa lũ có thể xảy ra. Sở này yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm phương án phòng tránh, ứng phó bão theo quy định.

Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trong việc tổ chức lực lượng, phân công bảo vệ hệ thống, thiết bị, cơ sở vật chất trường học và xử lý mọi tình huống khi bão di chuyển. Hiệu trưởng các đơn vị phối hợp phụ huynh quản lý học sinh để đảm bảo an toàn.

Trong thời gian bão vào đất liền, trường học không tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tham quan... cho đến khi cơ quan chức năng thông báo thời tiết đảm bảo an toàn. Nếu thời tiết diễn biến phức tạp, UBND các quận, huyện trao đổi với Sở GD&ĐT, thông báo cho học sinh nghỉ học.

Còn ở Khánh Hòa, người dân lo ngại bão số 9 đổ bộ nên từ sáng sớm đến trưa 23/11 đã tất bật đi xúc cát chèn mái nhà. Nhiều đơn vị dùng rọ đá gia cố hồ, đập chống sạt lở. Người dân khu vực Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) huy động xe tải chở cát từ phía biển về đổ vào bao tải để chèn mái nhà. Ông Phan Lộc (ngụ xã Phước Đồng) cho hay, nghe thông tin Đài báo bão dự kiến đi vào TP Nha Trang (Khánh Hòa) nên từ sáng sớm 23/11, người dân địa phương đã đi mua bao tải, dây kẽm ra biển xúc cát để giằng, chống.

Cùng ngày 23/11, UBND tỉnh Khánh Hòa phát đi công điện lệnh cấm biển và tập trung di dời dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu do mưa lớn, vùng ảnh hưởng của xả lũ hồ chứa. Việc sơ tán, di dời dân phải hoàn thành trước 16h cùng ngày cho đến khi kết thúc bão.

Tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các địa phương kêu gọi các tàu đánh bắt thủy sản, các tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12h trưa 23/11 cho đến khi kết thúc bão.

Khánh Hòa cũng có công điện khẩn gửi ngành Giáo dục từ chiều ngày 23/11 đến hết ngày 25/11, hơn 270.000 học sinh toàn tỉnh sẽ nghỉ. Các công nhân dùng rọ đá gia cố dốc nước tràn lũ hồ chứa nước Đồng Bò (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng).

Trước tình hình này, Sở Xây dựng Khánh Hòa gửi văn bản yêu cầu các chủ đầu tư các công trình xây dựng trên triền núi, sườn đồi phải đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của công dân trong mùa mưa bão.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chiều 23/11, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9 với các sở, ngành địa phương. Ông Trình đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung di dời, dân ở những nơi xung yếu, ven biển, gần núi.

Theo đó, tính đến 14h hôm nay, tổng số người dự kiến phải sơ tán, di dời khi bão đổ bộ là 158.534 người/42.423 hộ. Hiện tất cả các địa phương đều đã chuẩn bị đủ số lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết theo các phương án sơ tán của địa phương đã ban hành. Các địa phương phải di dời dân ra khỏi khu vực ven biển, gần núi vào sáng mai và kết thúc di dời trước 12h ngày 24/11.

T.Uyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/cac-dia-phuong-gap-rut-ung-pho-bao-so-9-425419.html