Các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ

* Mặn có khả năng xuất hiện sớm ở đồng bằng sông Cửu LongTrước diễn biến bất thường của thời tiết, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương ở miền trung bị thiệt hại do mưa lũ tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn. Bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là các khu vực bị ngập nước, đề phòng tai nạn do điện. Kiểm tra, tổ chức cứu trợ nước uống, lương thực, thực phẩm kịp thời, không để người dân bị đói, rét. Khẩn trương xử lý các sự cố sạt lở đất, thông tuyến giao thông. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục nhà cửa, vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút, phòng chống dịch bệnh.

* Mặn có khả năng xuất hiện sớm ở đồng bằng sông Cửu Long

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương ở miền trung bị thiệt hại do mưa lũ tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn. Bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là các khu vực bị ngập nước, đề phòng tai nạn do điện. Kiểm tra, tổ chức cứu trợ nước uống, lương thực, thực phẩm kịp thời, không để người dân bị đói, rét. Khẩn trương xử lý các sự cố sạt lở đất, thông tuyến giao thông. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục nhà cửa, vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút, phòng chống dịch bệnh.

* Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lũ đã làm năm người chết; 64 xã, phường, thị trấn với 5.567 hộ bị ngập lụt, có nơi ngập sâu hơn 3 m; một số địa phương học sinh chưa thể đến trường học tập; hơn 6.000 ha lúa hè thu, 839 ha hoa màu, 350 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập úng, đặc biệt có 1.330 ha bưởi của huyện Hương Khê đã đến thời kỳ thu hoạch bị ngập và hư hỏng nặng. Hiện tỉnh đang khẩn trương tổ chức các đoàn cứu trợ cung cấp nhu yếu phẩm, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời chuẩn bị các loại giống, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ngày 6-9, nước lũ tại các xã vùng thượng Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bắt đầu rút dần. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn được huy động giúp người dân các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Ðô, Lộc Yên, Hương Trà, Hà Linh... dọn dẹp công sở, nhà ở, sớm ổn định cuộc sống. Nhằm giảm bớt thiệt hại gây ra đối với bà con trồng bưởi Phúc Trạch, huyện đoàn Hương Khê đã vận động, khâu nối thu gom, tiêu thụ bưởi cho người dân vùng ngập lụt.

* Tại tỉnh Nghệ An, các đơn vị thủy lợi đã vận hành tiêu úng qua các hệ thống tiêu chính, như mở 13 cửa xả ở Bara Nghi Quang; mở 10 cửa ở Bara Bến Thủy; mở một loạt cống tiêu ở huyện Hưng Nguyên và Diễn Châu; đồng thời, tổ chức vận hành hết công suất các trạm bơm tiêu trên địa bàn TP Vinh, huyện Hưng Nguyên; hệ thống hồ điều hòa Hưng Hòa (TP Vinh) vận hành tiêu nước trước hàng trăm mét khối...Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghi Lộc, nếu trong một vài ngày tới, trời khô ráo, cơ bản hơn 1.000 ha lúa bị ngập trong huyện sẽ được giải cứu, không bị hư hại nhiều. Huyện sẽ huy động các lực lượng để gặt giúp dân.

* Sau khi nước rút, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân. Ðến chiều 6-9, các điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây và đông qua địa phận hai huyện miền núi Hướng Hóa và Ða Krông được thông suốt trở lại. 4.500 ha lúa hè thu bị ngập, trong đó có 1.700 ha bị ngập nặng, tập trung tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ đã được lực lượng công an, bộ đội tranh thủ thời tiết khô, nắng sau lũ giúp nhân dân gặt lúa. Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh đã tăng cường hàng trăm chiến sĩ giúp dân với quyết tâm nước rút đến đâu khắc phục hậu quả lũ lụt đến đó, nhất là tại các điểm trường học, nhà dân bị ngập sâu, dọn dẹp môi trường sau lũ.

