Các địa phương giám sát, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái phát, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Tuyên Quang đã khoanh vùng, giám sát, hướng dẫn người dân phun thuốc khử trùng, xử lý ổ dịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ, lưu thông động vật và sản phẩm động vật theo đúng quy định của Nhà nước và tỉnh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, theo nguyên tắc đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn. Từ đó, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, có giải pháp phát triển đàn ở những nơi không có dịch, những cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng chống và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn; thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt, đúng quy định công tác kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh...

Đối với những xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới, người chăn nuôi cần thận trọng, chưa nên tái đàn chăn nuôi lợn trở lại nếu không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tận dụng chuồng trại, cơ sở vật chất sẵn có tổ chức chăn nuôi các loài vật nuôi khác như chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, chăn nuôi các loài vật nuôi phù hợp (gà, vịt, ngan ...)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn sau một thời gian tạm lắng đã có dấu hiệu tái phát. Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã ghi nhận 6 xã tái phát ổ dịch sau 30 ngày, gồm: xã Lăng Can (huyện Lâm Bình), xã Năng Khả, thị trấn Na Hang, xã Thượng Nông (huyện Na Hang), xã Văn Phú (huyện Sơn Dương) và xã Yên Lâm (huyện Hàm Yên).

Đến ngày 20/2/2020, tỉnh Tuyên Quang có 119 xã có lợn mắc bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới và 43 xã công bố hết dịch. Hiện nay, tỉnh tiếp tục tập trung theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn gia súc trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn, dập tắt tại chỗ không để dịch lây lan.

Tại Trà Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với các địa phương tích cực vận động nông hộ tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho gia cầm. Theo ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đây là giải pháp tối ưu phòng tránh dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trong tháng 2, tại Trà Vinh đã xảy ra 4 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại các huyện Cầu Kè, Trà Cú và Cầu Ngang với tổng số gia cầm bị tiêu hủy hơn 7.000 con. Hầu hết số gia cầm này đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1.

Lực lượng thú ý đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiêu hủy theo quy định, phun hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng ổ dịch và môi trường xung quanh ổ dịch, những xã có dịch và vùng uy hiếp. Ngành nông nghiệp tỉnh đang thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tỉnh tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ; xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển gia cầm không theo quy định.

Tỉnh Trà Vinh có tổng đàn gia cầm 7,5 triệu con. Do đa phần chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên việc tiêm phòng cho đàn gia cầm chưa được nông hộ chú trọng. Thêm nữa, việc tiêm phòng hiện nay đã được xã hội hóa, nhà nước không còn hỗ trợ kinh phí như trước nên tỷ lệ tiêm phòng đạt khá thấp so với tổng đàn. Năm 2019, tỉnh Trà Vinh chỉ có khoảng 44% gia cầm được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

Nhóm phóng viên TTXVN

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/cac-dia-phuong-giam-sat-phong-chong-dich-benh-cho-dan-gia-suc-gia-cam-20200303143608614.htm