Các doanh nghiệp xăng dầu như đang nằm trên giường bệnh

Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) khẳng định, chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như hiện nay do các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu. Hai năm qua, các doanh nghiệp xăng dầu như đang nằm trên giường bệnh.

Doanh nghiệp bán lẻ đang gồng lỗ

Cuối năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80, sửa đổi bổ sung Nghị định 95, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Tại Nghị định này, Chính phủ đã tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Đơn cử như cho phép doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều nguồn.

Tuy nhiên, tới nay, sau gần nửa năm Nghị định có hiệu lực, cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu, nhất là nhóm doanh nghiệp bán lẻ vẫn kêu khó.

 Cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu, nhất là nhóm doanh nghiệp bán lẻ đang kêu khó. (Ảnh: MH)

Cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu, nhất là nhóm doanh nghiệp bán lẻ đang kêu khó. (Ảnh: MH)

Bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Đoan Việt cho biết: Việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, tối đa ba nguồn trong Nghị định 80/2023, áp dụng từ cuối năm 2023 đến nay đã quy định rõ.

Theo bà Trâm, quy định này hợp lý và cần thiết nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo xu thế thị trường, đồng thời xóa bỏ cơ chế độc quyền về giá, cách tính giá của các đầu mối lớn, nhằm muốn thâu tóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thế nhưng có thực tế là cho đến nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM vẫn chưa thể mua hàng được từ nhiều nguồn.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương cần quy định rõ trong văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo xu thế thị trường. Đồng thời xóa bỏ cơ chế độc quyền về giá, cách tính giá của các đầu mối lớn, nhằm muốn thâu tóm doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Trâm chia sẻ.

Cũng theo bà Trâm, hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang còn gặp áp lực rất lớn từ thủ tục hành chính. Vì vậy, bà Trâm đề nghị cần giản lược giấy tờ đủ điều kiện kinh doanh, như gia hạn giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, phòng cháy chữa cháy, Môi trường và các giấy tờ liên quan khác.

Đồng tình với nhận định này, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như bây do các quy định bất cập trong kinh doanh xăng dầu.

“Dự thảo nghị định cho đầu mối được mua từ nhiều nguồn nhưng lại chỉ cho thương nhân phân phối được mua từ các đầu mối. Giống như cuộc đua chuột, chỉ có chạy theo một đường thẳng. Vậy chúng tôi cạnh tranh kiểu gì khi chỉ được mua từ đầu mối và mua kiểu gì khi năm 2022 - 2023, các đầu mối không nhập khẩu, chúng tôi gọi điện khắp nơi mà không có nguồn, dẫn đến đứt gãy nguồn cung. Tại sao không cho thương nhân phân phối mua lẫn nhau cũng như mua trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu”, ông Dũng đặt vấn đề.

Trao quá nhiều quyền lợi cho doanh nghiệp đầu mối

Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang không có điều kiện bình đẳng để cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Đặc biệt trong tương quan giữa thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, giữa doanh nghiệp lớn, siêu lớn thống lĩnh thị trường và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Một số quy định tại Nghị định 80 vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh và tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”, ông Phụng nói.

Vì vậy, ông Phụng kiến nghị, cơ quan quản lý cần xem lại thực tế kinh doanh của thị trường hiện nay. Tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các đầu mối là vấn đề cơ quan quản lý cần đặc biệt quan tâm.

“Việc để các doanh nghiệp đầu mối vừa được nhập khẩu, vừa phân phối kiêm luôn cả bán lẻ thì rất dễ "đánh bùn sang ao’’ hay chuyển giá”, ông Phụng nói.

Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn khẳng định dự thảo nghị định được xây dựng với việc trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp đầu mối. Nếu để tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ mất hết sản nghiệp.

“Đã theo thị trường, nhà nước điều hành theo thuế, phí, còn giá để doanh nghiệp tự điều chỉnh hàng ngày. Đây là việc các nước đã làm nhiều năm rồi”, ông Hán nói.

Do đó, ông Hán đề xuất để doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối lấy từ nhiều nguồn, tự chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu để cạnh tranh với nhau. Các cơ quan quản lý, công an, quản lý thị trường sẽ giám sát chất lượng, kiểm soát thị trường sau.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-doanh-nghiep-xang-dau-nhu-dang-nam-tren-giuong-benh-post295430.html