Các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả mưa lũ

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hôm nay (29-11) do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, các tỉnh Trung Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100 mm, riêng các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi từ 100 đến 150 mm, có nơi hơn 170 mm.

Giao thông tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đã thông suốt sau khi giải tỏa chướng ngại vật. Ảnh: LIÊU LÃM

Cảnh báo, trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), mưa lũ những ngày qua đã khiến hàng loạt công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện bị hư hỏng. Việc cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.000 hộ dân của toàn thị trấn Tô Hạp và nhiều địa phương khác bị gián đoạn từ sáng 26-11. Hiện, lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục thiệt hại để sớm cấp nước trở lại cho người dân.

Tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Cây xanh thành phố cho biết, tổng cộng có gần 300 cây xanh đổ, gãy nhánh, bị nghiêng trong đợt bão số 9 vừa qua. Hiện đơn vị đã tiến hành dọn vệ sinh, kết hợp kiểm tra cây bị nghiêng, cây không bảo đảm an toàn để đề xuất cắt thấp hoặc đốn hạ. Đến thời điểm hiện tại, 70% khối lượng công việc đã được giải quyết.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện Ban Cứu trợ tỉnh vừa đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức và TP Vũng Tàu bị tai nạn và thiệt hại về nhà ở do bão số 9 gây ra. Theo đó, đoàn đã hỗ trợ 15 gia đình có nhà ở bị tốc mái, hư hỏng nặng và một cá nhân bị thương khi sửa chữa nhà ở sau bão với tổng số tiền là 80 triệu đồng, trích từ Quỹ Cứu trợ tỉnh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa tổ chức cuộc họp đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 9. Theo đó, trong tuần này, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải cơ bản khắc phục xong hậu quả do bão số 9 gây ra trên địa bàn thành phố. UBND các phường, xã thống kê chính xác thiệt hại, bảo đảm khách quan…

UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức trao tiền hỗ trợ cho tám gia đình do thiên tai lũ lụt phải di dời tại xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ từ nguồn bảo đảm xã hội của huyện, với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, tổng số tiền hỗ trợ là 160 triệu đồng.

Ngày 28-11, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết, do ảnh hưởng bởi mưa lũ từ ngày 23 đến 26-11, nước sông Ba dâng cao, chảy xiết làm cho mái ngoài kênh chính nam từ K2+30 đến K2+100, đoạn qua thôn Thành An, xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) đã bị sạt lở nặng. Khu vực sạt lở đang tạo thành hầm ếch ăn sâu vào bờ kênh rộng hơn 20 m, dài 70 m với khối lượng đất bị sạt trôi mất là hơn 5.500 m3 và đang xói sát vào nền đường, uy hiếp an toàn của kênh chính nam. Hiện, cơ quan chức năng đã xử lý tạm thời bằng cách cho đóng nước trên kênh để hạn chế nước thấm qua kênh.

Hiện nay, khu vực Bắc Trung Bộ có 37 trên tổng số 157 hồ chứa lớn đã đầy nước, chiếm xấp xỉ 23% tổng số hồ (Thanh Hóa 18, Nghệ An 16, Hà Tĩnh 1, Quảng Bình 1, Thừa Thiên - Huế 1), số hồ còn lại đạt từ 60% đến 85% dung tích thiết kế.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi cho nên quýt được mùa, ước năng suất đạt 120 tạ/ha (tăng từ 10% đến 20% so với năm 2017); tổng sản lượng ước đạt hơn 1.400 tấn. Với giá bán bình quân 16 nghìn đồng/kg (đầu vụ khoảng 25 nghìn đồng/kg), người trồng quýt ở Mường Khương có thể thu gần 23 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, vụ lúa đông xuân 2018-2019, toàn tỉnh gieo sạ 26 nghìn ha, tập trung gieo sạ từ ngày 20-12-2018 đến 10-1-2019. Hiện, các địa phương tiến hành sớm các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng như: cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét, lúa cỏ và thu dọn tàn dư thực vật nhằm tiêu diệt mầm mống sâu bệnh, hạn chế lây lan.

Đã cuối tháng 11, nhưng tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có lũ. Vì vậy trên đồng ruộng chuột xuất hiện nhiều và phát triển rất nhanh. Bước vào vụ đông xuân 2018-2019, các địa phương trên địa bàn tỉnh phát động nông dân đồng loạt ra quân diệt chuột bằng các phương pháp thủ công như đào, bắt, hun khói, đổ nước vào hang, sử dụng các loại bẫy, thuốc diệt chuột sinh học...

Nhiều địa phương trích một phần ngân sách hỗ trợ người dân mua bẫy, bả diệt chuột sinh học và thu mua chuột với mức 2.000 đến 3.000 đồng/con để khuyến khích người dân hăng hái tham gia việc làm có ý nghĩa này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38402802-cac-dia-phuong-tiep-tuc-khac-phuc-hau-qua-mua-lu.html