Các giải pháp, cơ chế hỗ trợ DN để hàng Việt có thương hiệu

Thời gian qua, thực hiện cuộc vận động người 'Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' Sở Công Thương TP Hà Nội đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, các sản phẩm hàng Việt có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để thực hiện có hiệu quả Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng với việc tuyên truyền để các DN sản xuất ra các loại hàng hóa có chất lượng, thương hiệu, phát triển thị trường, mạng lưới phân phối trong nước và quốc tế, Sở đã triển khai đề án phát triển công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2025. Đã thu hút được 46 DN với 73 sản phẩm đăng ký tham gia xét chọn năm 2018; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025. Rà soát quỹ đất của các cụm công nghiệp để khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ đầu tư sản xuất; Triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020 có xét đến năm 2030.

Thời gian qua, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội thực hiện 30 chương trình, kế hoạch chuyên đề và văn bản chỉ đạo việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát về chống buôn lậu và gian lận thương mại; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ; kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về chất lượng, an toàn thực phẩm trên địa bàn...

Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan: Chương trình bình ổn giá được các DN tích cực tham gia, không có tình trạng sốt hàng, thiếu hàng. Ảnh: V.H

Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 8.162 vụ, xử lý 7.698 vụ. Tổng số tiền xử lý hơn 109 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính gần 49,4 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu gần 20,9 tỳ đồng; trị giá hàng tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm gần 38,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã triển khai Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích và Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2018. Theo PGĐ Sở Công Thương: Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” của TP Hà Nội là hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Sau 7 năm triển khai, với mục đích lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu cua DN Việt để người tiêu dùng bình chọn, tôn vinh các sản phẩm của DN được người tiêu dùng bình chọn, giúp người tiêu dùng nhận biêt được các sản phẩm tốt, uy tín, chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và tạo động lực để DN Việt quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm…

Đối với hoạt động của Tháng khuyến mại Hà Nội, trong năm 2017 đã vận động thu hút hơn 1.000 điểm khuyến mại của gần 1.000 DN (tăng 8% so với năm 2016) và 50 Điểm vàng của 21 DN (tăng 18 Điểm so với năm 2016). Ban tổ chức đã thực hiện 3 đợt kiểm tra, rà soát tất cả các Điểm vàng thực hiện giám sát 35 DN. Thông qua việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của các Đội QLTT nên các tổ chức, cá nhân hoạt động khuyến mại cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh, khuyến mại trên địa bàn TP.

Về Chương trình Bình ổn thị trường năm 2017 và phục vụ Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 được các DN tích cực tham gia, hàng hóa dự trữ đảm bảo về số lượng và chất lượng; không có tình trạng sốt hàng/thiếu hàng, giá cả ổn định; công tác kiểm tra kiểm soát thị trường được các lực lượng chức năng trên địa bàn TP tăng cường trên các lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Năm 2018 triển khai thực Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP, căn cứ vào số dân và cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, xác định lượng hàng hóa Chương trình bình ổn thị trường năm 2018 cần huy động đáp ứng thường xuyên, chiếm khoảng 35% nhu cầu thị trường trong 1 tháng gồm 11 nhóm hàng thiết yếu. Ước tính tổng giá trị hàng hóa thực hiện 4.000 tỷ đồng/tháng.

Đối với hàng hóa phục vụ tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp này đạt 28,5 nghìn tỷ đồng tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa tết năm 2018; được phân bổ giá trị vào các kênh sản xuất, phân phối gồm: DN, cơ sở sản xuất; DN phân phối, kinh doanh thương mại và các chợ trên địa bàn.

Theo PGĐ Sở Công Thương, TP Hà Nội vận động DN chủ động bằng nguồn vốn tự có và vốn vay từ các tổ chức tín dụng để dự trữ và phân phối hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường. Hiện đã có 18 DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP đăng ký tham gia chương trình; đưa hàng hóa bình ổn tới 10.428 điểm bán hàng phục vụ nhân dân. Các điểm bán hàng bình ổn thuộc DN bình ổn thực hiện treo biển nhận diện theo mẫu. Đã có 3 tổ chức tín dụng đăng ký cho các DN vay vốn để thực hiện chương trình với tổng số vốn 2.700 tỷ đồng.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/cac-giai-phap-co-che-ho-tro-dn-de-hang-viet-co-thuong-hieu-123203.html