Các kiểu Nhật thực trên thế giới

Hiện tượng Nhật thực toàn phần, nhật thực một phần sảy ra khi nào? Cùng tìm hiểu lý giải khoa học để hiểu rõ về các hiện tượng này nhé!

- Bạn đã từng nghe đến các khái niệm Nhật thực một phần hay Nhật thực toàn phần? Bài này sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về những khái niệm đó.

Nhật thực hình khuyên

Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt trời và Mặt trăng nằm chính xác trên một đường thẳng, nhưng kích cỡ biểu kiến của Mặt trăng nhỏ hơn kích cỡ biểu kiến của Mặt trời. Vì thế Mặt trời vẫn hiện ra như một vòng đai rực rỡ bao quanh Mặt trăng. Thời gian diễn ra Nhật thực hình khuyên lâu hơn Nhật thực toàn phần nhưng cũng chỉ kéo dài trong vài phút.

Nhật thực lai

Nhật thực lai là một kiểu trung gian giữa Nhật thực toàn phần và Nhật thực hình khuyên. Ở một số điểm trên Trái Đất, nó được quan sát thấy là Nhật thực toàn phần; ở những nơi khác nó lại là Nhật thực hình khuyên. Thuật ngữ chung cho Nhật thực toàn phần, hình khuyên hay Nhật thực lai là Nhật thực trung tâm. Nhật thực lai rất hiếm khi xảy ra.

Nhật thực một phần

Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt trời và Mặt trăng không nằm chính xác trên cùng một đường thẳng, và Mặt trăng chỉ che khuất một phần của Mặt trời. Hiện tượng này thường được quan sát thấy ở nhiều nơi trên Trái Đất bên ngoài đường đi của Nhật thực trung tâm. Tuy nhiên, một số kiểu Nhật thực chỉ có thể quan sát thấy như là Nhật thực một phần, khi vùng bóng tối (umbra) trượt qua một trong hai vùng cực Trái Đất và đường trung tâm lúc này không cắt qua bề mặt của Trái Đất.

Nhật thực toàn phần

Hiện tượng này xảy ra khi đĩa tối của Mặt trăng che khuất hoàn toàn Mặt trời, cho phép quan sát được vầng hào quang bao quanh Mặt trời hay vành nhật hoa bằng mắt với dụng cụ bảo vệ. Trong thời gian xảy ra bất kỳ một lần Nhật thực nào, chỉ có thể quan sát thấy Nhật thực toàn phần từ một dải hẹp trên bề mặt Trái Đất.

Kiểu Nhật thực khác

Một loại Nhật thực khác mà Mặt trời bị che khuất bởi một hành tinh khác ngoài Mặt trăng khi nhìn từ một điểm trong không gian vũ trụ. Ví dụ, đoàn du hành vũ trụ Apollo 12 đã chụp được ảnh Trái Đất che khuất Mặt trời năm 1969 và tàu không gian Cassini cũng chụp được ảnh Sao Thổ che khuất Mặt trời năm 2006.

Khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt trời thay đổi trong một năm do quỹ đạo elip. Điều này cũng làm cho kích thước biểu kiến của Mặt trời biến đổi trong năm, nhưng sự biến đổi này không nhiều bằng so với kích thước biểu kiến của Mặt trăng. Khi Trái Đất nằm xa Mặt trời nhất vào tháng 7, và nếu hiện tượng Nhật thực xảy ra thì khả năng nhiều là hiện tượng Nhật thực toàn phần, trong khi nếu hiện tượng Nhật thực xảy ra lúc Trái Đất nằm gần Mặt trời nhất vào tháng 1 thì nhiều khả năng đó là Nhật thực hình khuyên.

Trên đây là năm kiểu Nhật thực khác nhau và chúng xuất hiện rải rác trên nhiều địa điểm trên thế giới vào những thời điểm khác nhau. Trong đó hiện tượng Nhật thực toàn phần là hiếm nhất.

Nhật Linh (theo Wikipedia)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/kham-pha-cac-kieu-nha-t-thu-c-tren-the-gioi-428459.html