Các hiệu ứng tâm lý thú vị trong cuộc sống

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng đôi khi chúng ta làm việc gì đó nhưng không hiểu sao lại làm vậy không? Tâm lý con người rất phức tạp, nó vừa có tính riêng biệt vừa có tính chung, đằng sau mỗi một hành vi đều ẩn chứa bí mật tâm lý kỳ diệu. Dưới đây là những hiệu ứng tâm lý giúp bạn lý giải về những hành động vô thức của bản thân phần cuối.

15. Hiệu ứng ngày sinh nhật

Được nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1997, hiệu ứng ngày sinh nhật (Birthday-number effect) là xu hướng vô thức mà một người luôn chọn những con số trong ngày sinh của mình nhiều hơn bất kỳ con số nào khác. Tuy nhiên, khác với các hiệu ứng tâm lý trên, khuynh hướng này có thể bị ảnh hưởng bởi tính cách, giới tính và tuổi tác của một người.

Hai hiệu ứng tâm lý này gắn liền với lòng tự tôn của con người. Nếu bạn để ý sẽ thấy rất nhiều người dùng những con số trong ngày tháng năm sinh hoặc những chữ cái viết tắt tên của họ để đặt mật khẩu cho các tài khoản mà họ dùng.

Ảnh minh họa

Hiện tượng này còn liên quan đến một thành kiến tương tự khác được gọi là hiệu ứng chữ cái trong tên (name-letter effect), trong đó, một người thích các chữ cái trong tên của mình và tin rằng chúng mang lại điều may mắn.

16. Hiệu ứng Werther

Hiệu ứng Werther miêu tả hiện tượng về sự gia tăng đột biến của các vụ tự sát tương tự sau khi một vụ tự tử được công bố rộng rãi.

Nếu đối tượng tự sát là một nhân vật của công chúng, tác động từ cái chết đó rộng hơn nhiều. Trong trường hợp này, tự sát thậm chí còn có thể “truyền nhiễm” như bệnh cúm, dẫn đến hiện tượng “Bắt chước tự sát một cách mù quáng” (Copycat suicide). Đây là hiệu ứng Werther (The Werther effect), cái tên xuất phát từ cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther” (The Sorrows of Young Werther) của tác giả Johann Wolfgang von Goethe sau khi được xuất bản năm 1774 đã dấy lên hội chứng tự sát trong thanh niên lúc bấy giờ. Cuốn tiểu thuyết mô tả bi kịch cuộc đời của chàng thanh niên tên Werther khi không thể đến với người mình yêu. Sau cuối, nhân vật chính đã kết liễu sinh mạng bằng khẩu súng của tình địch.

Ảnh minh họa

17. Hiệu ứng bàng quan (hiệu ứng người ngoài cuộc)

Hiệu ứng bàng quan hay hiệu ứng người ngoài cuộc (Bystander effect) là hiện tượng trong đó số lượng người có mặt càng đông thì khả năng giúp đỡ một người gặp nạn càng ít.

Hiểu đơn giản là khi tình huống khẩn cấp xảy ra, mọi người đều nghĩ rằng ai đó sẽ giúp nạn nhân chứ không phải mình, hoặc nếu mọi người không ai giúp thì chứng tỏ tình huống này không nghiêm trọng lắm, nên mình cũng không cần làm gì cả.

Ảnh minh họa

18. Hiệu ứng Bouba - Kiki

Hãy quan sát 2 hình vẽ dưới đây và thử đoán xem hình nào là Bouba và hình nào là Kiki.

Ảnh minh họa

Hiệu ứng Bouba-Kiki miêu tả việc chúng ta thường liên kết những âm thanh với một số hình ảnh nhất định.

Chẳng hạn như trong ví dụ phía trên, hình bên trái với những góc nhọn sẽ tạo cảm giác liên kết với từ Kiki, còn hình bên phải với những đường nét tròn, mềm mại sẽ gắn với tên Bouba. Các kết quả thí nghiệm cho thấy bộ não con người thường gắn những ý nghĩa trừu tượng vào các hình dáng, âm thanh theo một cách nhất định.

Ngoài ra, một ví dụ vô cùng phổ biến của hiệu ứng Bouba - Kiki là việc đặt tên. Một số tên đem lại cảm giác nữ tính, dịu dàng và được dùng để đặt tên cho con gái: Hồng, Lan, Mai, Đào,… Một số tên lại mang cảm giác nam tính, mạnh mẽ thường dùng để đặt tên cho con trai: Hùng, Dũng, Kiên, Cường,…

Nguồn tổng hợp

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/phan-cuoi-cac-hieu-ung-tam-ly-thu-vi-trong-cuoc-song-44140/