Các đơn vị Dầu khí cập nhật các quy định pháp luật mới về môi trường

Ngày 20/11, Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) đã tổ chức Hội thảo phổ biến và cập nhật các quy định pháp luật về môi trường.

Dự hội thảo có ông Hoàng Minh Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra - Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên & Môi trường); ông Lê Hồng Thái- Trưởng ban Công nghệ An toàn Môi trường, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); đại diện lãnh đạo và các chuyên gia môi trường đến từ các đơn vị: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS), Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (Phú Quốc POC) và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển An toàn và Môi trường Dầu khí (CPSE).

Ông Bùi Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc SWPOC phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Bùi Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc SWPOC phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Tiến Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) cho biết, thời gian qua, nhiều quy định pháp luật mới về môi trường đã được ban hành, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như việc triển khai chuỗi Dự án khí Lô B, bao gồm từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thi công, chạy thử cho đến giai đoạn vận hành công trình.

Vì vậy, để hiểu rõ và đảm bảo triển khai thực hiện dự án tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay, SWPOC tổ chức buổi hội thảo nhằm phổ biến và cập nhật các quy định pháp luật mới về môi trường đến các đơn vị có liên quan, từ đó trao đổi các khó khăn, vướng mắc còn gặp phải xung quanh công tác bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Minh Ánh- chuyên viên Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, báo cáo viên pháp luật của Tổng cục Môi trường đã trình bày những điểm mới trong Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh các điều khoản liên quan đến công tác báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), vận hành thử nghiệm, kế hoạch bảo vệ môi trường, quy trình quản lý chất thải/nước thải/khí thải trong quá trình triển khai các dự án của ngành Dầu khí.

Chuyên viên trình bày quy trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại SWPOC.

Các đại biểu tham dự hội thảo sau đó đã nêu một số câu hỏi thảo luận về những vướng mắc xung quanh các quy định mới, ví dụ như việc lập lại báo cáo ĐTM trong trường hợp tăng quy mô, công suất, thay đổi công nghệ của dự án, hoặc khi dự án không triển khai trong vòng 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; các loại giấy phép/chứng từ khác ngoài báo cáo ĐTM; quy định về thực hiện kế hoạch quản lý môi trường; bảo hiểm bồi thường thiệt hại… và được các chuyên viên của Tổng cục Môi trường trực tiếp giải đáp.

Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Hồng Thái- Trưởng ban Công nghệ An toàn Môi trường PVN nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác an toàn, bảo vệ môi trường tại PVN nói chung, các đơn vị thành viên PVN nói riêng. Ông Lê Hồng Thái khẳng định Tập đoàn luôn thường xuyên cập nhật, hướng dẫn và giám sát các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dầu khí thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, triển khai công tác bảo vệ môi trường theo hướng chủ động phòng ngừa và kiểm soát, quản lý, xử lý hiệu quả các yếu tố gây ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Hồng Thái- Trưởng ban Công nghệ An toàn Môi trường PVN phát biểu tại Hội thảo.

Trưởng ban Công nghệ An toàn Môi trường PVN cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng tổ chức triển khai áp dụng văn bản mới; cập nhật, bổ sung văn bản mới vào nội dung kiểm tra an toàn sức khỏe môi trường định kỳ, đồng thời tập trung rà soát, thống kê các vướng mắc gặp phải và gửi kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước các cấp theo đúng quy định.

Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường phát biểu kết luận Hội thảo.

Kết luận Hội thảo, ông Hoàng Minh Sơn- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu tham dự. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp để Tổng cục Môi trường tìm hiểu thực tiễn việc triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở, doanh nghiệp, qua đó nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết, đặc biệt là đối với hoạt động dầu khí có nhiều đặc thù.

Ông Sơn đề nghị ngay sau hội thảo này, PVN và các đơn vị cần tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và có văn bản báo cáo về Tổng cục Môi trường, để Vụ Chính sách pháp chế và Thanh tra tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Tài Nguyên & Môi trường ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 40 theo thẩm quyền, hoặc bổ sung vào dự thảo luật bảo vệ môi trường sửa đổi (dự kiến sẽ trình Quốc hội trong tháng 2/2020)./.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/cac-don-vi-dau-khi-cap-nhat-cac-quy-dinh-phap-luat-moi-ve-moi-truong-556203.html