Các hãng hàng không sợ chim trời

Kế hoạch đuổi chim không chỉ phụ thuộc vào việc tìm nguồn vốn để thực hiện dự án mà còn lệ thuộc rất nhiều vào nhận thức của mọi người về vấn đề này...

Làm thế nào để đuổi chim khỏi khu vực sân bay? Máy bay liên tục va phải chim đang khiến các hãng hàng không lo ngại về an toàn. Hiểm họa từ những cú va đập triệu đô Liên tục trong tháng 9, máy bay của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific va chạm với chim 4 lần vào các ngày mùng 7, 15, 22, 23, rất may không có thiệt hại lớn. Tổng giám đốc Jetstar Pacific Lương Hoài Nam cho biết: “Một cú va đập của chim trời vào máy bay có thể khiến hãng hàng không phải chi ra từ vài chục ngàn cho tới cả triệu đô la để sửa chữa, dừng bay, đền bù khách hàng... Đơn cử vụ chim lao vào động cơ máy bay A 320 năm 2004 đã khiến hãng mất 1 triệu đô la”. Kềnh càng và nặng cả chục tấn nhưng những chiếc máy bay thế hệ mới nhất của Airbus hay Boeing vẫn rất sợ những chú chim trời nhỏ hơn mình cả nghìn lần. Một phi công của Vietnam Airlines cho biết, các sân bay tại hai đầu Nam, Bắc có rất nhiều chim, việc va chạm với máy bay là không tránh khỏi. Thông thường, chim hay va vào cánh, động cơ và kính máy bay. Các nhà sản xuất đã “bảo vệ” động cơ bằng cách làm lá chắn. Các chú chim nhỏ hơn 2kg khó có thể làm “khó dễ” những con chim sắt khổng lồ. Tuy nhiên, nếu gặp chim trời to hơn hay bay theo đàn thì phi công chỉ biết trông chờ vào may mắn chứ không có cách gì chống được. Mặc dù về nguyên tắc, máy bay bị hỏng một động cơ vẫn có động cơ khác thay thế. Theo các phi công dày dặn kinh nghiệm thì chim có thể lao trực diện vào kính máy bay làm rạn kính. Máu, lông và xác chim bắn đầy trên kính. Nhưng mỗi máy bay đều có hai lái nên ít khi cả hai đều bị che khuất tầm nhìn sau những cú đối đầu kiểu này. Ngoài ra, kính trên buồng lái máy bay có 5 lớp đủ để chống chọi các cú “công phá” đột ngột của chim trời. Về lý thuyết, cú va chạm ở cánh hay kính máy bay có mức uy hiếp an toàn ít hơn va chạm ở động cơ. Nhưng nhiều khi chim lao vào cánh hoặc càng máy bay có thể gây ra những “báo động giả” khiến phi công xử lý tình huống sai rất nguy hiểm. Ví dụ như máy bay của Vietnam Airlines phải hạ cánh khẩn cấp và nổ lốp tại Tân Sơn Nhất tháng 8 vừa qua. ủy ban điều tra sự cố chưa có kết luận chính thức nhưng nhiều khả năng, có va chạm của chim vào khóa càng máy bay khiến bộ cảm biến phát thông tin không chính xác tới buồng lái. Bó tay vì thiếu tiền? Ông Nguyễn Khắc Hưng, Phó Tổng giám đốc kỹ thuật của Jetstar Pacific cho biết, 9 tháng đầu năm, hãng ghi nhận được 28 vụ máy bay va chạm với chim trời, trung bình mỗi tháng có 3 vụ. Đặc biệt trong tháng 5, xảy ra liên tiếp 7 vụ, máy bay phải dừng hoạt động để kiểm tra động cơ khiến lịch bay bị ảnh hưởng dẫn tới chậm, hủy chuyến. Rất may là không có vụ nào nặng tới mức sứt lá máy nén hoặc phải tháo động cơ. Cũng chưa có vụ va đập nào uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay. Số liệu thống kê của Cục Hàng không cũng cho thấy các sự cố liên quan tới thời tiết, chim va đập tăng hơn năm trước. 27 vụ trong 9 tháng năm 2009 so với 26 vụ trong cả năm 2008. Hầu hết các vụ va chạm xảy ra khi máy bay đang cất hoặc hạ cánh. Cách đây vài năm, ghi nhận liên tiếp các vụ máy bay va phải chim tại sân bay Tân Sơn Nhất, Hiệp hội các hãng hàng không châu á (AAPA) đã có văn bản kiến nghị với Cục Hàng không và đề nghị có biện pháp. Theo AAPA, Việt Nam là một trong những quốc gia có mật độ máy bay va chạm với chim nhiều nhất khu vực. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhà chức trách hàng không vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý. Để hạn chế chim trời tập trung tại các cảng hàng không khi máy bay cất hạ cánh, ông Hoàng Đức Thuận, Trưởng Ban Quản lý khai thác CHK, Cục HKVN cho biết, nước ngoài thường dùng các biện pháp như bắn súng, gây tiếng nổ để xua đuổi chim, phát các âm có tần số đặc biệt khiến chim trời sợ hãi... tuy nhiên, lựa chọn giải pháp nào ở Việt Nam cho phù hợp và hiệu quả cần có nghiên cứu kỹ lưỡng và đặc biệt là rất tốn kém. Được biết, sau một thời gian triển khai, đến nay, kế hoạch xua đuổi chim khỏi khu vực bay vẫn chỉ dừng ở việc lập sổ... đăng ký các loại chim hay xuất hiện. Phó Tổng giám đốc Jetstar Pacific Nguyễn Khắc Hưng cho biết, hãng đã làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc, đại diện Bộ TNMT, Bộ KHCN nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để... đuổi chim tại Nội Bài. Khu nuôi chim Đầm Vạc rất gần Nội Bài khiến mật độ chim tại cảng hàng không này khá dầy và thường xuyên uy hiếp máy bay cất hạ cánh. Hiện nay, biện pháp chủ yếu để hạn chế chim của các cảng hàng không vẫn chỉ là phát quang bụi rậm, xén cỏ quanh đường băng, xử lý tốt rác thải khu vực phụ cận. Một chuyên gia về môi trường cho rằng, kế hoạch đuổi chim không chỉ phụ thuộc vào việc tìm nguồn vốn để thực hiện dự án mà còn lệ thuộc rất nhiều vào nhận thức của mọi người về vấn đề này. Đợi tới khi xảy ra tai nạn thảm khốc rồi mới làm thì cái giá phải trả là quá đắt.

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/van-tai/Cac_hang_hang_khong_so_chim_troi/