Các lĩnh vực của ngành Tài chính đều 'chuyển mình' mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số

Nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn trong top dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong khối các cơ quan của Chính phủ và là đơn vị tiên phong tiến hành chuyển đổi số. Cho đến nay, hầu hết các lĩnh vực trong ngành Tài chính về cơ bản đều đã có những kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ và ngày càng đi vào thực chất, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm thuế, hải quan, kho bạc…

Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2023 với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”.

Triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Chính phủ về chuyển đổi số đã tạo sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết các đơn vị trong ngành Tài chính.

Chia sẻ với phóng viên báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số đã tạo ra sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết các đơn vị trong ngành Tài chính. Đến nay, phần lớn hoạt động chỉ đạo, điều hành tại Bộ Tài chính đã được thực hiện trên môi trường số. Có thể thấy, hầu hết mọi lĩnh vực trong ngành Tài chính về cơ bản đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số.”

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong lĩnh vực thuế, tính đến cuối năm 2023, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 100% cục thuế và chi cục thuế. Đã có 99,36% số doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. Về hóa đơn điện tử, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý là khoảng 6,09 tỷ hóa đơn. Đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài; số lượng sàn thương mại điện tử gửi dữ liệu cung cấp thông tin đến cơ quan Thuế là 357 sàn, số lượng tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên các sàn là hơn 191 nghìn với tổng giá trị giao dịch là gần 59 nghìn tỷ đồng.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu, hướng tới xây dựng mô hình Hải quan thông minh. Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 67 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Bên cạnh đó, 100% thủ tục hành chính lĩnh vực kho bạc đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia Dịch vụ công trực tuyến. Đã triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa, góp phần tăng cường an toàn, an ninh thông tin mạng.

Ghi nhận sự quyết tâm và tinh thần đổi mới sáng tạo ngành Tài chính, ông Nguyễn Bắc Hà - Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, nỗ lực cải cách mô hình quản lý phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hoàn thành các thủ tục hành chính, giảm bớt quá trình giao dịch trực tiếp giữa cán bộ ngành Thuế và Hải quan với người dân và doanh nghiệp, tỷ lệ các thủ tục hành chính qua nền tảng trực tuyến ngày càng tăng.

Theo ông Nguyễn Bắc Hà, cùng với những cải cách mang tính đột phá, công cuộc chuyển đối số trong lĩnh vực thuế và hải quan đã đạt được những cơ sở quan trọng ban đầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn còn ở phía trước, đòi hòi sự vận động chuyển mình liên tục.

“Để thành công trong chuyển đổi số ngành Thuế, Hải quan, yếu tố đóng vai trò quyết định là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và sự vào cuộc của cả hệ thống thuế, hải quan với các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, quy trình quản lý đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, hải quan. Cùng với đó là sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phát triển và sự thành công của chuyển đổi số ngành Thuế, ngành Hải quan”, ông Nguyễn Bắc Hà khuyến nghị.

Phân tích thêm về những kết quả chuyển đổi số của ngành Tài chính, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính lưu ý thêm về vai trò quan trọng của dữ liệu số trong chuyển đổi số của ngành Tài chính. Theo đó, kế hoạch chuyển đổi số hướng tới nền tài chính thông minh được thực hiện trên cơ sở "dữ liệu” là tài nguyên, “nền tảng” là giải pháp đột phá. Đây là những chìa khóa quan trọng cho quá trình xây dựng, hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo huy động nguồn lực cho mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh, xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý và giảm thiểu các rủi ro trong ngành Tài chính nói chung, lĩnh vực thuế, hải quan nói riêng. Vì vậy, ngành Tài chính cần tập trung thể chế hóa việc quản trị, thu thập, kết nối, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu, bảo mật thông tin về thu ngân sách nhà nước; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế, hải quan; tăng cường thực hiện việc trao đổi, kết nối và chuyển đổi số đối với các dữ liệu, chứng từ thuộc hồ sơ thuế, hải quan từ Hệ thống một cửa quốc gia với Hệ thống xử lý dữ liệu chuyên ngành...

Phạm Diệp

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cac-linh-vuc-cua-nganh-tai-chinh-deu-chuyen-minh-manh-me-trong-boi-canh-chuyen-doi-so.html