Các đơn vị kinh doanh nước sạch tại Sa Pa và bài toán cân đối công suất

Việc có thêm nhà máy nước sạch đi vào vận hành đã góp phần cung cấp lượng nước cần thiết phục vụ nhu cầu của thị xã Sa Pa. Tuy nhiên, 'bài toán' đặt ra là việc cân đối công suất ra sao để đảm bảo bài toán kinh tế khi tổng sản lượng của 2 nhà máy đã gấp gần 3 lần nhu cầu sử dụng những ngày thường tại Sa Pa.

Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa khánh thành và đi vào hoạt động vào tháng 11/2022. Nước cấp cho dự án được khai thác nguồn hợp lưu từ 2 dòng suối lớn là suối Mường Hoa và suối Vàng. Tổng diện tích quy hoạch cho dự án là 2,82 ha, được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý nước công suất 7.500 m3/ngày - đêm; giai đoạn 2 nâng công suất nhà máy lên 15.000 m3/ngày - đêm.

Đây là một trong những công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư đầu tiên của tỉnh, sử dụng công nghệ hiện đại, chất lượng nguồn nước đầu ra đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Trước khi Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa đi vào hoạt động, thị xã Sa Pa chỉ có 1 nhà máy nước công suất 6.000 m3/ngày - đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 người dân địa phương và hàng triệu khách du lịch mỗi năm.

Khánh thành Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa

Những năm gần đây, nhất là vào mùa khô (khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 - 5 năm sau), xảy ra tình trạng thiếu nước thô cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sa Pa. Vì vậy, Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa đi vào hoạt động được kỳ vọng góp phần vào mục tiêu bảo vệ bền vững nguồn nước, phục vụ tăng trưởng du lịch bền vững cho thị xã Sa Pa đến năm 2030.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là sau khi đấu nối xong các vị trí để đưa nước từ Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa vào hệ thống cấp nước sạch hiện hữu của thị xã Sa Pa thì hệ thống này không thể tiếp nhận hết sản lượng nhà máy sản xuất ra.

Đại diện Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa cho biết: Hiện mỗi ngày chỉ có hơn 2.000 m3 từ nhà máy nước mới khánh thành chảy vào hệ thống cấp nước sạch của thị xã Sa Pa do Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai vận hành.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOO nước sạch Sa Pa cho biết: Để duy trì hoạt động của nhà máy, hiện có 6 công nhân vận hành, với sản lượng tiêu thụ như vậy chưa bằng 1/2 công suất của nhà máy, tính ra không đủ chi phí hoạt động, chứ chưa nói đến việc thu hồi vốn.

“Công ty Cổ phần BOO nước sạch Sa Pa đang làm việc với Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai để hy vọng nâng sản lượng lên khoảng 6.000 m3/ngày - đêm” - ông Hùng nói.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai cho biết: Theo thỏa thuận của 2 đơn vị, từ ngày 10/1, Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai tiếp nhận của Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa 3.000 m3/ngày - đêm nước sạch vào hệ thống, tuy nhiên hiện nay, do lượng nước tiêu thụ 1 ngày của thị xã Sa Pa mới đạt khoảng 4.600 m3/ngày - đêm, nên công ty chỉ tiếp nhận hơn 2.000 m3, cộng với lượng nước sản xuất từ Nhà máy nước sạch Sa Pa hiện có là đảm bảo nhu cầu của thị xã.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai thông tin thêm: Thực tế, khi lấy hơn 2.000 m3 nước từ Nhà máy nước sạch BOO, chúng tôi đã phải giảm công suất của Nhà máy nước sạch Sa Pa xuống hơn một nửa và cắt đi một nguồn cung cấp từ suối Hồ.

Nhu cầu sử dụng nước sạch của thị xã Sa Pa những năm qua có tăng nhưng không đáng kể, có những thời điểm nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến, nhất là vào dịp nghỉ lễ, tuy nhiên, tính trung bình cả năm thì cũng chỉ hơn 4.000 m3/ngày - đêm.

Cụ thể, năm 2022 trung bình là 4.100 m3/ngày - đêm; năm 2023, theo dự báo của công ty, nhu cầu bình quân khoảng 4.700 m3/ngày - đêm. “Lượng nước tiêu thụ tăng đột biến vào kỳ nghỉ lễ có thể lên đến 7.000 m3/ngày - đêm, nhưng cả năm cũng chỉ có vài ngày như vậy”, ông Huy cho biết.

Về đề nghị tăng công suất sử dụng của Nhà máy nước sạch BOO Sa Pa, Công ty Cổ phần cấp nước Lào Cai đã làm việc với một số khách hàng lớn và đưa vào phương án cấp nước thời gian tới.

Công ty muốn mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch đến các khu vực ngoài lõi đô thị, nhưng nhu cầu sử dụng ít. Bên cạnh đó, những khu vực ngoại vi đô thị cũ phần lớn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nếu đưa hệ thống nước sạch vào sau này phải điều chỉnh, đầu tư lại thì rất tốn kém.

Với phương án lấy 6.000 m3 nước từ Nhà máy nước sạch BOO vào hệ thống cấp nước của thị xã thì coi như Nhà máy nước sạch Sa Pa của công ty phải đóng cửa. Điều này không những ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của cán bộ, nhân viên, mà còn ảnh hưởng đến việc thanh toán các khoản nợ của Nhà máy nước sạch Sa Pa với ngân hàng.

Ông NGUYỄN QUỐC HUY, TGĐ Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai

Phải khẳng định, với xu hướng phát triển, mở rộng không gian đô thị của Sa Pa như hiện nay chắc chắn nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ tăng và việc có thêm nhà máy nước sạch là rất cần thiết.

Điều cần giải quyết lúc này là các đơn vị kinh doanh nước sạch cần thống nhất được phương án sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân và du khách, đảm bảo lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và trên hết là đảm bảo sự phát triển bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/cac-don-vi-kinh-doanh-nuoc-sach-tai-sa-pa-va-bai-toan-can-doi-cong-suat-post368138.html