Các đối tượng giả danh thanh tra y tế đã chuẩn bị kịch bản lừa như thế nào?

Bẫy 8 người chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng, nhóm đối tượng giả danh thanh tra y tế do Nguyễn Văn Tâm cầm đầu đã chuẩn bị những gì?

Liên quan đến vụ nhóm đối tượng giả danh thanh tra y tế thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn do Nguyễn Văn Tâm (SN 1999) trú tại xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cầm đầu, cơ quan Cảnh sát điều tra CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã làm rõ “kịch bản hoàn hảo” mà nhóm đối tượng gây ra.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, để chuẩn bị cho việc lừa đảo, đầu tháng 10-2023, Nguyễn Văn Tâm thuê căn nhà 5 tầng tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để làm nơi ăn ở cho nhóm nhân viên cũng như địa điểm thực hiện việc gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm ghi lời khai đối tượng Nguyễn Văn Tâm

Quá trình chuẩn bị, Nguyễn Văn Tâm mua các loại thực phẩm chức năng có hỗ trợ về xương khớp và mất ngủ có giá 30.000 đồng/ hộp; mua các loại điện thoại giá rẻ và nhiều sim rác điện thoại không chính chủ để làm công cụ liên lạc; mua tài khoản ngân hàng của một người làm tài khoản nhận tiền lừa đảo; lên mạng Internet mua thông tin các số điện thoại của các bệnh nhân xương khớp, mất ngủ với giá 1.000 đồng/ số điện thoại

Nguyễn Văn Tâm thuê nhóm nhân viên gồm Nguyễn Văn Quang (SN 2004) trú tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên, Nam Định; Ngô Đức Nghĩa (SN 2001) trú tại xã Yên Nhân, huyện Ý Yên; Trịnh Việt Hoàng (SN 2001) trú tại xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; Ngô Việt Hoàng (SN 2002); Bùi Mạnh Hùng (SN 2002); Nguyễn Xuân Bách (SN 2000); Bùi Văn Thuận (SN 1999); Ngô Anh Đức (SN 2005) cùng trú tại xã Yên Nhân; Nguyễn Như Tâm (SN 1999) trú tại TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Trong đó, Nguyễn Văn Quang là người quản lý tài khoản ngân hàng nhận tiền lừa đảo; Nguyễn Văn Tâm thực hiện việc quảng cáo (marketing) các loại sản phẩm; số nhân viên còn lại là người trực tiếp gọi điện thoại lừa đảo các bị hại.

Các đối tượng và tang vật vụ án

Sau khi mua thông tin của người bệnh, Nguyễn Văn Tâm hoặc Nguyễn Văn Quang chia sẻ thông tin cho mỗi nhân viên từ 50 -100 số điện thoại, trực tiếp liên hệ với các bị hại.

Nguyễn Văn Tâm hướng dẫn nhóm nhân viên gọi điện thoại cho bị hại tự xưng là Phan Thanh Hải - thanh tra sở y tế hoặc thanh tra hội đông y, bác sỹ, hỏi thăm tình trạng sức khỏe của bị hại, giới thiệu với bị hại về chương trình “những người uống thuốc đông y lâu năm sẽ được Nhà nước chi trả 80% số tiền đã bỏ ra mua thuốc, nhưng không khỏi và được tặng 1 thẻ khám chữa bệnh miễn phí của các bệnh viện Trung ương”.

Khi bị hại đồng ý, nhóm của Tâm sẽ nói với bị hại về việc “làm hồ sơ hỗ trợ thăm khám, gửi bưu phẩm là thuốc chữa bệnh xương khớp; khoảng 10 ngày sau hiệp hội thanh tra sẽ về thăm khám và chi trả 80% số tiền như đã hứa, bị hại phải đóng tiền tạm ứng làm hồ sơ từ 1 - 3 triệu đồng tùy từng bị hại”.

Sau đó, Nguyễn Văn Quang sẽ đóng gói bưu phẩm gồm thuốc chữa bệnh xương khớp, thẻ bảo hành ghi tên khách hàng bên trên có đóng dấu tên màu đỏ mang tên giám đốc Bùi Xuân Thuận; pháp lý Ngô Đức Nghĩa gửi cho bị hại để bị hại tin tưởng, trả tiền theo yêu cầu chúng nêu ra.

Sau khi bị hại nhận bưu phẩm, nhóm của Tâm tiếp tục nói với bị hại về việc làm hồ sơ hỗ trợ thăm khám; sổ thăm khám; nếu bị hại đồng ý sẽ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Tâm quản lý trực tiếp. Mỗi khi nhận được tiền, Tâm hoặc Quang sẽ thông báo đến nhóm chung để nhân viên biết.

Sau khi bị hại tin tưởng, nhóm của Tâm sẽ tiếp tục đưa ra thông tin lừa đảo về việc “làm sổ thăm khám định kỳ, được cấp phát thuốc miễn phí, mỗi tháng Nhà nước hỗ trợ 2,8 triệu đồng trong vòng 5 năm”.

Sau đó, Tâm sẽ gọi điện thoại cho bị hại tự xưng là Nguyễn Minh Châu - “Giám đốc ngân hàng” yêu cầu đóng tiền VAT và nhiều lý do khác nhau để bị hại tiếp tục chuyển tiền cho đến khi bị hại không còn khả năng đóng tiền hoặc phát hiện bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Văn Tâm thống nhất với nhân viên, nếu lừa đảo được khách dưới 100 triệu đồng, Nguyễn Văn Tâm chia cho nhân viên 20% số tiền lừa đảo được. Nếu lừa đảo được khách trên 100 triệu đồng, Nguyễn Văn Tâm chia cho nhân viên 30% số tiền lừa đảo được.

Với thủ đoạn này, các đối tượng đã gây ra 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó, bà Nguyễn, trú tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm bị lừa đảo số tiền lớn nhất là gần 1,2 tỷ đồng. Các bị hại trong vụ việc đều là người già, mắc nhiều bệnh nan y.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cac-doi-tuong-gia-danh-thanh-tra-y-te-da-chuan-bi-kich-ban-lua-nhu-the-nao-post559261.antd