Các ngân hàng Trung Quốc căng thẳng vì nợ xấu bất động sản

Nhiều ngân hàng ở Trung Quốc cân nhắc hạ mục tiêu lợi nhuận trong năm 2024 và sa thải nhân viên để ứng phó với tình hình kinh doanh khó khăn, với các khoản nợ xấu bất động sản đang phình to.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và 10 ngân hàng lớn khác của Trung Quốc thể phải trích lập dự phòng thua lỗ tín dụng 89 tỉ đô la Mỹ vào năm tới để xử lý nợ xấu bất động sản, theo ước tính của Bloomberg Intelligence. Ảnh: Getty

11 ngân hàng lớn có thể dự phòng 89 tỉ đô la cho nợ xấu bất động sản

Việc chính phủ Trung Quốc thúc ép các ngân hàng hỗ trợ các công ty bất động sản đang chồng chất thêm những khó khăn cho một ngành có trị giá 57.000 tỉ đô la Mỹ. Vốn đã chịu áp lực bởi các khoản nợ xấu tăng vọt và tỷ suất lợi nhuận ròng thấp kỷ lục, các ngân hàng quốc doanh như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) có thể sớm được Bắc Kinh yêu cầu cung cấp các khoản vay không có bảo đảm cho các nhà phát triển bất động sản, với một số đã vỡ nợ hoặc đang bấp bênh trên bờ vực.

ICBC và 10 ngân hàng lớn khác có thể phải trích lập dự phòng thua lỗ tín dụng 89 tỉ đô la Mỹ vào năm tới để xử lý nợ xấu bất động sản. Con số này tương đương 21% lợi nhuận dự kiến của họ trong năm 2024, theo ước tính của Bloomberg Intelligence.

“Chính phủ không thể chỉ yêu cầu các ngân hàng hành động mà không đưa ra giải pháp cho vấn đề của họ. Lợi nhuận của họ nhìn bề ngoài vẫn có vẻ tốt, nhưng nếu phân tích sâu hơn về tài sản và các khoản nợ xấu của họ, mọi thứ sẽ không còn tốt đẹp dài hạn”, Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co, có trụ sở tại Bắc Kinh, nói.

Các ngân hàng Trung Quốc bị mắc kẹt giữa giữa việc thực hiện “nghĩa vụ quốc gia” bằng cách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và các chính quyền địa phương đang gặp khó khăn, và nghĩa vụ điều hành hoạt động kinh doanh lành mạnh. Tăng lợi nhuận gần như đã trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với một số ngân hàng.

Tuần trước, Bắc Kinh đốc thúc các ngân hàng tăng cường cho vay để đảo ngược cuộc khủng hoảng bất động sản, Các cơ quan quản lý đang soạn thảo một danh sách 50 nhà phát triển đủ điều kiện nhận hỗ trợ của ngân hàng, đồng thời cân nhắc kế hoạch cho phép các ngân hàng cho các nhà phát triển vay tiền mà không yêu cầu tài sản thế chấp.

Gần đây, Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ các chính quyền địa phương đảo nợ những điều kiện có lợi nhằm ngăn chặn khủng hoảng nợ ở khu vực này.

Hồi đầu tuần này, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ thúc ép các ngân hàng hạ lãi suất vì lo ngại rằng giảm phát đã đẩy chi phí đi vay lên cao.

Nhu cầu vay suy yếu đã ảnh hướng đến khả năng kiếm lợi nhuận của các ngân hàng. Dữ liệu cho thấy, biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,73% tính đến tháng 9. Trong khi đó, nợ xấu của họ đạt mức cao mới và chuỗi tăng trưởng doanh thu kể từ năm 2017 của một số ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có thể bị phá vỡ trong năm nay.

Cổ phiếu của bốn ngân hàng quốc doanh bao gồm ICBC đang giao dịch ở mức định giá thấp kỷ lục, tương đương 0,3 lần giá trị sổ sách ở thị trường chứng khoán Hồng Kông.

Cân nhắc hạ mục tiêu kinh doanh, sa thải nhân viên

Hàng chục lãnh đạo ngân hàng Trung Quốc giấu tên nói rằng họ đang cân nhắc việc hạ thấp mục tiêu kinh doanh và cắt giảm việc làm để ứng phó với triển vọng kinh doanh khó khăn.

Một lãnh đạo của một ngân hàng thương mại cho biết sẽ đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn cho năm tài chính sắp tới, với lý do gặp khó khăn trong việc tăng quy mô cho vay và doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt đối với ngân hàng lớn hơn. Các nguồn tin cho biết một số ngân hàng nhỏ quyết định cắt giảm việc làm, trong đó, có một ngân hàng lên kế hoạch cắt giảm 50% trong số 400 vị trí tại bộ phận cho vay trong năm nay.

