Các hãng hàng không chuẩn bị cho kế hoạch bay quốc tế thường lệ

Việc nối lại các đường bay được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.

Hàng loạt máy bay của các hãng hàng không đậu tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Hàng loạt máy bay của các hãng hàng không đậu tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đã phải dừng bay từ đầu tháng Tư vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một số đường bay quốc tế sẽ được khôi phục sau khi Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại cuộc họp bàn về khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và một số quốc gia.

Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý từ ngày 15/9/2020 khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam đi Quảng Châu, Taipei, Đài Loan (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc).

Từ ngày 22/9/2020, nối lại các đường bay: Việt Nam-Campuchia (Phnom Penh), Việt Nam-Lào (Vientiane).

Tần suất không quá 2 chuyến/tuần cho mỗi bên và mỗi đối tác (số lượng các chuyến bay sẽ xem xét tăng thêm phù hợp với tình hình thực tế).

Việc nối lại các đường bay được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại đối với các đối tác về tổng số người trên các chuyến bay, việc thu phí và các điều kiện nhập cảnh khác.

Thông báo cũng nêu rõ đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam trên các chuyến bay thương mại từ 6 địa bàn trên (không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba).

Trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 16/9, đại diện các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air cho biết đã sẵn sàng bay quốc tế.

Cụ thể, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho hay, kế hoạch bay quốc tế đã được hãng xây dựng xong và đã công bố lịch bay đi Nhật Bản vào ngày 18/9 tới.

Tuy nhiên, đấy mới là chiều chở khách từ Việt Nam đi, còn chiều chở khách từ các nước về Việt Nam thì đang phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Theo thông tin mới nhất thì Bộ Y tế đã có dự thảo về vấn đề này, đang gửi xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Vietnam Airlines cũng hy vọng Bộ Y tế sớm có hướng dẫn để các hãng thực hiện việc vận chuyển hành khách từ các nước vào Việt Nam”, ông Đặng Anh Tuấn chia sẻ.

Còn theo đại diện Vietjet Air, từ ngày 29/9, hãng sẽ khai thác thường lệ quốc tế với tần suất cụ thể như sau: Tp. Hồ Chí Minh – Tokyo (Narita, Nhật Bản): 1 chuyến vào thứ Ba hàng tuần; Tp. Hồ Chí Minh – Seoul (Incheon, Hàn Quốc): 1 chuyến vào thứ Tư hàng tuần và Hà Nội – Đài Bắc (Đào Viên, Đài Loan, Trung Quốc)): 1 chuyến vào thứ Năm hàng tuần.

Còn đại diện Bamboo Airways trước đó cho hay, hãng đã có kế hoạch khôi phục, mở mới hàng loạt đường bay quốc tế trong tháng 9 và tháng 10 tới.

Theo đó, bên cạnh việc khôi phục các đường bay đi Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc từ tháng 9-10/2020, Bamboo Airways sẽ mở mới nhiều tuyến bay đến Nhật Bản, Singapore, Australia vào quý IV/2020, đến Đức và Anh vào quý I/2021.

Liên quan đến một số vướng mắc về mặt thủ tục ở các nước khi mở lại các đường bay quốc tế, thông tin với phóng viên TTXVN chiều 16/9, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, Cục Hàng không Việt Nam sẽ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các hãng hàng không để tháo gỡ.

Trước đó, tại phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ vào sáng 11/9 về phòng chống COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với một số quốc gia, khu vực; xem xét tổ chức các chuyến bay riêng cho người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia… về Việt Nam.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay quốc tế, bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế, các phương án giải tỏa cho các cảng hàng không quốc tế, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly kinh tế phù hợp, các hướng dẫn khác bảo đảm công tác phòng, chống dịch một cách thuận lợi cho người được nhập cảnh.

Tăng tần suất chuyến bay đón công dân về nước cũng như đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam.

UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính tổ chức thực hiện cách ly có thu phí. Thủ tướng đề nghị các địa phương: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh lân cận của 3 thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở lưu trú, khách sạn làm nơi cách ly người nhập cảnh có thu phí bảo đảm cơ số cách ly tối thiểu, có thể tăng dần trong thời gian tới.

Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo bệnh và lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí, chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội khi cần thiết.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam chuẩn bị mở lại đường bay thường lệ đã đồng ý nối lại đường bay với Việt Nam. Các điểm đến này đều đã sẵn sàng phương án cho hành khách từ Việt Nam nhập cảnh.

Tại Nhật Bản, hành khách nhập cảnh được làm xét nghiệm ngay tại sân bay và có thể về nhà tự cách ly 14 ngày.

Nếu không tiện về nhà, người nhập cảnh có thể cách ly tại những cơ sở lưu trú được chính quyền chỉ định và phải tự trả phí.

Tại Hàn Quốc - nơi đã khôi phục hoạt động bay quốc tế - khách nhập cảnh được yêu cầu cài ứng dụng di động có định vị GPS ngay khi xuống sân bay để giám sát việc di chuyển.

Khách có thể về nhà tự cách ly hoặc được Chính phủ bố trí nơi cách ly với không gian riêng tư, được giao nhu yếu phẩm để tự nấu nướng, sinh hoạt./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-hang-hang-khong-chuan-bi-cho-ke-hoach-bay-quoc-te-thuong-le/169815.html