Các địa phương tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ

Do mưa lớn, kết hợp việc xả lũ của các nhà máy thủy điện trên địa bàn nên chiều và tối 30-8, tại Nghệ An, nước Sông Lam dâng cao, gây ngập một số đoạn trên Quốc lộ 7 và các hộ dân ở bản Bãi Xa và làng Nhùng của xã Tam Quang (Tương Dương). Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang, huyện Tương Dương lại trắng đêm giúp dân di chuyển tài sản lên nơi an toàn khi nước lũ dâng cao.

Cảnh báo các phương tiện không đi vào điểm ngập lụt. (Ảnh: HẢI THƯỢNG)

Để kịp thời giúp người dân di chuyển tài sản tránh lũ và bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 7, Đồn Biên phòng Tam Quang (BĐBP Nghệ An) đã lập hai tổ công tác, phối hợp các lực lượng của xã Tam Quang giúp các hộ dân di chuyển tài sản, triển khai ứng trực tại các điểm ngập lụt, cảnh báo không để các phương tiện giao thông qua lại tại các vị trí nguy hiểm này.

Đến rạng sáng 31-8, nước vẫn đang dâng cao, đơn vị tiếp tục huy động lực lượng, phối hợp địa phương giúp các hộ gia đình bị ngập di chuyển toàn bộ tài sản đến nơi an toàn; tổ chức canh gác tại các điểm ngập sâu; duy trì lực lượng trực 24/24h đề phòng tình huống xảy ra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Quang giúp người dân di chuyển tài sản khỏi ngập lụt. (Ảnh: HẢI THƯỢNG)

Mưa lớn gây thiệt hại ở Lào Cai

Chiều 31-8, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Lào Cai cho biết, đêm về sáng 31-8, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp hoạt động mạnh kết hợp tác động của vùng xoáy thấp trên cao nên các khu vực trong tỉnh có mưa trên diện rộng và dông rải rác, gây nhiều thiệt hại cho người dân địa phương.

Nhiều địa phương có mưa to, có nơi mưa rất to, như: xã Bản Vược (Bát Xát), 57mm; TP Lào Cai, 70mm; xã Bảo Hà (Bảo Yên), 84mm; xã Dương Quỳ (Văn Bàn), 91,6mm; xã Tả Van (Sa Pa), 97,8mm; thị trấn Sa Pa có mưa rất to, lượng nước đo được 126,7mm.

Mưa lớn gây lũ ống làm thiệt hại 11 nhà, trong đó ba nhà ở huyện Sa Pa và Văn Bàn bị sập đổ.

Mưa lũ gây ngập úng ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Ngay trong đêm 31-8, xã Văn Sơn và xã Võ Lao (Văn Bàn) phải di chuyển gấp 22 nhà ở của người dân do bị nước lũ ngập úng. Có năm công trình thủy lợi ở huyện Sa Pa và Văn Bàn bị hư hỏng. Các Quốc lộ 4, 4D, 279 bị sạt lở ta-luy dương, với khối lượng hơn 4.000m3 đất đá; sạt ta-luy âm tại bốn điểm, chiều dài hơn 80km. Tỉnh lộ 151 nối TP Lào Cai với huyện Văn Bàn bị ách tắc cục bộ tại các điểm ngầm Võ Lao, Văn Sơn và Phú Nhuận.

Tại hai huyện Văn Bàn và Bảo Thắng có 115 ha lúa bị ngập úng do mưa lũ. Ước tính tổng thiệt hại hơn năm tỷ đồng.

Chính quyền các huyện Sa Pa, Bảo Thắng, Văn Bàn đã huy động tối đa lực lượng tại chỗ giúp người dân di chuyển người và tài sản đến nới an toàn. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chỉ đạo Công ty bảo dưỡng đường bộ và các nhà thầu đang thi công trên tuyến sử dụng máy móc, nhân lực bốc xúc đất đá, khơi thông tuyến đường, bảo đảm an toàn.

Huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân ổn định cuộc sống. (Ảnh: QUỐC HỒNG)

Huyện Con Cuông (Nghệ An) huy động hàng trăm người túc trực ứng cứu cầu treo Chôm Lôm có nguy cơ bị sạt lở cuốn trôi do lũ

Do nước sông Lam dâng cao đã làm ba bản của xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) với hơn 500 hộ dân hiện đang có nguy cơ bị cô lập, chia cắt, đặc biệt đe dọa đến sự tồn tại cầu treo Chôm Lôm.

Cầu treo Chôm Lôm được xây dựng sau vụ chìm đò, ngày 7-10-2006, làm 19 học sinh Trường THCS Lạng Khê chết và mất tích. Đây chiếc cầu nhân ái được xây dựng từ sự chung tay đóng góp của đồng bào cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nhằm giúp hàng trăm học sinh và người dân bản Chôm Lôm, Đồng Tiến và Yên Hòa (Con Cuông) qua sông an toàn.

Trước nguy cơ đang bị đe dọa bị đổ sập và lũ cuốn trôi do sạt lở mố cầu phía thượng nguồn, UBND huyện Con Cuông đã huy động các phương tiện chở 5.000m3 đá hộc, 2.000 rọ thép; đồng thời huy động hơn 200 dân quân tự vệ và người dân xã Lạng Khê tích cực làm rọ đá kè tại các điểm sạt lở.

Hiện, huyện Con Cuông đã đình chỉ lưu thông qua cầu, bố trí lực lượng túc trực, kịp thời ứng cứu nếu có sự cố xảy ra.

Cấm người và phương tiện qua cầu Chôm Lôm do sạt lở mố cầu và có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào. (Ảnh: THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG)

Thanh Hóa bảo vệ đê, di chuyển người, tài sản khu vực bãi sông đến nơi an toàn

Ngày 31-8, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tăng cường tuần tra, canh gác, hộ đê theo cấp báo động; kiểm tra, rà soát, có phương án xử lý bảo đảm an toàn các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê; sơ tán ngay các hộ dân sinh sống ở vùng bãi sông đến nơi an toàn.

0 giờ 15 phút cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa phát lệnh báo động III trên sông Mã, sông Bưởi; báo động II trên sông Lèn.

Dự báo sáng nay, mực nước sông Mã tại Trạm thủy văn Lý Nhân và sông Bưởi tại Trạm thủy văn Kim Tân lên mức báo động III (12 m); sông Lèn tại Trạm thủy văn Lèn là 5m, mức báo động II.

Nước sông Lèn đang lên cao. (Ảnh: MAI LUẬN)

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, mưa lũ làm sập chín nhà ở và nhà công vụ, thư viện cùng ba phòng học của Trường tiểu học Trung Sơn (Quan Hóa), 17 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, gần 200 nhà dân, 46 ha lúa, 79 ha rau, hoa màu bị ngập; cuốn trôi 2,5 ha lúa, 520 m kênh mương nội đồng, 11 con trâu, bò bị chết. Đường quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng 14 vị trí; giao thông liên thôn sạt lở 758 m; đường vận hành thủy điện Trung Sơn bị sạt lở nặng tại khu vực bản Co Me; sáu cột điện, cột thu phát sóng thông tin bị đổ, sáu máy phát điện mini bị cuốn trôi.

Các huyện miền núi đã chủ động sơ tán 204 hộ khu vực ven sông suối, vùng trũng thấp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; các huyện, xã vùng trung du, đồng bằng tiếp tục hỗ trợ sơ tán người, tài sản khỏi khu vực ngoại đê.

Hiện, các đơn vị quản lý đường bộ cảnh báo, rào chắn, điều tiết giao thông khu vực bị ngập, sạt lở; Sở Giao thông vận tải huy động tối đa nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố giao thông, bảo đảm thông xe qua các vị trí đường bị sạt lở, hư hỏng, nhất là thông tuyến giao thông lên huyện Mường Lát.

