Các kịch bản có thể xảy ra khi Mỹ vẫn bế tắc về thỏa thuận trần nợ công

Các cuộc đàm phán trần nợ giữa Nhà Trắng và đảng Cộng hòa ở Mỹ tiếp tục lâm vào bế tắc khi cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Trong cuộc gặp mới nhất, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vẫn chưa đạt được thỏa thuận khi chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là Mỹ có thể vỡ nợ.

Thỏa thuận tăng trần nợ công phải được cả hai viện Quốc hội Mỹ thông qua khi Đảng Cộng hòa của ông McCarthy kiểm soát Hạ viện, trong khi đảng Dân chủ của Tổng thống Biden nắm giữ Thượng viện. Thất bại trong nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ cho Mỹ, không chỉ làm rung chuyển thị trường tài chính nước này, mà còn có thể gây ra cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu. Liệu hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ có thể nhượng bộ để gỡ bỏ thế bế tắc này và đi tới một thỏa thuận tăng trần nợ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ảnh: Reuters

Chưa tìm được tiếng nói chung

Đàm phán tăng trần nợ công ở Mỹ vẫn tiếp tục bế tắc và hai bên tới nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào mặc dù cả phía Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đều tỏ ra thiện chí hơn và đưa ra một số tín hiệu tích cực trong đàm phán nhằm giải quyết các bất đồng và hướng tới một thỏa thuận.

Các khác biệt hiện nay trong đàm phán trần nợ công liên quan chủ yếu tới vấn đề chính sách và chi tiêu liên bang. Đảng Cộng hòa muốn Tổng thống Joe Biden phải cắt giảm chi tiêu để đổi lấy sự ủng hộ của đảng này trong việc nâng trần nợ công, còn đảng Dân chủ muốn duy trì chi tiêu ổn định ở mức của năm nay, đồng thời yêu cầu tăng trần nợ một cách vô điều kiện trong thời gian dài.

Theo quan điểm của đảng Cộng hòa, phe Dân chủ hiện nay vay nợ nhiều, chi tiêu bất hợp lý và giảm thuế. Việc này khiến chính phủ nhanh cạn tiền. Phe Cộng hòa không muốn giảm chi tiêu quốc phòng mà ở một số lĩnh vực công trong nước như giáo dục, môi trường, y tế, những mảng đều được xem là sẽ ảnh hưởng tới uy tín cầm quyền của ông Biden trước cuộc bầu cử vào năm sau. Phe Dân chủ đã phản đối biện pháp trên, đồng thời đưa ra kế hoạch tăng thuế đối với những người giàu nhất cùng các tập đoàn hiện đang được hưởng các khoản giảm thuế lớn và thúc đẩy các dự án năng lượng sạch. Tuy nhiên, đề xuất này không được phe Cộng hòa đồng ý vì cho rằng không thể cắt giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế đối với người giàu và siết các kẽ hở về thuế đối với ngành dầu mỏ và dược.

Đảng Dân chủ muốn việc hạn chế chi tiêu chỉ kéo dài khoảng 2 năm, nhưng Đảng cộng hòa muốn kéo dài thời hạn của các hạn chế này trong khoảng 1 thập kỷ bởi hiệu lực càng kéo dài thì mức thâm hụt ngân sách sẽ càng giảm. Tranh cãi về chi tiêu và thuế đã khiến các bên khó đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công.

Từ nay tới ngày 1/6, thời điểm Mỹ được dự báo sẽ không còn tiền để thanh toán các hóa đơn, không còn nhiều và kể cả nếu có đạt được thỏa thuận thì thỏa thuận này cũng sẽ phải được Thượng viện và Hạ viện bỏ phiếu thông qua, chính vì vậy, có thể nói là hai đảng đang phải chạy đua với thời gian và có thể sẽ có những nhượng bộ mà cả hai phía đều có thể chấp nhận được để tránh nguy cơ Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Các kịch bản của chính trường Mỹ trước tình thế bế tắc

Tình huống tốt nhất đó là các bên sẽ đạt được một thỏa thuận qua đó tránh được nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ. Tuy nhiên, kể cả khi tránh được nguy cơ vỡ nợ thì khoảng 200.000 người vẫn bị mất việc làm và GDP trong năm vẫn bị suy giảm 0,3 điểm phần trăm. Còn trong trường hợp hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung thì có thể có một số kịch bản như sau.

