Các Hiệp định FTA là động lực cho May 10 gia tăng kim ngạch xuất khẩu

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu dệt may lớn trong nước, Tổng công ty May 10 đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu dệt may.

Lực đẩy từ các FTA

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10

Động lực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp cho xuất khẩu dệt may tăng tốc. Khởi đầu là một xưởng nhỏ chuyên may quân trang phục vụ kháng chiến chống Pháp, qua 76 năm xây dựngvà phát triển, Tổng công ty May 10 - CTCP đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam. Hiện May 10 là đối tác tin cậy của hầu hết các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Express, Abercrombie and Fitch, Bonobos, Vineyard Vines, TM Lewin, ... Các dòng sản phẩm đã làm nên tên tuổi của May 10 tại thị trường nội địa như May 10 Expert, M Series, May 10 Classic và dòng sản phẩm thời trang cao cấp Eternity Grusz... đã khẳng định bước đi táo bạo và chiến lược của May 10 trên con đường chinh phục ngành công nghiệp thời trang quốc tế.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, hiện nay, May 10 đang tập trung tận dụng 2 FTA chính là CPTPP và EVFTA. Trong 2 FTA này, tận dụng EVFTA thuận lợi và tiềm năng hơn bởi quy định xuất xứ từ vải thay vì từ sợi trong CPTPP và tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu hiện đang rất thấp so với tiềm năng. Có EVFTA nên chắc chắn năm nay và các năm tiếp theo tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu của May 10 sẽ rất cao.

Với RCEP, hiện tại đây chưa phải là thị trường May 10 tập trung xuất khẩu nhiều. Tuy nhiên, RCEP sẽ là thị trường của tương lai trong khoảng 5-10 năm tới. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chứ không phải là thị trường Hoa Kỳ hay châu Âu.

Từ trước tới nay, thị trường xuất khẩu chính của May 10 vẫn tập trung vào Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản. May 10 luôn luôn cân bằng 3 thị trường nêu trên. Ví dụ, thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 40-45%; châu Âu khoảng 30-35%; Nhật Bản khoảng 10%-15%; còn lại là các thị trường khác.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP.

Tuy nhiên, năm 2020 và năm 2021, thị trường Hoa Kỳ có những thời điểm lên tới 65%. Năm 2022, sau khi dịch được kiểm soát và thị trường châu Âu cũng hồi phục, cơ cấu các thị trường xuất khẩu của May 10 tại EU dự kiến sẽ cân bằng trở lại. Cùng với EVFTA, dự kiến, thị trường châu Âu sẽ lấy lại tỷ lệ cũ là khoảng 30-35% tổng doanh thu xuất khẩu của May 10.

Hiện tại, May 10 là thương hiệu thời trang hàng đầu Việt Nam với trên 50 cửa hàng trung tâm thời trang và gần 200 đại lý tại hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, May 10 - Dấu ấn của một Thương hiệu Quốc gia đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu rộng lớn sang nhiều nước trên thế giới tại khu vực thị trường khác nhau như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga… suốt hàng chục năm qua.

Nhờ lực đẩy từ các FTA, Tổng công ty May 10 hiện đã có đơn hàng đến hết tháng 9/2022, riêng với mặt hàng veston đã có đơn hàng đến cuối năm.

Nâng cao năng lực, đối phó với khó khăn của thị trường

Hiểu rằng các FTA đã mang lại những lợi thế lớn, thế nhưng giống như nhiều doanh nghiệp dệt may khác, May 10 hiện đang phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do khó khăn về nguồn cung nguyên liệu. Bên cạnh đó, những quy định mới từ các thị trường lớn cũng khiến doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi.

Đơn cử, với 50% nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi nước này áp dụng chính sách Zero Covid, việc thiếu nguyên liệu ngay trong ngắn hạn và chi phí tăng cao đang hiện hữu. Dù chi phí tăng cao, giá bán sản phẩm sẽ khó tăng, hoặc nếu tăng thì cũng không thể theo được tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt, việc thiếu nguyên phụ liệu trong ngắn hạn sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn khi đáp ứng đơn hàng cho đối tác.

Người lao động May 10 tại trụ sở chính Hà Nội

Bên cạnh đó, hiện nay, EU đưa ra chiến lược mới về dệt may, quy định về tỷ lệ thay thế, xanh hóa sản phẩm, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, điều này yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chuyển dịch mạnh để đáp ứng.

Ông Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 là đơn vị đầu ngành, có uy tín trên các thị trường. Với chương trình "xanh hóa", một mặt doanh nghiệp luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Thứ hai là doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…

Hiện nay, toàn bộ hệ thống của nhà máy May 10 về xuất khẩu đều đảm bảo được yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, với một số chứng chỉ mới, May 10 cũng đang phấn đấu.

Ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân hủy. Đó là điều May 10 đang tập trung cùng với các nhà cung cấp.

Thời gian qua, May 10 đã mở rộng năng lực sản xuất ở Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình. Trong năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tuyển dụng từ 3.000-5.000 lao động cho 3 dự án lớn tại 3 địa phương trên nhằm mở rộng năng lực sản xuất, không chỉ cho những đơn hàng xuất khẩu hồi phục mà cả cho những đơn hàng tăng lên về thị phần ở các FTA như EVFTA hay CPTPP.

Trịnh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-hiep-dinh-fta-la-dong-luc-cho-may-10-gia-tang-kim-ngach-xuat-khau-219392.html