Ách tắc giao thông trên QL 37 tuyến Yên Bái - Nghĩa Lộ

Do mưa lớn kéo dài trong hai ngày qua, mực nước trên các sông suối tại Yên Bái dâng nhanh, nhiều tuyến đường giao thông về các xã vùng cao bị sạt ta luy dương và ngập úng gây ách tắc giao thông cục bộ.

Trên QL 37, có 25 điểm sạt ta luy dương, trong đó có ba điểm sạt lở khối lượng lớn tại km 292+ 980, km 300+ 290, km 302+ 800 với khối lượng khoảng 3.000 m3 đất, khiến giao thông tuyến TP Yên Bái đi Nghĩa Lộ và các huyện phía tây bị ách tắc.

Ông Ninh Thanh Tạo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường bộ 2 Yên Bái cho biết: Lượng đất đá sạt lở trên tuyến rất lớn, chúng tôi đang sử dụng sáu máy xúc lật, máy ủi, ô-tô và hơn 50 công nhân khẩn trương hót sụt, vận chuyển đất sạt lở, giải phóng mặt bằng. Phấn đấu đến 10 giờ sáng 31- 8 sẽ thông tạm thời tuyến Ql 37.

Để khắc phục giao thông, thanh tra giao thông đã cắm biển báo hiệu, hướng dẫn các phương tiện cơ giới theo tuyến đường tỉnh 172 Hợp Minh - Đại Lịch - Ba Khe - Nghĩa Lộ và ngược lại.

Nhiều địa phương ở Sơn La bị cô lập, tắc đường, mất điện

Trận mưa to liên tục từ ngày 30 đến sáng 31-8, đã làm ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tại TP Sơn La, 2/3 các tuyến đường chính bị ngập nước, nhiều khu vực ở phường Chiềng An, Chiềng Xôm, Quyết Tâm nhà dân bị ngập nước vào nhà. Hàng trăm ô-tô, xe máy bị ngập nước quá bánh xe. Đường Hoàng Quốc Việt, phường Chiềng Cơi đến sáng 31-8 nước chưa thoát hết, phương tiện đi lại khó khăn.

Cầu treo bản Ta Mo, Tạ Bú bị nước lũ cuốn trôi. (Ảnh: ĐỨC TUẤN)

Nước lũ tại suối Nậm Pàn đang cao làm nhiều nơi ở thị trấn Mai Sơn lo lắng. Theo bà con tổ 8, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, sau cơn lũ 1991 đến nay mới thấy mưa dữ dội, lũ lên nhanh đến thế. Kho hàng của gia đình anh Quân, hộ kinh doanh ở chợ Hát Lót bị nước tràn qua, kéo bung hai gian làm hàng tấn hàng hóa tràn ra QL6. Trường tiểu học, THCS Nà Ớt, huyện Mai Sơn vừa bị lũ cuốn trôi bàn ghế, sách vở thì lại bị trận lũ quét chiều 30-8 tràn qua một lần nữa. Xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn bị chia cắt, cô lập từ ba ngày nay, giao thông chưa khắc phục, khiến bà con nhân dân lo lắng, các thầy cô giáo trường Tà Hộc chưa thể về nhà.

Mưa lũ cũng làm hàng trăm hộ dân tại thị tứ Tạ Bú, huyện Mường La bất ngờ bị ngập nước. Nhiều hộ bị trôi tài sản, vật nuôi do nước suối đầu nguồn thủy điện Nậm La tràn xuống không kịp thoát nước.

Trên các tuyến giao thông, đất đá trên núi, đồi sau nhiều ngày mưa đã ngậm no nước, gặp trận mưa kéo dài không còn độ bám đã gây sạt sạt lở. Tuyến huyết mạch QL 6 có hàng chục điểm tắc nghẽn do nước ngập cục bộ. Hàng trăm chiếc ô-tô đi dự ngày hội văn hóa các dân tộc ở Mộc Châu đã phải quay về. Các tuyến đường tỉnh lộ 105, 107, 108, đường QL4G, QL 279 nhiều điểm sạt lở chưa đủ nhân lực và thời gian để khắc phục. Tuyến đường nối Phù Yên, Bắc Yên với TP Sơn La đang bị tắc nghẽn tại khu vực Suối Sập và đỉnh đèo Chẹn. Tuyến đường QL4G nối huyện Sốp Cộp, Sông Mã về TP Sơn La nhiều điểm đá từ ta luy dương rơi xuống làm phương tiện đi lại nguy hiểm và gặp khó khăn.

