Mắt huyền sơn nữ

Sau hơn 12 năm được Unesco công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên vẫn... hẹp dần. Rừng lùi xa, hàng nghìn bộ cồng chiêng chảy về xuôi, phong tục tập quán lần hồi trộn lẫn. Chỉ nhan sắc sơn nữ vẫn bền bỉ nồng nàn di truyền theo năm tháng...

Nhóm bạn gái Ê Đê dự lễ cưới của H’Pi Niê (thứ tư từ trái sang).

Nhóm bạn gái Ê Đê dự lễ cưới của H’Pi Niê (thứ tư từ trái sang).

Quá vãng thơ mộng

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng trên 5 tỉnh, theo hướng từ Bắc xuống Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, với chủ nhân là 17 dân tộc thiểu số bản địa có ngôn ngữ thuộc nhóm Nam đảo và Nam Á.

Theo kho tàng truyện cổ, sử thi, thì ẩn trong cồng chiêng là những vị thần quyền lực, có thể phù trợ cho làng buôn an lành, mùa màng tươi tốt, muôn nhà ấm no. Mọi nghi lễ vui buồn của đồng bào các sắc tộc, từ lễ thổi tai trẻ sơ sinh, lễ cưới, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả, cho tới các lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông v.v... quanh năm tiếng cồng chiêng đều không thể thiếu.

H’Rony Byă - Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất.

Cồng làm bằng đồng, mặt cong, có cái núm ở giữa; Cũng bằng đồng nhưng mặt phẳng, không có núm, là chiêng, theo cách gọi của người Kinh. Thi sĩ kiêm nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Krajan Plin giải thích: Kòng trong tiếng K’ho có nghĩa là đồng hoặc chiếc vòng đeo tay. Cing, ching, cêng, chêng là cách gọi chiêng phổ biến không chỉ trong một số tộc người Trường Sơn-Tây Nguyên, mà các nước Đông Nam Á và Hàn quốc, Trung quốc cũng gọi như thế.

Hình ảnh trọn vẹn cho một không gian cồng chiêng hoàn hảo, dù giữa trưa nắng chói chang hay màn đêm tối sẫm với đống củi rừng rực lửa, là khung cảnh buôn làng truyền thống. Tùy nghệ thuật kiến trúc của từng dân tộc, mà đó có thể là những nếp nhà sàn “dài như tiếng chiêng ngân”, nhà trệt lùm lùm tròn xoe như chiếc nấm mối, hay nhà rông mái cao vút như lưỡi búa tạc vào nền trời. Dù kiểu nhà gì thì đồng bào cũng dựng bằng cột gỗ tròn đẽo bằng rìu, mộng ngàm siết chắc bởi dây mây, vách thưng phên nứa, mái lợp cỏ tranh, dựng gần suối nguồn quanh năm tuôn chảy, có bến nước trong veo giữa đại ngàn xanh thẳm...

Dù nghệ nhân tấu chiêng chỉ có nam giới chân trần đóng khố của các sắc tộc Ja Rai, Ê Đê Kpah, Ba Nar, Xê Đăng, Brâu, K’Ho... Cả nam lẫn nữ như ở các làng người Mạ, M’Nông; Hoặc những dàn chinh Jô 6 chiếc chỉ dành riêng cho phụ nữ Ê Đê Bih sống ven sông Krông Ana, thì không gian của những chuỗi âm thanh giòn giã sôi động đó, với đặc trưng là tính cộng đồng rất cao, cũng không thể thiếu nhan sắc sơn nữ các buôn làng.

Chốn lãng mạn, huyền ảo, nồng đượm men say tràn chóe rượu cần và hơi thở gấp gáp của vòng xoang cuốn mọi người lao theo nhịp chiêng thôi thúc. Múa, dù gọi là Xòe như Tây Bắc, là Xoang như Tây Nguyên, thì khi nhập cuộc cồng chiêng cũng chẳng ai không rạo rực trước những đôi má ửng hồng, rèm mi đen huyền của các nàng sơn nữ. Chẳng thế mà tác phẩm “Sơn nữ ca” của nhạc sĩ Trần Hoàn ra đời cách đây tròn 70 năm, tới nay vẫn cứ trẻ trung, sống động với ca từ và giai điệu duyên dáng “Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng, bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh...”.

