Các dự án BOT tắc vốn bảo trì: Nhùng nhằng cơ chế, đường xuống cấp ai sửa?

Đến nay, có gần chục dự án BOT tạm dừng thu phí, đang xuống cấp, song vẫn chưa thể đưa vào sửa chữa vì 'tắc' vốn bảo trì. Những con đường từng được đầu tư hàng nghìn tỉ xây dựng, từng có thời là niềm tự hào của tỉnh nọ, thành phố kia, nay lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), khiến người dân không khỏi xót xa.

Một vấn đề nữa được đặt ra, nếu tai nạn xảy ra trên chính những cung đường này do hạ tầng yếu kém thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Tạm dừng thu phí, dừng luôn bảo trì

Quốc lộ (QL) 1A đoạn tránh TP Thanh Hóa những ngày gần đây xuất hiện nhiều vết cào bóc, trám vá tạm thời từ những ổ voi, ổ gà, "sống trâu" hằn lún. Đoạn đường xuống cấp nhiều nhất từ nút giao vòng xuyến BigC (thuộc địa phận phường Đông Hải) đến điểm cuối giao với QL1 và đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa. Không chỉ mặt đường hư hỏng, mặt các cây cầu Đông Hải, cầu vượt QL47 khe co giãn cũng bị hư hỏng, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông.

Đại diện Ban ATGT tỉnh Thanh Hóa cho biết, hàng ngày trên tuyến đường này có hơn 30.000 lượt phương tiện qua lại. Đoạn tuyến xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tỉnh đã nhiều lần đề nghị đơn vị quản lý đường sửa chữa nhưng đến nay vẫn tồn tại. Tình trạng đường xuống cấp không chỉ có ở tỉnh trên. Điều đáng nói, ngoài dự án trên, 8 dự án khác đang tạm dừng thu phí là những dự án sắp kết thúc hợp đồng. Trong số này, có 4 dự án nhà đầu tư dừng không thực hiện bảo trì là dự án QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên, QL1 đoạn tránh Hà Tĩnh, QL1K đoạn Km 2+478 - Km 12+971 và QL1 đoạn tránh Cai Lậy.

Một dự án nhà đầu tư bảo trì cầm chừng không đạt chất lượng là QL91 đoạn Km14 - Km 50+889. Hai dự án nhà đầu tư vẫn tiếp tục bảo trì là QL20 đoạn qua các thị trấn và QL1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước và Tứ Câu - Vĩnh Điện.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa cho rằng, hiện chưa có hành lang pháp lý tạm dừng thu phí các dự án BOT. Nhà nước cũng không thể ghi vốn bảo trì vì dự án chưa chuyển giao cho Nhà nước. Vài năm đầu, doanh nghiệp cố gắng bảo dưỡng thường xuyên, còn sửa chữa cần nguồn vốn lớn nên doanh nghiệp không thực hiện được.

Tương tự, ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (DNC) cho biết, bắt đầu từ ngày 1/4, doanh nghiệp dừng bảo trì dự án vì không có kinh phí. Kinh phí bảo trì theo thu phí dự án nên khi tạm dừng thu phí nguồn vốn này cũng dừng theo. "Từ thời điểm dừng thu phí đến nay, doanh nghiệp phải đi vay hơn 10 tỷ đồng để bảo trì. Khi dừng thu phí, ngân hàng không cho vay tiền nữa, doanh nghiệp cũng đã hết lực", ông Vinh nói.

Nhiều dự án BOT dừng thu phí bị xuống cấp, đang thiếu vốn bảo trì.

Nhiều dự án BOT dừng thu phí bị xuống cấp, đang thiếu vốn bảo trì.

Có tình trạng "đem con bỏ chợ"?

Những vướng mắc về cơ chế bảo trì các dự án BOT bị dừng thu phí này đã được đề cập trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều tranh cãi, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi các tuyến đường đang ngày càng xuống cấp. Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong số 9 dự án trên có 2 dự án là BOT cầu Đồng Nai và QL1K Tổng cục đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV tiếp nhận bảo trì, nhưng vấn đề lớn nhất là kinh phí.

Trong thời gian vừa qua, để đảm bảo an toàn vận hành khai thác, duy trì chất lượng bảo trì trong giai đoạn chuyển giao công trình của dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, đặc biệt trong thời gian tạm dừng thu phí để thực hiện công tác quyết toán, bàn giao tài sản, Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu Cục Quản lý đường bộ, nhà đầu tư tăng cường kiểm tra, thực hiện công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ để bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt; tránh trường hợp chậm trễ khắc phục các tồn tại (vá ổ gà, vệ sinh mặt đường, chiếu sáng cảnh báo trong phạm vi trạm thu phí...) gây mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư (QL 1K, cầu Đồng Nai…) vẫn có đề nghị chấm dứt thực hiện công tác bảo trì công trình do trong phương án tài chính chưa có quy định về chi phí quản lý, bảo trì công trình sau khi dừng thu phí.

Để bảo đảm giao thông an toàn, liên tục và êm thuận (Điều 4 Luật Giao thông đường bộ), Tổng cục Đường bộ đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Tổng cục tiếp nhận bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý, chuyển giao dự án khi nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án từ chối (không đủ khả năng, bất khả kháng). Trong đó, chi phí bảo quản tài sản chỉ bao gồm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa đột xuất (nếu có) và không bao gồm công tác sửa chữa định kỳ.

Được biết, dự án cải tạo, nâng cấp QL1K đoạn Km2+487 - Km12+971, địa phận tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh theo hình thức hợp đồng BOT đã tạm dừng thu phí từ ngày 31/10/2020. Tuy nhiên, đến nay nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chưa hoàn tất các thủ tục chuyển giao công trình, chưa thực hiện các công việc liên quan quyết toán hoàn thành các hạng mục thuộc phương án tài chính của dự án nên chưa xác định được thời điểm kết thúc dự án theo quy định của hợp đồng BOT.

Khẳng định nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án của dự án BOT chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình đến thời điểm bàn giao dự án theo quy định của hợp đồng BOT, tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án nêu các khó khăn, vướng mắc và từ chối tiếp tục quản lý, bảo trì công trình.

Với dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ Ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa đã tạm dừng thu phí từ ngày 24/8/2020, đến nay, Tổng Công ty xây dựng số 1, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai chưa hoàn tất các thủ tục chuyển giao công trình nên chưa xác định được thời điểm kết thúc dự án theo quy định của hợp đồng BOT. Lý do được phía các đơn vị này đưa ra là do các khó khăn về mặt tài chính không thể tiếp tục quản lý, bảo trì công trình...

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/cac-du-an-bot-tac-von-bao-tri-nhung-nhang-co-che-duong-xuong-cap-ai-sua-636316/