Các lễ hội mùa xuân trong chốn Cung đình xưa

Đối với người Việt, mùa xuân là mùa của các lễ tiết, hội hè; khởi đầu bằng các hoạt động đón tết Nguyên đán (đón năm mới tính theo âm lịch/nông lịch), sau đó là các lễ hội kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Về các hoạt động lễ hội thì trong chốn Cung đình Huế xưa có những đặc trưng riêng do các lễ tiết chính đều được quy định chặt chẽ, được nâng lên thành điển lệ. Chính vì vậy, phần lễ bao giờ cũng chiếm phần chính, phần hội đôi khi khá mờ nhạt. Thời Nguyễn các hoạt động lễ tiết trước, trong và sau Tết Nguyên đán luôn được tổ chức rất trang trọng và chu đáo.

Các nghi lễ trước Tết như: Lễ Ban sóc, lễ Tiến xuân – Nghênh xuân, lễ Phứt thức, lễ cáp hưởng, lễ Thướng tiêu.

Các nghi lễ trong và sau Tết: Lễ mừng nhà vua và các thành viên chính của hoàng gia, đây là nghi lễ quan trọng nhất trong dịp Tết ở chốn Cung đình. Đối với nhà vua thì không gian tổ chức nghi lễ chủ yếu diễn ra ở khu vực từ điện Cần Chánh đến Ngọ Môn, tức khu nghi lễ trong hoàng cung Huế. Đối với Hoàng thái hậu, Hoàng quý phi, Hoàng tử thì không gian tổ chức chủ yếu là nơi họ sinh sống. Trong lễ mừng đầu xuân này, từ các nghi thức từ lỗ bộ nghi trượng, cờ quạt, âm nhạc, triều phục đến trình tự tổ chức đều được chuẩn bị rất công phu.

Các quan làm lễ trên sân đại triều nghi (Ảnh: Cái Văn Long)

Lễ mừng nhà vua được tổ chức như một lễ đại triều, có sự tham dự của bách quan văn võ trong triều và bô lão đại diện của địa phương. Lễ được tổ chức vào sáng ngày mùng một Tết. Theo quy định, tất cả thân công và văn võ bách quan tham dự đều mặc lễ phục, tay cầm hốt. Thân công đứng hai hàng bên trong điện Thái Hòa, quan văn võ từ tam phẩm trở lên đứng hai hàng trên tầng sân rồng thứ nhất theo phẩm sơn (tả văn, hữu võ); từ tứ phẩm đến cửu phẩm đứng hai hàng ở tầng sân thứ hai; tầng sân dưới dành cho kỳ lão ở địa phương, ngoài nữa, trên cầu Trung Đạo ra đến hồ ngoại Kim Thủy là binh lính, voi ngựa.

Nhã nhạc tấu trong lễ đều là các bài có chữ Bình (Lý bình, Túc bình, Khánh bình, Di bình và Hòa bình). Nội dung chủ yếu của lễ là phần đọc biểu mừng nhà vua của bách quan và các địa phương. Sau lễ vua đều có ban yến cho những người tham dự (Thân phiên, hoàng thân, quan văn ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên và các chức tước trong họ thì ngày mồng 1 ăn yến ở điện Cần Chánh và hành lang 2 bên; quan văn lục phẩm quan võ ngũ phẩm và ủy viên các tỉnh thì ngày mồng 2 ăn yến ở 2 viện Đãi lậu (phía trước 2 bên điện Thái Hòa).

Ngự Lâm Quan đại nội Huế (Cái Văn Long)

Nghi lễ mừng Thái hậu của triều Nguyễn trong ngày Tết được thực hiện rất trang trọng do các vua Nguyễn đều đề cao chữ hiếu. Không gian tổ chức chủ yếu diễn ra tại cung Trường Thọ (nay là Diên Thọ cung), nằm ở phía tây của Hoàng thành. Tham dự lễ ngoài nhà vua, bách quan văn võ còn có gia đình bên ngoại của Thái hậu.

Lễ mừng hoàng thái phi diễn ra tại điện Khôn Đức thuộc cung Khôn Đức (sau đổi thành Khôn Thái cung). Từ năm Gia Long thứ 2 (1803), triều Nguyễn đã quy định, hàng năm gặp tết mừng vương hậu trong dịp Tết Nguyên đán, bách quan văn võ trong ngoài kinh và các tỉnh và các trang ở huyện Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ trầu cau, đến ngày Tết thì dâng đủ bản kê đồ lễ, tờ mừng để làm lễ khánh hạ.

Lễ mừng Hoàng thái tử diễn ra ở Thanh Cung (điện Thanh Hòa). Năm Gia Long thứ 7 (1808), triều Nguyễn có lệ định, vào lễ mừng Tết Nguyên đán Hoàng thái tử, phủ Tôn Nhân, cung tần, ban văn võ các thành, doanh, trấn kính dâng lễ trầu cau. Đến ngày Tết đều phải dâng đủ tờ mừng, bản kê lễ vật để làm lễ khánh hạ.

Sau các lễ mừng của ngày mồng Một, ngày mồng 2, nhà vua cùng thân công vào bái lạy tại điện Phụng Tiên (miếu riêng của hoàng gia, nơi thờ tất cả các vua Nguyễn đời trước); ngày mồng 3 thì vua và bách quan đều đi thăm thầy dạy, sư trưởng của mình; ngày mồng 5 đi du xuân, thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài Kinh thành; ngày mồng 7 làm lễ Khai hạ (bỏ nêu), ngày này các viên quan giữ ấn tín làm lễ Khai ấn, mở các hòm ấn tượng trưng năm làm việc mới bắt đầu.

Cái Văn Long

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/cac-le-hoi-mua-xuan-trong-chon-cung-dinh-xua/