Các ngân hàng ĐNA cần cải cách cơ cấu để vượt qua khó khăn do COVID-19

Các ngân hàng có thể tăng cường tìm kiếm các nguồn thu nhập khác hoặc mở rộng hoạt động tại thị trường nước ngoài trong khi tiếp tục thực hiện quá trình kỹ thuật số hóa.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tech in Asia)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tech in Asia)

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đánh giá lợi nhuận của các ngân hàng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ sụt giảm trong một vài năm tới, khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát buộc những ngân hàng này phải có sự thay đổi về cơ cấu hoạt động.

Theo nhà phân tích Rebaca Tan của Moody's, lãi suất dài hạn giảm, chi phí đi vay và chi phí hoạt động tăng, tình trạng dân số già hóa ở một số nước sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận của các ngân hàng ở khu vực này trong những năm tới.

Chuyên gia Rebacca Tan cho rằng phần lớn những xu hướng trên diễn ra nhanh hơn do sự bùng phát của dịch COVID-19. Trong khi những ngân hàng ở châu Á-Thái Bình Dương đều phải đối mặt với xu hướng tăng cường thay đổi mô hình hoạt động nhằm ứng phó những thách thức trên, cơ chế trì trệ sẽ là một bất lợi lớn đối với họ

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đã giảm ở 12 trong số 17 hệ thống ngân hàng trong giai đoạn 2014-2019 và có thể vẫn ở mức yếu ít nhất là trong giai đoạn 2020-2021.

Trong khi đó, sức ép giảm phát do nhu cầu nói chung sụt giảm và giá dầu thấp sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài, dẫn tới sự sụt giảm thu nhập từ tiền lãi cho vay và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giảm xuống mức chỉ có thể bù đắp một phần bằng việc giảm chi phí huy động vốn.

Một yếu tố khác tác động bất lợi tới lợi nhuận là chi phí đi vay có thể tăng khi chất lượng tài sản giảm, trong khi sự chuyển đổi ngày càng nhanh sang các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số sẽ làm tăng chi phí hoạt động.

Để giảm sự phụ thuộc vào NIM từ các thị trường trong nước, các ngân hàng sẽ tăng cường tìm kiếm các nguồn thu nhập khác hoặc mở rộng hoạt động tại thị trường nước ngoài trong khi tiếp tục thực hiện quá trình kỹ thuật số hóa.

Tuy vậy, những giải pháp này đều có những thách thức riêng, nhất là đối với các ngân hàng "lạc hậu" thiếu tầm nhìn hoặc tài nguyên để cải cách mô hình hoạt động.

Khoảng cách giữa các ngân hàng lớn với chính sách hoạt động linh hoạt và các ngân hàng "lạc hậu" trong khả năng ứng phó những thách thức đối với lợi nhuận có nghĩa các ngân hàng lớn sẽ nâng cao sức cạnh tranh nhiều hơn so với các ngân hàng "lạc hậu". Về dài hạn, các ngân hàng "lạc hậu" không thể thay đổi mô hình kinh doanh sẽ trở thành mục tiêu của những thương vụ mua bán, sáp nhập để có thể tồn tại./.

Anh Quân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-ngan-hang-dna-can-cai-cach-co-cau-de-vuot-qua-kho-khan-do-covid19/654253.vnp