Các địa phương tích cực dập dịch tả lợn châu Phi

Đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 108 xã, phường, thị trấn ở chín huyện, thành phố tỉnh Lào Cai với số lợn tiêu hủy 24.000 con. Hiện nay, ngoài việc tập trung dập dịch, tỉnh đang khuyến cáo nhân dân chăn nuôi lợn an toàn sinh học để phòng, chống dịch.

Cán bộ thú y huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi. Ảnh: KIM THOA

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) bốn xã có DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. UBND huyện đã công bố hết dịch trên địa bàn các xã có dịch và tạm dừng hoạt động các chốt kiểm dịch động vật tạm thời. Đến nay, 52 xã, phường, thị trấn của chín huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Thái Nguyên đã qua 30 ngày không có lợn mắc DTLCP, trong đó có 16 xã, phường đã công bố hết dịch.

Tại Hải Dương, hiện có hơn 200 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch. Tuy nhiên, mới đây đã có bốn xã bị tái phát dịch là Thái Tân, Hiệp Cát, huyện Nam Sách, Cổ Bì, huyện Bình Giang và Thăng Long huyện Kinh Môn. Tại Thanh Hóa đã có 128 xã tái phát DTLCP.

Đến nay, các địa phương ở tỉnh Hưng Yên đã tiêu hủy hơn 196,8 nghìn con lợn bị DTLCP. Trên địa bàn tỉnh đã có 130 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố công bố hết bệnh dịch.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hiện sáu huyện có DTLCP đã qua 30 ngày. Mặc dù vậy nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới và lây lan vẫn cao nên ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không vội tái đàn, nhất là những cơ sở chăn nuôi đã bị dịch bệnh.

Tại TP Cần Thơ, đến nay đã ghi nhận hơn 2.200 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng của DTLCP, số lợn phải tiêu hủy hơn 56.000 con. Hiện nay đang là mùa mưa nên dịch diễn biến phức tạp, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn mà chuyển đổi sang những vật nuôi khác để ổn định cuộc sống. Hiện nay, DTLCP đã xuất hiện ở 15 huyện, thành phố ở Kiên Giang với số lợn tiêu hủy là 42.202 con, chiếm hơn 12,5% tổng đàn của tỉnh. Các ngành chức năng và địa phương đang tích cực vệ sinh môi trường, phun hóa chất dập dịch.

Ngày 27-9, tại Sơn La, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT) phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác PCTT và xây dựng nông thôn mới. Tại hội nghị, các đại biểu được hướng dẫn lập kế hoạch và xây dựng phương án ứng phó thiên tai cấp xã; hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã; vai trò nòng cốt của lực lượng dân quân tự vệ trong hoạt động PCTT ở cơ sở…

Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, mực nước đỉnh triều tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên theo kỳ triều cường và đạt đỉnh vào khoảng ngày 30-9 và 1-10. Theo đó, tại trạm Phú An và Nhà Bè lên mức 1,60 đến 1,65 m, cao hơn mức báo động 3 từ 0,10 đến 0,15m. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh ở cấp độ 3. Trên sông Cửu Long, kết hợp giữa triều cường cao và nước từ thượng nguồn về cho nên mực nước tại các trạm trên dòng chính ở mức cao hơn báo động 3 từ 0,10 đến 0,20 m; trạm Cần Thơ (sông Hậu) lên mức 2,05 đến 2,10m, cao hơn báo động 3 từ 0,15 đến 0,20m. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có khả năng đạt cấp độ 3 tại khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu.

Ngày 27-9, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, tối ngày 26-9, tàu cá QNa 91289 TS với sáu ngư dân khi đang khai thác hải sản trên biển bị chìm do chập điện và cháy. Toàn bộ ngư dân trên tàu đã được một tàu cá đang hành nghề gần đó cứu trợ.

Theo Cục Kiểm lâm, tại các huyện Tủa Chùa, Mường Lay (Điện Biên) và Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình) nhiều ngày không mưa, nắng nóng, thời tiết khô hanh cho nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4, cấp rất nguy hiểm. Cục Kiểm lâm đề nghị các địa phương và chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41716202-cac-dia-phuong-tich-cuc-dap-dich-ta-lon-chau-phi.html