Huyền hoặc dung nhan

Chưa xa lắm, thời các thế hệ trai trẻ miền xuôi lên Tây Nguyên khai hoang mở vùng kinh tế mới. Nhiều người đã ngơ ngẩn truyền miệng ấn tượng thần tiên, khi tình cờ chiêm ngưỡng cảnh những thiếu nữ thon thả tắm trần ở các bến nước đầu nguồn, hồn nhiên vui đùa giữa đại ngàn hoang sơ.

Nhan sắc sơn nữ cứ đậm đà mà lặng lẽ thấm đẫm gió núi mưa ngàn, cho tới khi những cuộc thi hoa hậu dỗ dành được các cô chịu mặc áo tắm, tập mang giày cao gót và bước lên sân khấu.

Mẹ con H’Pi Niê trong ngày H’Pi cưới chồng.

Một, hai cô, rồi hàng chục người đẹp các dân tộc Ê Đê, K’Ho, Ba Nar lần lượt đoạt các giải trong các cuộc thi nhan sắc, đã khiến công chúng nhận ra sắc đẹp quyến rũ mặn mà của thiếu nữ vùng cao. Mỗi người một vẻ. Có dung nhan trắng muốt như H’Wion Knul vào chung kết Hoa hậu Việt Nam 2004, K’The Hoa hậu Thân thiện cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006, H’Rony Byă Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất 2009. Cũng có những người đẹp nâu tuyền như H’Nep Buor top 10 Hoa hậu Việt Nam 2010, đôi chị em Krajan Jut Jui- Krajan Loen được trao danh hiệu Hoa hậu Sơn Cước trong 2 cuộc thi Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất, lần thứ 2; H’Ăng Niê đoạt giải Hình thể đẹp nhất cuộc thi Siêu mẫu 2015; Và mới đây, là tân hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê.

Dù trắng hay nâu, dung nhan của các sơn nữ Tây Nguyên vẫn hút hồn người đối diện bằng những đôi mắt huyền rợp mi tuyệt đẹp. “Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi, không dám nhìn vào đôi mắt ấy...”. Giữa không gian cồng chiêng ám ảnh, nhạc sĩ Nguyễn Cường ghi lại ca từ thú nhận sự yếu đuối không cưỡng được, trước những ánh nhìn sơn nữ thăm thẳm như thôi miên.

Khi ráng mây chiều soi bóng xuống mặt hồ Đan Kia ở thung lũng Suối Vàng, xã Lát, huyện Lạc Dương, không gì mê hoặc hơn cảnh những sơn nữ K’Ho quấn thổ cẩm kéo nhau đi giữa bạt ngàn bông lau phơ phất. Vùng đất được mệnh danh là miền gái đẹp này bây giờ danh sách rể Tây dài dằng dặc. Chị em Krajan Jut Jui- Krajan Loen sinh ra dưới chân núi Langbiang, mồ côi cha và lớn lên trong làng trẻ S0S Đà Lạt. Năm trước cô em theo chồng sang Mexico, năm sau cô chị cũng định cư tận Australia, an vui và hạnh phúc.

Đầu xuân 2018, hình ảnh nhóm bạn Ê Đê trong lễ cưới giản dị tại buôn Jung A (xã Ea Ktur, huyện Cư kuin, Đắk Lắk) của mỹ nữ H’Pi Niê-cô gái từng đoạt giải nhất pha chế trong cuộc thi Nữ hoàng Cà phê khiến cộng đồng mạng trầm trồ chia sẻ. Có người thở dài “Sao lại đẹp thế cơ chứ?!”.

Ơ hay, sinh ra từ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại, thì đẹp thế là tất nhiên, chứ còn sao nữa???

Hoàng Thiên Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/mat-huyen-son-nu-1246747.tpo