Các địa phương tập trung sản xuất vụ đông

Vụ đông năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu gieo trồng khoảng 47 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng hành, tỏi tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc; sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa tại các xã ven biển; phấn đấu giá trị sản xuất đạt 2.800 tỷ đồng.

Nông dân huyện Vĩnh Hưng (Long An) làm đất chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân. Ảnh: VĂN ĐÁT

Nông dân huyện Vĩnh Hưng (Long An) làm đất chuẩn bị sản xuất lúa vụ đông xuân. Ảnh: VĂN ĐÁT

Vụ đông năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu gieo trồng khoảng 47 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng hành, tỏi tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc; sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa tại các xã ven biển; phấn đấu giá trị sản xuất đạt 2.800 tỷ đồng.

* Tỉnh Bắc Cạn hiện đã triển khai trồng 1.490 ha cây vụ đông 2019 theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế cho các nông hộ. Hiện bà con đã xuống giống gieo ngô đông và trồng rải vụ các loại rau như: khoai tây, bắp cải, su hào, súp lơ, đậu… Ngành nông nghiệp tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng đúng thời vụ, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật thâm canh nhằm tránh sự bất thường của thời tiết như rét đậm, rét hại, ngập úng…

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện TP Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau 12 nghìn ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với hơn 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Sản lượng rau đạt gần 700 nghìn tấn/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

* Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, vụ đông 2019, toàn huyện kế hoạch gieo trỉa 1.600 ha ngô các loại. Đến nay, gần 1.000 ha được bà con làm đất xong, trong đó có hơn 400 ha đã được xuống giống.

* Đến nay, tỉnh Long An đã xuống giống hơn 13.367 ha lúa đông xuân 2019 - 2020, tập trung ở các huyện: Cần Giuộc, Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Đước, Mộc Hóa, Bến Lức,... Tại huyện Tân Thạnh đã xuống giống hơn 9.300 ha, tại các xã: Nhơn Hòa, Nhơn Ninh, Tân Ninh. Hiện các trà lúa hơn 20 ngày tuổi đang trên đà phát triển tốt, ít sâu, bệnh phá hoại.

* Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, ngày 20-10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa; riêng khu vực Hà Tĩnh và Quảng Bình có mưa vừa, mưa to và dông (lượng mưa từ 20 đến 50 mm/24 giờ, có nơi trên 60 mm/24 giờ); trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

* Mấy ngày qua, tại tỉnh Bình Định liên tục có mưa vừa đến mưa to gây ngập cục bộ nhiều khu dân cư ở các huyện: Phù Cát, Tuy Phước và thị xã An Nhơn. Tại xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, nước sông Đại An vượt tràn Phú Giáo về gây ngập cục bộ ở khu dân cư Long Hậu, Chánh Định, nước lũ cũng gây chia cắt tỉnh lộ 640 khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

* UBND xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, mưa lớn trong vài ngày qua khiến nước ở các dòng suối dâng cao, gây ngập nhiều tuyến đường giao thông, nhiều hộ dân sống ở vùng trũng bị cô lập và làm hư hỏng một số công trình dân sinh. Đặc biệt, đường biên giới đoạn qua địa phận thôn 11 của xã lên Đồn Biên phòng Sơn Hồng (dài khoảng 19 km) bị mưa lũ làm sạt lở nhiều điểm, trong đó có những đoạn hư hỏng nặng chưa thể khắc phục được.

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, sau đợt mưa mấy ngày qua, mầm bệnh từ chất thải, xác chết động vật, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, thu gom... theo nước phát tán rộng ra môi trường, khiến dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có nguy cơ lan ra diện rộng, nhất các huyện vùng thấp, thường xuyên ngập úng. Do vậy, Chi cục đã trình UBND tỉnh cấp thêm 30 tấn hóa chất, cung cấp cho các địa phương triển khai phun tiêu độc khử trùng tập trung trên diện rộng để phòng, chống dịch.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đến nay đã có hơn 31 nghìn con lợn bị tiêu hủy do nhiễm DTLCP. Do vậy, Chi cục khuyến cáo các trang trại bảo đảm điều kiện an toàn dịch bệnh mới có thể tái đàn, các hộ nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học thì không nên tái đàn để tránh rủi ro.

Ngày 20-10, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu cùng lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, sở, ban, ngành đến hiện trường vụ chìm tàu 8.000 tấn trên sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ để kiểm tra thực địa, chỉ đạo công tác khắc phục sự cố. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các lực lượng chức năng cố định lại vị trí, đồng thời trục vớt các công-ten-nơ đang bị trôi sau sự cố chìm tàu; có giải pháp mở rộng một bên luồng nhằm bảo đảm lưu thông cho các loại tàu lớn có mớn nước 9,5m trở lên. UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng thành phố lấy mẫu nước để kiểm tra các tiêu chí về môi trường, đồng thời điều tra nguyên nhân, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có liên quan vụ tàu chìm.

Trước đó, vào khuya 18-10, tàu hàng VietSun Integrity chở theo 17 thuyền viên cùng 285 công-ten-nơ theo hướng từ cảng VICT, TP Hồ Chí Minh đi TP Hải Phòng gặp sự cố dẫn đến bị chìm.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41965402-cac-dia-phuong-tap-trung-san-xuat-vu-dong.html