Các dự luật liên quan đến CAND được xem xét, thông qua tại kỳ họp 6

Chiều 18-10, theo thông tin từ buổi Họp báo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, trong kỳ họp này sẽ có 4 dự luật liên quan đến lực lượng CAND được Quốc hội xem xét, thông qua và cho ý kiến.

Quốc hội sẽ thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và cho ý kiến về Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 7 chương, 48 điều; trong đó có một số quy định còn nhiều ý kiến khác nhau như quy định về công an xã, thị trấn chính quy; về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; về cấp bậc hàm đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Trong đó, về cấp bậc hàm đối với giám đốc công an cấp tỉnh, hiện nay có 2 loại ý kiến: Thứ nhất, đề nghị quy định Giám đốc công an cấp tỉnh (trừ Giám đốc Công an TP. Hà Nội và Hồ Chí Minh) có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, vì trong quá trình xây dựng Luật CAND năm 2014 đã thống nhất quy định cấp bậc hàm của công an và quân đội ở cấp tỉnh, huyện là tương đương.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại họp báo

Loại ý kiến thứ hai cơ bản tán thành với quy định của dự thảo luật vì trong thời gian vừa qua Bộ Công an đã thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, không còn mô hình cấp Tổng cục mà tập trung phân cấp thẩm quyền và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho công an cấp tỉnh.

Việc quy định mở như dự thảo sẽ tạo thuận lợi việc bố trí đội ngũ cán bộ đang công tác tại các Cục, Tổng cục sau khi được sắp xếp lại, cũng như trong công tác luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị thuộc Bộ với công an cấp tỉnh trong thời gian tới, không làm tăng số lượng cán bộ có quân hàm cấp tướng trong lực lượng CAND.

Luật Đặc xá (sửa đổi)

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH tại kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện gồm 6 chương, 40 điều.

Theo đó, dự thảo đã bổ sung thêm người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vào đối tượng được đề nghị đặc xá; bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một trong các tội: tội phản bội tổ quốc (Điều 108), tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), tội gián điệp (Điều 110), tội bạo loạn (Điều 112) và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), một trong các tội quy định tại Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và tội khủng bố (Điều 299) của BLHS;

Chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm: Người đang người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 4 và tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, dự thảo Luật đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, gồm 5 chương, 28 điều với một số nội dung lớn như: Về phạm vi bí mật nhà nước (Điều 9); về danh mục bí mật nhà nước (Điều 10); về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 19).

Đáng chú ý, so với dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật đã được bổ sung quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước (Điều 18 và Điều 19), trong đó quy định cụ thể về thẩm quyền tổ chức, thành phần tham dự và giao CP quy định chi tiết các điều kiện về địa điểm tổ chức, phương tiện, thiết bị, các phương án bảo vệ, việc thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp để quản lý chặt chẽ, phòng ngừa và ngăn chặn việc lộ, mất thông tin bí mật nhà nước trong hoạt động này.

Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Tại phiên họp thứ 27 (tháng 9/2018), UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật và nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho mở rộng phạm vi sửa đổi và chuyển dự án thành Luật Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên quan, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Theo đó, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 92/182 điều; bổ sung 1 chương, 7 mục (52 điều) và bãi bỏ 1 mục (4 điều) so với Luật Thi hành án hình sự hiện hành.

An Quỳnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cac-du-an-luat-lien-quan-den-cand-duoc-xem-xet-thong-qua-tai-ky-hop-6-515692/