* Ngày 6-9, UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết, mưa lũ kèm theo triều cường đã làm hơn 200 m kè biển ở xã Thịnh Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng nghìn hộ dân sinh sống phía trong kè. Hiện UBND xã đã đề xuất cấp trên thực hiện phương án kè rọ đá dưới chân kè để tránh bị xói lở thêm.

* Lãnh đạo các địa phương của tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng phối hợp cùng nhân dân kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh, tiêu độc khử trùng ngay khi nước rút. Tại huyện Minh Hóa, các đoàn thể cùng với lực lượng thuộc Ban Chỉ huy quân sự các huyện tham gia dọn dẹp nhà, giúp trường học, cơ quan, trạm y tế... vệ sinh môi trường, phấn đấu tuần tới, tất cả các trường sẽ tổ chức khai giảng. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã cấp phát thuốc khử khuẩn nguồn nước cho các hộ dân, tránh phát sinh các bệnh dịch có thể xảy ra.

* Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, đến nay ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, lúa hè thu đã thu hoạch được khoảng 147 nghìn ha, còn lại 18 nghìn ha, các địa phương đang tập trung thu hoạch; lúa mùa đã thu hoạch 20 nghìn ha, còn lại 138 nghìn ha đang ở giai đoạn chín, sắp thu hoạch. Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, lúa hè thu đã thu hoạch được khoảng 115 nghìn ha, còn lại 61 nghìn ha. Lúa mùa đã gieo cấy được khoảng 57 nghìn ha trong tổng số 136 nghìn ha, diện tích đã thu hoạch đạt 22 nghìn ha, còn lại 35 nghìn ha, dự kiến đến ngày 10-9 sẽ thu hoạch xong.

* Theo Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, mưa lũ đã gây sạt lở, bồi lấp khoảng 3.027 m2 lúa tại xã Xốp, khoảng gần 3.000 m2 cây trồng của xã Ðác Man, huyện Ðác Glei; bốn nhà bị tốc mái, hư hỏng tại xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) và xã Ðác Man (huyện Ðác Glei). Quốc lộ 24 có ba điểm sạt lở phía ta-luy âm, xói lở tại km 106, km 137, km 140; quốc lộ 40B có năm điểm sạt lở lớn đoạn từ km 161 đến 166 gây ách tắc giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 672, 674, 676, 678, tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Ðác Côi - Ðác Pxi cũng bị sạt lở ở nhiều vị trí khiến giao thông đi lại khó khăn...

* Ðến chiều 6-9, mưa trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã ngưng, giao thông trở lại bình thường; riêng các tuyến đường dọc sông Ô Lâu thuộc huyện Phong Ðiền vẫn còn ngập cục bộ, có đoạn người dân phải di chuyển bằng thuyền. Trên tuyến quốc lộ 49B đoạn qua địa phận xã Phong Hòa, Phong Bình ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,5 m... Toàn huyện Phong Ðiền có 30 nhà bị ngập, các địa phương đã di dời 13 hộ, 42 nhân khẩu đến nơi an toàn. Ðến ngày 6-9, các hộ dân đã trở về nhà và sinh hoạt ổn định trở lại.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến ngày 6-9, số lúa hè thu đã hoàn thành thu hoạch trong toàn tỉnh đạt hơn 26 nghìn ha, còn lại khoảng hơn 200 ha trà muộn ở vùng đồng bằng chưa thu hoạch; diện tích ở các vùng miền núi Nam Ðông và A Lưới là 760 ha, theo kế hoạch sản xuất sẽ thu hoạch từ ngày 15 đến 20-9. Số diện tích lúa bị ngập úng nhiều nhất là tại huyện Phú Lộc, người dân ở hạ nguồn sông Truồi thuộc xã Lộc An đã cơ bản gặt xong diện tích lúa bị hư hỏng, lên mầm.