(Ảnh: ĐỨC TUẤN).

Để khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sáng nay hàng trăm công nhân Công ty Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La cùng các phương tiện đã san gạt, nạo vét bùn đất ở các tuyến đường nội thị TP Sơn La.

Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, huyện đã thành lập năm tổ công tác đến các địa bàn đang bị cô lập hỗ trợ bà con giải quyết hậu quả. Đối với những hộ bà con gặp khó khăn sẽ có giúp đỡ cụ thể.

Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La Cầm Văn Giáo cho biết: Tính đến 7 giờ 30 phút, sáng 31-8, hiện vẫn còn 269 trạm biến áp và 27.301 khách hàng của các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu, Mường La và toàn bộ huyện Bắc Yên đang bị mất điện.

Hiện chưa thống kê hết được thiệt hại do mưa lũ, bởi các lộ, tuyến đường dây trung thế, nhiều trạm biến áp bị sạt lở, cột điện nghiêng, gãy đổ, đường dây bị đứt, cuốn trôi xảy ra ở nhiều địa phương. Công ty Điện lực Sơn La đã chỉ đạo và huy động tối đa nhân lực tại các đơn vị để xử lý bảo đảm cấp điện sớm nhất cho khách hàng. Dự kiến đến 17 giờ 30 phút, ngày 31-8 sẽ cấp điện trở lại cho hai huyện Bắc Yên và Vân Hồ.

Mưa lớn gây ngập úng nghiêm trọng khu vực lòng chảo Điện Biên

Trận mưa từ đêm 30 đến sáng 31-8 khiến nhiều khu dân cư trên địa bàn TP Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị ngập úng nghiêm trọng.

Mưa lớn khiến nước suối Hồng Líu dâng cao gây ngập úng nhiều nhà dân ở các tổ dân phố 24, 25 phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ. Nhiều vật dụng, vật nuôi của một số hộ dân vẫn bị mưa lũ cuốn trôi; nhiều cây cối, hoa màu của người dân bị hư hỏng, thiệt hại.

Tại khu vực huyện Điện Biên, mưa lớn kèm theo lũ từ suối Huổi Lé đã khiến Quốc lộ 279 (đoạn chảy qua khu vực đội 24 xã Noong Hẹt) bị ngập úng nghiêm trọng. Nhiều phương tiện đi qua đoạn đường bị chết máy do ngập nước. Thống kê sơ bộ có hàng chục héc-ta lúa mùa đang chuẩn bị trổ bông ở các xã: Thanh Xương, Thanh Yên, Noong Hẹt, Thanh An, Pom Lót… bị ngập úng cục bộ và nguy cơ mất trắng.

Quốc lộ 279 đoạn từ TP Điện Biên Phủ đi Bản Phủ (huyện Điện Biên) bị ngập nghiêm trọng. (Ảnh: PHƯƠNG ANH - THUẬN LONG)

Lúc 7 giờ sáng 31-8, mực nước đo được tại Trạm Thủy văn Bản Yên đạt 475,62m (thấp hơn cấp báo động 3 là 0,38m). Hiện trời đã ngớt mưa, dự báo mực nước Trạm Thủy văn Bản Yên sẽ rút nhưng rút chậm.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn có mưa; cảnh báo lũ, lũ quét trên các sông suối và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra trong toàn tỉnh, đặc biệt là các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và vùng lân cận.

Ngập lụt tại tổ 25 phường Mường Thanh. (Ảnh: PHƯƠNG ANH - THUẬN LONG)

HẢI THƯỢNG; QUỐC HỒNG; THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG; MAI LUẬN; THANH SƠN; ĐỨC TUẤN; PHƯƠNG ANH - THUẬN LONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/nhan-ai/item/37481002-cac-dia-phuong-tich-cuc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu.html