Các hãng xa xỉ phẩm phương Tây 'để mắt' đến thị trường Ấn Độ

Theo báo Strait Times, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ trong những năm qua khiến nước này dần trở thành thị trường hấp dẫn đối với các thương hiệu xa xỉ phương Tây.

Một cửa hàng của nhãn hiệu thời trang xa xỉ Balenciaga. Nguồn ảnh: Reuters

Một cửa hàng của nhãn hiệu thời trang xa xỉ Balenciaga. Nguồn ảnh: Reuters

Ấn Độ trước đây không phải là điểm đến ưu tiên cho các thương hiệu xa xỉ phương Tây, do các khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng kinh doanh cũng như các thủ tục pháp lý phức tạp tại nước này. Nhưng tình hình trên đang có sự chuyển biến rõ rệt do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh ở một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới này.

Kinh tế của Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 6% vào năm 2023, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Ấn Độ cũng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng triệu phú theo cấp số nhân. Theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2022 của ngân hàng Credit Suisse, số triệu phú ở Ấn Độ ước tính sẽ tăng gấp đôi, từ 796.000 người vào năm 2021 lên 1,6 triệu người vào năm 2026.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nâng mức xếp hạng thuận lợi trong kinh doanh của Ấn Độ từ vị trí 142 vào năm 2014 lên vị trí 63 vào năm 2022.

Theo tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường hàng xa xỉ của Ấn Độ sẽ tăng trưởng 4,8% trong vòng 5 năm tới và dự kiến đạt giá trị 7,5 tỷ USD. Ông Anul Sareen, Quản lý dự án của Euromonitor International, cho biết các nhà kinh doanh các nhãn hàng xa xỉ đang chú ý và trở nên lạc quan hơn về hoạt động kinh doanh của họ tại Ấn Độ.

Ông Arvind Singhal, Chủ tịch công ty tư vấn bán lẻ Technopak Advisors cho biết các thương hiệu quốc tế đang nhắm đến khách hàng là những người giàu mới nổi ở Ấn Độ. Những người này có thể là các chuyên gia hoặc doanh nhân khởi nghiệp, không nhất thiết phải am hiểu về các thương hiệu. Do đó, hiện tại là thời điểm để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đối với các khách hàng lần đầu tham gia thị trường mua sắm hàng xa xỉ.

Louis Vuitton là thương hiệu xa xỉ cao cấp quốc tế đầu tiên hoạt động tại Ấn Độ vào năm 2002, tiếp theo là Dior, Hermes, Burberry và Chanel.

Gần đây, các hãng thời trang xa xỉ khác như Bvlgari, Valentino của Italy và Balenciaga của Pháp cũng thể hiện sự quan tâm lớn hơn đến thị trường Ấn Độ, khi họ lựa chọn đại sứ thương hiệu là người bản địa hoặc mở chi nhánh tại quốc gia này.

Bên cạnh thời trang, hoạt động kinh doanh các mặt hàng xa xỉ đã mở rộng sang các lĩnh vực khác tại Ấn Độ. Ví dụ, phân khúc cao cấp trong lĩnh vực bất động sản đã phục hồi nhanh nhất sau dịch COVID-19. Công ty bất động sản DLF cho biết, họ đã bán được 1.137 căn hộ cao cấp có giá từ 70 triệu rupee (830.000 USD) trở lên trong vòng ba ngày vào tháng 3/2023 tại Gurugram, một thành phố vệ tinh gần New Delhi. Nhà sản xuất ô tô hạng sang của Đức là Mercedes-Benz đã ghi nhận doanh số bán kỷ lục 15.822 xe tại Ấn Độ vào năm 2022, so với 11.242 xe của năm trước.

Chuyên gia Sareen cho rằng việc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ không hề dễ dàng do sự cạnh tranh từ các nhà bán hàng nội địa, cũng như việc thiếu không gian dành cho bán lẻ. Ngoài ra, nhu cầu tăng mạnh tại thị trường Ấn Độ khác xa so với các thị trường khác, nơi các nhà bán lẻ hàng xa xỉ cần phải liên tục thay đổi sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, ông Sareen nhận định, nền kinh tế Ấn Độ được dự báo chạm mốc 5.000 tỷ USD trong một vài năm tới, kéo theo sự gia tăng đột biến tầng lớp trung lưu. Đây cũng là nhóm đối tượng tiêu dùng sẵn sàng chi mạnh tay nhất, qua đó truyền cảm hứng cho nhiều thương hiệu hơn nữa tham gia và đầu tư vào thị trường này./.

H.Thủy (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-hang-xa-xi-pham-phuong-tay-de-mat-den-thi-truong-an-do/290533.html