Các loài ngoại lai xâm hại gây tổn thất kinh tế 423 tỉ đô la mỗi năm

Nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 423 tỉ đô la Mỹ mỗi năm do các loài thực vật và động vật xâm hại. Những loài này gây thiệt hại cho hoạt động nông nghiệp, ngư nghiệp và đời sống hoang dã.

Cóc mía, một trong hơn hơn 3.500 loài ngoại lai xâm hại đang mở rộng khu vực sinh sống ở Úc. Ảnh: AP

Theo báo cáo của Nền tảng chính sách- khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (Ipbes), sinh vật ngoại lai (thực vật và động vật di chuyển khỏi môi trường sống bản địa để đến những nơi mới do hoạt động của con người) đang gây tác động nặng nề kinh tế và môi trường toàn cầu.

Báo cáo trên do 86 nhà khoa học biên soạn trong vòng 4 năm. Theo đó, các loài ngoại lai xâm hại là những loài đã hình thành và lan rộng ở các khu vực mới, gây ra những tác động tiêu cực đến thiên nhiên và con người.

Bằng cách theo chân con người đi trên các tàu chở hàng và máy bay chở khách, các loài ngoại lai xâm hại đã vượt các đại dương, dãy núi và các ranh giới địa lý khác, những nơi mà mà các loài này không thể vượt qua nếu không có sự trợ giúp của con người. Hệ quả là chúng gây ra sự xáo trộn lớn ở hệ thực vật và động vật trên hành tinh cùng những tác động nghiêm trọng đối với con người và hệ sinh thái.

Chẳng hạn, chính quyền bang New York (Mỹ) ước tính, ruồi đèn lồng, có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể gây thiệt hại ít nhất 300 triệu đô mỗi năm, chủ yếu đối với ngành trồng nho nho và sản xuất rượu vang của bang này.

Theo Ipbes, con người đã đưa hơn 37.000 loài động vật, thực vật và vi khuẩn đến môi trường sống mới trên khắp thế giới. Hơn 3.500 trong số đó được phân loại là sinh vật ngoại lai xâm hại. Ước tính, các loại ngoại lai xâm hại gây tổn thất đến 423 tỉ đô la Mỹ hàng năm với thiên nhiên, sức khỏe con người và các hoạt động kinh tế như trồng trọt và đánh bắt cá.

Ipbes lưu ý, các nhà hoạch định chính sách đã không hành động đầy đủ và thích hợp để chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng của các loài ngoại lai. Các nhà khoa học của Ipbes cho biết, tác động kinh tế trị giá 423 tỉ đô la của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại, được tính cho năm 2019 là một ước tính “rất thận trọng”. Kể từ năm 1970, tổn thất do loài ngoài lai xâm hại gây ra, tăng gấp bốn lần sau mỗi thập niên.

Aníbal Pauchard, giáo sư khoa học rừng của Đại học Conception (Chile), đồng tác giả của báo cáo, cho biết các loài ngoại lai xâm hại là nguyên nhận chính gây ra 60% trường hợp tuyệt chủng của động vật và thực vật toàn cầu.

Theo Ipbes, ngay cả môi trường ở Nam Cực cũng bị ảnh hưởng do cỏ mọc từ hạt giống do du khách và các nhà nghiên cứu vô tình mang đến. Ipbes kêu gọi hành động phòng ngừa ở cấp quốc gia và toàn cầu, thông qua tăng cường an toàn sinh học, phát hiện và tiêu diệt các loài mới du nhập trước khi chúng định cư lâu dài.

Loài xâm hại phổ biến nhất là lục bình, có nguồn gốc từ Nam Mỹ và là một trong những loài thực vật phát triển nhanh nhất trong tự nhiên. Lục bình làm làm tắc nghẽn các hồ và sông trên khắp thế giới gây ra những hậu quả tai hại cho hoạt động đánh bắt cá nước ngọt đặc biệt là ở châu Phi.

Đứng thứ hai trong danh sách các loài ngoại lai phổ biến nhất của Ipbes là lantana, một loại cây bụi có hoa từ Trung Mỹ và Nam Mỹ. Ban đầu, lantana được trồng trong vườn làm cây cảnh nhưng hiện nay được coi là một loại cỏ dại xâm hại, đe dọa hoạt động nông nghiệp. Thứ ba là chuột đen, loài đã thoát thoát khỏi tàu hàng và tiêu diệt sạch các loài động vật và chim bản địa không có khả năng tự vệ trên các hòn đảo nằm khắp các đại dương.

“Chúng tôi đang chứng kiến tốc độ gia tăng chưa từng thấy, với 200 loài ngoại lai mới được ghi nhận mỗi năm”, Giáo sư Helen Roy, nhà sinh thái học ở Trung tâm Sinh thái và thủy văn Anh và một đồng tác giả khác của báo cáo nói.

Biện pháp soát sinh học, giới thiệu một loài mới để diệt trừ các loài xâm hại, có thể giúp giảm thiệt hại dù chiến lược này đôi khi phản tác dụng. Một ví dụ là bọ rùa Harlequin, một loài bản địa châu Á được đưa đến Mỹ vào đầu thế kỷ 20 để kiểm soát côn trùng gây hại nhưng giờ đây bọ rùa lại là loài săn mồi hủy diệt các loài bản địa có ích.

Úc đã nỗ lực trong nhiều năm để loại bỏ loài cóc mía nhưng không có kết quả. Cóc mía có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Trung Mỹ, lần đầu tiên được đưa vào bang Queensland của Úc vào năm 1935 để kiểm soát bọ cánh cứng phá hoại cây mía.

Tuy nhiên, loài cóc nhanh chóng sinh sôi nảy nở và mở rộng nơi sinh sống sang các vùng hoang dã trên khắp nước Úc bất chấp các chiến dịch tiêu diệt thường xuyên. Cóc mía là một trong hơn 3.500 loài ngoại lai xâm hại theo đánh giá của Ipbes. Cóc mía có tuyến độc và nòng nọc có độc tính cao đối với hầu hết các loài động vật ăn phải nó. Lớp da độc của nó có thể giết chết nhiều loài động vật, kể cả hoang dã và thuần hóa. Cóc mía đặc biệt nguy hiểm đối với chó.

Roy cho biết, biện pháp kiểm soát sinh học có thể hiệu quả khi được áp dụng dựa trên phân tích và kiểm soát rủi ro nghiêm ngặt. Trên hòn đảo St Helena ở Đại Tây Dương, loài bọ jacaranda ngoại lai đã tàn phá cây bạch đàn bản địa cho đến khi một loài bọ rùa khác được đưa vào để kiểm soát nó.

“Con bọ rùa nhỏ đó đã cứu cây bạch đàn trên hòn đảo này khỏi nguy cơ tuyệt chủng”, Roy nói.

Theo Financial Times, CNBC

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-loai-ngoai-lai-xam-hai-gay-ton-that-kinh-te-423-ti-do-la-moi-nam/