Các địa phương nỗ lực giải quyết hậu quả mưa lũ

Ðến trưa 18-8, mưa lũ tại tỉnh Yên Bái làm 130 nhà dân bị thiệt hại; 124 nhà bị ngập, sạt ta-luy gây hư hỏng tài sản; ba nhà phải di dời. Ðường tỉnh 174 Nghĩa Lộ - Trạm Tấu bị sạt ta-luy tại hai điểm, với khối lượng hơn 1.000 m3, gây ách tắc trên toàn tuyến.

Lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái giúp người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực ngập lụt. Ảnh: HÀ KHÁNH

Ðường tỉnh 175B bị sạt ta-luy dương tại km 16 + 200 và km16 + 400, giao thông ách tắc. Lực lượng chức năng đang đưa máy móc vào khắc phục các điểm sạt lở.

★ Ðến sáng 18-8, mưa lũ tại tỉnh Sơn La đã làm hai người chết; sạt lở tại km số 230 + 400 quốc lộ 6; đổ cột điện tại vị trí 254 đường dây 110kv Mộc Châu - Sơn La làm mất điện trên diện rộng. Lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục. Dự kiến chiều 19-8, sẽ đóng cấp điện trở lại.

★ Mưa lớn tại tỉnh Hòa Bình khiến bốn tuyến đường tỉnh (432, 433, 436, 439) bị ách tắc do sạt lở ta-luy dương và các vị trí ngầm nước ngập sâu đến hơn 5 m, các phương tiện không lưu thông được. Mưa lớn cũng làm tốc mái bốn nhà ở xã Tân Minh, huyện Ðà Bắc, 16 ha ruộng bị lũ cuốn trôi; năm nhà ở huyện Cao Phong bị tốc mái; hơn 40 ha lúa ở huyện Mai Châu bị ngập úng… Lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục sự cố.

★ Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã ban hành Công điện số 44 chỉ đạo Công ty Thủy điện Hòa Bình đóng một cửa xả đáy hồ Hòa Bình vào 10 giờ ngày 18-8. Lúc 8 giờ, mực nước hồ Thủy điện Hòa Bình ở cao trình 102,39 m; lưu lượng đến hồ 3.939 m3/s; tổng lưu lượng xả 3.993 m3/s .

★ Trước tình hình mưa lũ phức tạp, chính quyền huyện Con Cuông (Nghệ An) đã huy động mọi lực lượng di dời 40 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm. Trong lúc làm nhiệm vụ, hai chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 6 tỉnh Nghệ An bị thương nặng. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên; hiện sức khỏe hai chiến sĩ dần ổn định.

★ Do ảnh hưởng của bão số 4 khiến vị trí K5+836 đến K5+876 đê hữu sông Văn Úc, huyện Thanh Hà (Hải Dương) bị sạt lở với chiều dài 40m, điểm gần nhất cách chân đê 40m, cung sạt lấn sâu vào bãi 13m, độ sâu cung sạt sáu mét. Lực lượng chức năng đang theo dõi chặt chẽ, đồng thời chuẩn bị phương án xử lý khi sự cố xảy ra.

Lực lượng chức năng xã Ðông Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: VIỆT TIẾN

★ Theo Bộ NN và PTNT, vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã thu hoạch được 850 nghìn ha (đạt hơn 50%). Diện tích chưa thu hoạch còn lại, khoảng 194 nghìn ha có nguy cơ ngập lũ. Do phần lớn diện tích nêu trên thu hoạch trước ngày 15-8, nên không bị ảnh hưởng của lũ; còn khoảng 7.200 ha sẽ bị ảnh hưởng nếu lũ đầu nguồn ÐBSCL vượt BÐ 2.

★ Vụ mùa 2018, các tỉnh phía bắc đã gieo được hơn 800 nghìn ha lúa. Do bệnh rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen hại lúa bùng phát, Bộ NN và PTNT có công điện gửi các địa phương yêu cầu theo dõi dịch bệnh, hướng dẫn bà con phòng trừ kịp thời bằng thuốc đặc hiệu theo nguyên tắc 4 đúng...

★ Hiện, có khoảng 5.000 ha lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng của tỉnh Hà Nam bị sâu bệnh gây hại. Ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn bà con phun trừ bằng các loại thuốc đặc trị rầy. Sâu đục thân 2 chấm, phun trừ khi mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên, vào giai đoạn lúa thấp tho trổ 1 đến 5% số bông.

★ Hiện, toàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có hơn 252 ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng bị nhiễm bệnh khô vằn. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con phun các loại thuốc đặc trị vào trước 8 giờ sáng hoặc sau 16 giờ để tránh thời điểm lúa thụ phấn.

★ Tại huyện Ðác Hà (Kon Tum), xuất hiện bọ cánh cứng phá hoại hơn 60ha cà-phê của Công ty TNHH MTV cà-phê 704, trong đó, 7,5 ha bị mất trắng. Công ty đã huy động người dân phun thuốc, bẫy đèn... để diệt bọ cánh cứng nhưng do số lượng dày đặc nên không thể diệt hết.

★ Trong 36.522 ha lúa hè thu của tỉnh Cà Mau đã xuống giống từ đầu vụ đến nay, hiện có đến 18.989 ha nhiễm sâu bệnh. Qua khuyến cáo của cơ quan chức năng địa phương, bà con đã tiến hành phun thuốc phòng trừ được trên diện tích 16.362 ha.

★ Hiện, diện tích nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu là hơn 100 nghìn ha. Tuy nhiên, do thời tiết, dịch bệnh đã làm hơn 3.300 ha tôm nuôi thiệt hại. Bà con mất hàng tỷ đồng. Ngành nông nghiệp đang cùng người dân xử lý, nhằm giảm ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Sáng 18-8, tại xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) xảy ra trận dông lốc lớn khiến hai người chết, làm sập và tốc mái tám nhà. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu giúp gia đình lo hậu sự cho các nạn nhân.

Sáng 18-8, tại xã Ðông Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) xảy ra trận dông lốc lớn khiến hai người chết, làm sập và tốc mái tám nhà. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu giúp gia đình lo hậu sự cho các nạn nhân.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37355902-cac-dia-phuong-no-luc-giai-quyet-hau-qua-mua-lu.html