Thứ nhất đó là khả năng Tổng thống Biden sử dụng Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ nếu Quốc hội quyết định không tăng trần nợ. Một số thành viên đảng Dân chủ cho rằng Tu chính án 14 cho phép Tổng thống Biden bỏ qua nỗ lực của các nhà lập pháp đảng Cộng hòa trong việc đặt ra điều kiện để thanh toán các khoản nợ đã phát sinh. Họ lập luận rằng, với tư cách là Tổng thống, ông Biden có nhiệm vụ đảm bảo trả các khoản nợ của chính phủ, do đó ông có quyền tiếp tục vay tiền để trả nợ ngay cả khi Quốc hội không chấp thuận. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, viện dẫn Tu chính án 14 để vượt trần nợ là hoàn toàn vi hiến.

Trong hệ thống hiến pháp của Mỹ, Quốc hội nắm ngân sách và kiểm soát chi tiêu của chính phủ. Việc cho phép cơ quan hành pháp phát sinh nợ mà không có sự chấp thuận của Quốc hội là vi phạm sự phân chia quyền lực này. Nếu Tổng thống Biden viện dẫn Tu chính án 14 và vượt quá mức trần nợ công, đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ khởi kiện và khó có khả năng những thách thức pháp lý như vậy sẽ được giải quyết trước ngày 1/6.

Kịch bản tệ nhất nếu đàm phán thất bại là Mỹ sẽ vỡ nợ, vỡ nợ ngắn hạn và vỡ nợ kéo dài. Đối với trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm. Trong tình huống xấu nhất là vỡ nợ kéo dài, các chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho biết khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán “bốc hơi” gần một nửa giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này sẽ tăng tới 5 điểm phần trăm. Kịch bản vỡ nợ kéo dài sẽ khiến Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc suốt 3 tháng.

Việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến quá trình suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn đặc biệt là trong bối cảnh các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng chi phí đi vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời làm chậm hoạt động cho vay của ngân hàng. Tình hình này đã làm suy yếu nền kinh tế và có thể bắt đầu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức thấp lịch sử 3,5%.

Tác động tới thị trường tài chính

Nếu Mỹ vỡ nợ thì điều này sẽ gây ra tác động lớn đến kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới với hậu quả chưa thể lường trước. Các tác động từ việc vỡ nợ sẽ ảnh hưởng trước hết đến nước Mỹ sau đó là nền kinh tế toàn cầu và cuối cùng là ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có nợ công cao.

Nếu Mỹ vỡ nợ, Phố Wall có lẽ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Các chuyên gia cho biết, cú sốc về việc không thanh toán sẽ lan rộng khắp hệ thống tài chính - cổ phiếu, trái phiếu, quỹ tương hỗ, các công cụ phái sinh - trước khi lan ra toàn bộ nền kinh tế. Các cổ phiếu có thể sẽ giảm mạnh do dự đoán về suy thoái kinh tế rộng hơn, khi lãi suất tăng và các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường để duy trì khả năng tiếp cận tiền mặt ngắn hạn của họ.

Moody's Analytics dự đoán rằng nếu Mỹ vỡ nợ, giá cổ phiếu có thể giảm khoảng 1/5, xóa sạch 10.000 tỷ USD tài sản hộ gia đình và tàn phá tài khoản hưu trí của hàng triệu người Mỹ. Trong khi đó, Nhà Trắng ước tính mức giảm có thể lên tới gần 45%. Thị trường trái phiếu trị giá 46.000 tỷ USD cũng sẽ rung chuyển, khi giá trị của trái phiếu kho bạc hiện tại sụp đổ do lợi suất trái phiếu mới cao hơn. Và các doanh nghiệp có thể sẽ ngừng mở rộng - khiến giá cổ phiếu giảm nhiều hơn nữa.

Việc nước Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua. Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng USD nên bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, cho dù do vỡ nợ hay mất ổn định, rơi vào suy thoái đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng USD.

Việc giá trị của đồng USD giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế kém và đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ. Đối với giới đầu tư và các nước đang nắm giữ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ, nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ, thì các trái phiếu này sẽ mất giá nghiêm trọng, kéo theo giá trị tài sản của các bên nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ vì vậy cũng giảm theo. Ngoài ra, số tiền phải trả cho bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ hiện đang ở mức 0,34%, tăng gần gấp đôi so với mức 0,2% từ đầu năm, có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Có thể nói rằng nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ và cuộc khủng hoảng không được giải quyết nhanh chóng thì không nơi nào trên thế giới không bị ảnh hưởng và hậu quả của điều này sẽ là lâu dài và khó lường.

Nền kinh tế Mỹ đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1 vừa qua. Bộ Tài chính Mỹ phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên, Chính phủ Mỹ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, trong bối cảnh nợ công của nền kinh tế số 1 thế giới đang không ngừng phình ra, đe dọa nghiêm trọng tới sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19./.

Phạm Huân/VOV-Washington

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cac-kich-ban-co-the-xay-ra-khi-my-van-be-tac-ve-thoa-thuan-tran-no-cong-post1022140.vov