Các doanh nghiệp lữ hành gặp khó trong khai thác khách du xuân đầu năm

Gồng mình vượt khó trong năm 2020, các doanh nghiệp du lịch nói chung, lữ hành nói riêng hy vọng những tháng đầu năm Tân Sửu 2021 sẽ là thời điểm tốt để phục hồi. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại như một 'cú đấm bồi' đối với các doanh nghiệp. Không chỉ các tour du xuân miền Bắc bị hoãn, hủy mà tất cả các tour du xuân nội địa đều khó khai thác.

Công ty Du lịch lữ hành Trust Việt (TP Thanh Hóa) tập trung vào việc hoãn, hủy tour du xuân cho khách hàng.

Qua nắm bắt thông tin của một số đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, thì đến thời điểm này hầu hết các tour khai thác khách từ Thanh Hóa đến các tỉnh phía Bắc, các địa điểm du lịch trong cả nước và cả các đoàn khách về Thanh Hóa, đều bị hủy trong tháng 2, đồng thời không có khách đăng ký tour du xuân mới.

Ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trust Việt (TP Thanh Hóa), cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020, không chỉ Trust Việt mà hầu hết các đơn vị lữ hành đều đã cắt giảm nhân sự đáng kể, chỉ còn giữ lại bộ khung để vận hành. Để khôi phục hoạt động những tháng cuối năm 2020, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai, ký kết hợp đồng du xuân đầu năm 2021. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại Hải Dương và một số tỉnh, thì khách hàng đã hủy toàn bộ tour du xuân, kể cả các tour đến phía Nam. Cụ thể, Trust Việt đã bị hủy toàn bộ 10 tour du xuân đã ký trước đó, với trên 300 khách.

Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết, từ ngày 10-1-2021 đến nay, các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh không tổ chức đưa, đón các đoàn khách du lịch tại các vùng có dịch. Từ ngày 27-1-2021 sau khi phát hiện ca bệnh 1552 và 1553 tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương, đã có hơn 40 đoàn với 800 khách du lịch đã báo hủy và hoãn chuyến du lịch. Các chương trình du lịch bị hủy, hoãn chủ yếu là các chương trình du xuân đầu năm, du lịch văn hóa tâm linh tại các tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và một số tỉnh phía Nam.

Thiệt hại của doanh nghiệp do việc hoãn, hủy tour đã ký kết là rất lớn; trong khi các tour du xuân mới cũng không thể khai thác. Cũng theo phản ánh của một số đơn vị lữ hành, đến thời điểm hiện nay, chỉ những điểm du lịch công bố là vùng dịch mới được hỗ trợ việc hoãn, hủy dịch vụ. Khó khăn nhất vẫn là những tour liên quan đến đường bay, các thủ tục hoãn, hủy, bảo lưu mất rất nhiều thời gian, thậm chí không thể thực hiện được đối với hạng vé khuyến mại, vé giá rẻ.

Trong khi đó phần lớn khách hàng muốn lấy lại tiền đặt cọc, hoặc tiền đóng trọn gói tour, thế nhưng không phải đơn vị lữ hành nào cũng có thể đáp ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp lữ hành còn vướng các hợp đồng dịch vụ, đã chuyển tiền trước với các hãng hàng không, đơn vị vận chuyển và các khách sạn, nhà hàng tại nhiều điểm đến. Với các đơn vị dịch vụ lớn (ngoại trừ hàng không), có uy tín, do có sự chuẩn bị từ trước, thì việc hoàn trả mới tương đối thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Theo ông Đỗ Hoàng Hữu, Chủ tịch Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành đều trong tình trạng “đóng băng”. Các chương trình du xuân đầu năm mới gần như bị hủy toàn bộ, khai thác khách mới càng trở nên khó khăn. Trong đợt dịch lần này, do có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như kinh nghiệm xử lý việc hoãn, hủy tour, nên đã tránh thiệt hại ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp lữ hành rất cần sự chia sẻ từ phía khách hàng cũng như đối tác cung cấp dịch vụ, đặc biệt là sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tháo gỡ khó khăn.

Được biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều đã cắt giảm nhân sự, chưa xây dựng kế hoạch khai thác khách trong mùa hè tới. Để duy trì hoạt động, các đơn vị đang tích cực tiếp cận khách lẻ, nhóm khách gia đình và bán dịch vụ cho khách có nhu cầu. Một số doanh nghiệp lữ hành tạm ngừng hoạt động, chuyển sang các lĩnh vực như: bất động sản, bảo hiểm nhân thọ...

Mặc dù đối mặt với khó khăn chồng chất, song nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch nói chung, lữ hành nói riêng, vẫn nỗ lực để duy trì, hoạt động cơ cấu lại doanh nghiệp, thị trường, tập trung xây dựng các sản phẩm mới, chương trình kích cầu du lịch, để sẵn sàng hoạt động và thu hút khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/cac-doanh-nghiep-lu-hanh-gap-kho-trong-khai-thac-khach-du-xuan-dau-nam/132635.htm