Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ phải xoay xở với khó khăn tại thị trường Nga

Trong tuần này, các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ sẽ tập trung tại Geneva cho sự kiến lớn đầu tiên của ngành trong vòng 3 năm, trong đó trọng tâm là giải quyết tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây lên các khách hàng quan trọng là giới tài phiệt Nga.

Trong năm 2021, Nga chỉ là thị trường lớn thứ 17 về khối lượng xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ. Tuy nhiên, mối ưu tiên lớn nhất hiện tại chính là làm thế nào để quản lý được các mối quan hệ kinh doanh và các mối quan hệ với khách hàng trong một thời điểm nhạy cảm.

Khi trả lời hãng tin Reuters, giám đốc điều hành Watches & Wonder cho biết, do các lệnh trừng phạt lên Nga và các lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ, các thương hiệu không thể tiếp tục vận chuyển đồng hồ cao cấp tới Nga. Đồng thời, tất cả các nhãn hiệu lớn cũng phải đóng cửa các cửa hàng tại Nga mà mình trực tiếp điều hành.

Bà Claudia D'Arpizio, đối tác cấp cao và người đứng đầu bộ phận thời trang và hàng xa xỉ của công ty tư vấn Bain, cho biết người Nga chiếm khoảng 2% đến 3% chi tiêu xa xỉ toàn cầu, tương đương khoảng 7,75 tỷ USD. Bà nhận định những khách hàng từ quốc gia này đều là những khách hàng trung thành mua hàng năm. Do đó, những người này sẽ có mối quan hệ bền chặt với một số thương hiệu ở cấp độ cá nhân. Việc xử lý quan hệ khách hàng vào lúc này sẽ rất trọng yếu.

Theo ông Patrick Pruniaux từ Ulysse Nardin – một thương hiệu đồng hồ xa xỉ rất phổ biến tại Nga, nhãn hàng hiện vẫn còn khoảng 20 cửa hàng tại quốc gia này. Dù vậy, ông khẳng định công ty giờ đây đã ít phụ thuộc vào Nga hơn nhiều so với trước đây.

Trong khi đó, thương hiệu đồng hồ Oris cũng cho biết mình đã tạm dừng các kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Nga với một đối tác bán lẻ mới. Tuy nhiên ông Rolf Studer, đồng giám đốc điều hành của Oris, vẫn nhấn mạnh rằng nhiều thương hiệu đã có mối quan hệ lâu dài với các đối tác Nga và công ty của ông cũng không nên bỏ quên những người tiêu dùng tại thị trường này.

Khi được yêu cầu đưa ra bình luận về tình hình hiện tại, cả hãng đồng hồ hạng sang Ulysse Nardin và tập đoàn bán lẻ hàng xa xỉ Richemont đều từ chối. Đồng thời, 2 thương hiệu này cũng từ chối bình luận về việc các nhà chức trách Nga đã thu giữ số đồng hồ trị giá hàng triệu USD của thương hiệu đối thủ Audemars Piguet và ý nghĩa của động thái này đối với hoạt động kinh doanh của chính mình. Đại diện thương hiệu Audemars Piguet cũng không đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Cửa hàng tại Moscow, Nga của hãng đồng hồ Piaget - một thương hiệu con thuộc tập đoàn Richemont. Ảnh: Piaget

Ở một diễn biến khác, các lệnh trừng phạt lên Nga cũng tạo ra một số ảnh hưởng tới việc tiếp cận nguồn cung kim cương của các thương hiệu sang trọng.

Theo ông Rolf Studer từ hãng Oris, ảnh hưởng của các lệnh cấm sẽ không gây ra tác động lớn tới nguồn cung kim cương của công ty. Nguyên nhân là do lượng tồn kho của Oris vẫn còn đủ dùng ít nhất trong 1 năm nữa và trên hết, nguồn cung kim cương trên thế giới cũng tương đối dồi dào và đa dạng. Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng nếu tình trạng kéo dài, giá cả có thể sẽ tăng.

Đại diện của tập đoàn Richemont thì cho biết dù đã ngừng mua kim cương Nga, công ty vẫn tự tin rằng mình có thể thay thế được nguồn cung từ nơi khác.

Theo ông Edouard Meylan từ thương hiệu H.Moser, ông đã nhận được nhiều yêu cầu muốn mua đồng hồ từ các khách hàng Nga ngay trước khi chính phủ Thụy Sĩ ban hành lệnh cấm nhưng đã từ chối. Tuy nhiên ông Burkhart Grund, giám đốc tài chính của Richemont, cho biết các công ty luôn cảnh giác để các sản phẩm của mình không được sử dụng để rửa tiền hoặc để lách lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, một số giám đốc điều hành lại nhận thấy nhu cầu bùng nổ ở Dubai khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng như Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy dòng tiền chảy vào từ những người Nga giàu có đang tìm kiếm một thiên đường tài chính mới.

Nguồn Mekong Asean: https://mekongsean.vn/cac-hang-dong-ho-thuy-si-phai-xoay-xo-voi-kho-khan-tai-thi-truong-nga-post5032.html