Một chi nhánh của một ngân hàng lớn cảnh báo nhân viên bộ phận cho vay phải chuẩn bị cho một năm đầy thử thách phía trước. Chi nhánh này yêu cầu họ ngủ tại văn phòng vào ngày làm việc cuối cùng của năm 2023 để có thể xử lý các khoản vay mới sớm nhất có thể khi bắt đầu năm mới.

Không giống như hầu hết các ngân hàng phương Tây, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc chịu sự chỉ đạo của chính phủ về mức cho vay và cho vay đối với lĩnh vực nào, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế suy yếu. Ngoài các văn bản chỉ đạo công khai, giới chức trách cũng thường triệu tập lãnh đạo của các ngân hàng tham gia các cuộc họp bất ngờ để đưa ra chỉ thị bằng lời nói nhằm thúc đẩy họ cho vay đối với những lĩnh vực mà họ mong muốn hoặc hạn chế một số hoạt động cho vay nhất định.

Các lãnh đạo ngân hàng ở Trung Quốc tiết lộ, trong năm nay, những cuộc họp với các chỉ đạo miệng này trở nên thường xuyên hơn và đôi khi mâu thuẫn. Họ cho biết, họ có nguy cơ bị PBoC triệu tập nếu không đạt được mục tiêu cho vay hoặc bị Cơ quan Quản lý tài chính quốc gia xử phạt vì cho vay quá mạnh tay.

Giới chức trách đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ các ngân hàng, cho phép họ cắt giảm lãi suất tiền gửi ba lần trong năm qua để giảm bớt áp lực biên lợi nhuận suy giảm, đồng thời cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc hai lần trong năm nay để tăng nguồn lực cho vay.

Theo Fitch Ratings, những thay đổi đó không đủ để bù đắp cho việc cắt giảm lãi suất cho vay và ngăn chặn tình trạng biên lợi nhuận suy giảm. Bloomberg Intelligence dự báo biên lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc sẽ siết chặt hơn trong năm 2024, gây áp lực lên thu nhập.

Sẽ không cứu bất động sản bằng mọi giá

Ngân hàng Goldman Sachs nhận định việc Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng tăng cường tài trợ cho các nhà xây dựng có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu của họ trong lĩnh vực này tăng thêm 21 điểm cơ bản.

Tuy nhiên, các ngân hàng khu vực của Trung Quốc sẽ đối mặt rủi ro cao nhất. S&P Global Ratings cảnh báo trong một báo cáo gần đây rằng những ngân hàng này có thể hụt vốn lên tới 2,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (301 tỉ đô la) do cuộc khủng hoảng nợ của các chính quyền thành phố.

Hỗ trợ cho vay bất động sản có thể rủi ro đến mức một số nhà phân tích cho rằng các ngân hàng Trung Quốc có thể “án binh bất động” giống như họ đã làm trong năm nay. Bất chấp những lời kêu gọi cho vay nhiều hơn của chính phủ từ cuối năm ngoái, dự nợ cho vay của các ngân hàng dành cho các công ty bất động sản trong quí 3 giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên suy giảm.

Các nguồn tin cho biết, để xoa dịu lo ngại, các cơ quan quản lý có thể miễn trách nhiệm cho các lãnh đạo ngân hàng đối với các khoản nợ xấu do rủi ro cao liên quan.

“Chính phủ không muốn thấy sự biến động mạnh trong hoạt động của các ngân hàng lớn và khó có khả năng các ngân hàng được yêu cầu cứu lĩnh vực bất động sản hoặc các cơ quan tài chính địa phương bằng bất cứ giá nào. Xét cho cùng, các ngân hàng lớn đều thuộc sở hữu của chính quyền trung ương và họ là nguồn thu nhập tài chính quan trọng”, Vivian Xue, giám đốc phụ trách các tổ chức tài chính của Fitch Ratings, bình luận.

Các nhà hoạch định chính sách cũng cần tính đến lợi nhuận của cổ đông vì khoảng 30% lợi nhuận của các ngân hàng nhà nước được chuyển vào kho bạc nhà nước. Nếu nợ xấu tăng cao, các ngân hàng sẽ phải trích lập thêm dự phòng, giảm mục tiêu lợi nhuận và hạn chế khả năng phục vụ nền kinh tế.

“Đây sẽ là một vấn đề đau đầu đối với các nhà quản lý. Họ cần đảm bảo rằng các ngân hàng không rơi vào tình trạng suy giảm đáng kể lợi nhuận, có thể ảnh hưởng đến việc chi trả cho các cổ đông nhà nước”, Francis Chan, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, nói.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-ngan-hang-trung-quoc-cang-thang-vi-no-xau-bat-dong-san/