Các địa phương phòng, chống ngập úng do mưa lũ, triều cường

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hôm qua (24-10), cả nước tiếp tục có mưa, mưa vừa với lượng mưa phổ biến từ 30 đến 80 mm; riêng Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rất to. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Mường Lát (Thanh Hóa) 102 mm, Con Cuông (Nghệ An) 101 mm.

Người dân xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) gia cố bờ bao để ngăn lũ. Ảnh: KIM HÀ

Trong khi đó, tại các tỉnh miền núi phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, mưa lớn cục bộ dẫn đến nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Vân Hồ, Sốp Cộp (Sơn La).

Ngày 24-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) cho biết, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, kết hợp lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước hồ chứa thủy điện Tuyên Quang đang lên. Ðể bảo đảm an toàn hồ chứa và khu vực hạ du, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã có các Công văn số 524/TWPCTT-VP và số 525/TWPCTT-VP ngày 23-10, yêu cầu Công ty thủy điện Tuyên Quang sẵn sàng vận hành xả lũ và bảo đảm an toàn hạ du khi hồ chứa Tuyên Quang xả lũ.

Theo Báo cáo nhanh số 82/BC-VPPCTT của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bắc Cạn, do mưa lớn cục bộ vào ngày 22-10 đã gây sạt ta-luy dương 10.698 m3 đất, đá tại quốc lộ 279, gây tắc đường tại một số điểm tỉnh lộ ÐT.254B, ÐT.258B, ÐT.259, ÐT.259B. Tỉnh Bắc Cạn đã huy động lực lượng tại chỗ và các xã lân cận tham gia san gạt đất đá, giải phóng mặt bằng, đồng thời cử người cắm biển cảnh báo và hướng dẫn giao thông tại các điểm sạt lở gây ách tắc cục bộ.

Ngày 24-10, UBND huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho biết, tuyến đường từ xã Yên Thành đi trung tâm xã Bản Rịa, huyện Quang Bình đã được thông tuyến, tạo điều kiện đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm vào hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đó vào sáng 22-10 tại xã Bản Rịa đã xảy ra lũ ống gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, và hoa màu của nhân dân và các công trình phúc lợi trên địa bàn. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu lên đến hàng tỷ đồng.

Sáng ngày 24-10, tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) có mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu, như khu vực ngã tư đại lộ Lê Lợi và đường Trần Phú... Do thời điểm đường ngập vào buổi sáng, khi người dân đi làm và đưa con đến trường cho nên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nhiều phương tiện chết máy khi qua đường ngập. Ðến 10 giờ sáng, mưa đã giảm nhưng nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu trong nước.

Ðể bảo đảm an toàn đê kè trong mùa mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp tuyến kè từ khu du lịch Thiên Cầm đến Cửa Nhượng dài 350 m với tổng kinh phí dự kiến 25 tỷ đồng. Các hạng mục tiến hành nâng cấp gồm: Ðường trên đỉnh kè; tường khóa đỉnh kè; cơ kè và chân kè.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long nước lũ đang lên theo kỳ triều cường. Dự báo đến ngày 27-10, mực nước cao nhất tại Tân Châu là 2,5 m; tại Châu Ðốc 2,43 m. Các địa phương thuộc TP Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, TP Cần Thơ cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, sạt lở đê bao vùng ven sông. Tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại khu vực đông dân cư.

Theo dự báo, đến cuối năm 2018, mực nước các sông trong tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chịu ảnh hưởng của bốn đợt triều cường, có thể gây ngập sâu đối với các vùng trũng, vùng ngoài đê bao của tỉnh. Ðể chủ động phòng, chống, tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến người dân; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp ( Hậu Giang), đợt triều cường từ ngày 10-10 đến nay, toàn huyện có 5.640 ha mía bị ngập nước. Trong đó, mía chín sớm và mía giống ROC 16 bị ngập 2.800 ha, và hơn 2.210 ha bị ngập với mức độ thiệt hại từ 30% trở lên. Tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát tình hình ngập úng, chỉ đạo địa phương khắc phục hậu quả thiên tai và tìm cách hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ mía.

Ngày 24-10, tỉnh Lâm Ðồng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập kế hoạch sửa chữa cấp bách các công trình hồ chứa, đập thủy lợi trên địa bàn với tổng kinh phí 29 tỷ đồng. Ðây là nguồn hỗ trợ từ ngân sách dự phòng của Trung ương năm 2018 phân bổ cho tỉnh.

Lại xảy ra động đất tại huyện Bắc Trà My

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần-Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hồi 11 giờ 49 phút 59 giây ngày 24-10, tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra một trận động đất 2,7 độ rích-te, nhưng không ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Trước đó, ngày 21-10, tại huyện này liên tiếp xảy ra hai trận động đất. Hiện, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38026402-cac-dia-phuong-phong-chong-ngap-ung-do-mua-lu-trieu-cuong.html