* Tổng công ty Ðiện lực miền trung (EVNCPC) cho biết, đến trưa 6-9, tại Quảng Bình, Công ty Ðiện lực Quảng Bình đã khôi phục cấp điện lại cho 120 trạm biến áp (TBA) với 23.299 khách hàng. Hiện một số khu vực của huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch vẫn chưa được khôi phục cấp điện trở lại; đặc biệt, tại huyện Minh Hóa, có hai xã còn mất điện hoàn toàn do nước còn ngập sâu là Tân Hóa, Minh Hóa. Công ty đã hoàn thành xử lý sự cố đường dây trung thế; vẫn còn 33 TBA phân phối, 4.649 khách hàng bị mất điện.

Tại Quảng Trị, hiện các xã Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Việt thuộc khu vực Khe Sanh vẫn còn mất điện do sạt lở và bị gãy cột tại các vị trí 497, 498, 499 thuộc xuất tuyến 471/TBA Khe Sanh. Ðến nay, vẫn còn một trên 42 đường dây trung thế, 24 trên tổng số 1.918 TBA và 709 trên tổng số 202.866 khách hàng vẫn còn bị mất điện.

* Theo thông tin từ Ðồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh), trong nhóm tám người dân tộc Chứt (trú tại bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê), mắc kẹt trong rừng do mưa lũ, đã có thêm hai người trở về nhà an toàn vào sáng 6-9. Sáu người còn lại sức khỏe vẫn ổn định, đang chờ nước rút để trở về nhà.

* Ngày 6-9, Hệ thống Thông tin duyên hải Việt Nam cho biết, đơn vị này đang tiếp tục theo dõi và trợ giúp thông tin cho tàu cá Bình Ðịnh lâm nạn ở Trường Sa. Trước đó, vào sáng 3-9, tàu BÐ 96715 TS của ông Khổng Văn Vương (trú tỉnh Bình Ðịnh) đang hoạt động đánh bắt thì hết nhiên liệu chạy máy và phải neo tại vị trí cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng ba hải lý về phía tây nam. Trên tàu có ba ngư dân, chung quanh tàu cá gặp nạn không có tàu nào hỗ trợ và tàu BÐ 96715 TS đã cạn kiệt lương thực.

* Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, ngày 5-9, tàu cá mang số hiệu NA 93010 TS do anh Cao Văn Ý (SN 1981, trú tại xóm 8, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) làm thuyền trưởng, trên tàu có bảy thuyền viên, sau khi rời Cửa Gianh (Quảng Bình) được khoảng 10 hải lý về phía đông thì bị sóng lớn đánh chìm. Một tàu cá ở gần hiện trường đã đến cứu nạn nhưng do sóng lớn cho nên chỉ cứu được anh Nguyễn Văn Thắng, sáu người khác rơi xuống biển. Ðến sáng 6-9, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy bốn ngư dân. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm hai ngư dân còn lại.

* Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN và PTNT) cho biết, theo tính toán của Viện Khoa học thủy lợi miền nam, mặn mùa khô 2019-2020 ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xuất hiện sớm so với năm 2018-2019 khoảng từ 10 đến 30 ngày và sớm hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 đến 2 tháng. Khả năng xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và mùa khô các năm 2017 - 2018, 2018 - 2019. Cụ thể, từ tháng 12-2019, mặn có khả năng ảnh hưởng tới việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi cách biển 30 đến 35 km. Tháng 1 và tháng 2-2020, ranh mặn 4g/l có khả năng vào sâu nội địa 45 đến 55 km (tùy cửa sông)...

* Ngày 6-9, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đến thăm, tặng quà động viên các gia đình chính sách, người dân vùng bị ngập lụt tại xã Quảng Lộc, thị xã Ba Ðồn, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ với người dân những khó khăn, thiệt hại do mưa lũ gây ra, đồng thời lưu ý chính quyền địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ; triển khai ngay các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường, như: tiêu độc, khử trùng nguồn nước; vệ sinh đường làng ngõ xóm, khu dân cư; bảo đảm đời sống người dân ngay sau khi lũ rút.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41483602-cac-dia-phuong-no-luc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu.html