Các nghị sỹ Mỹ đạt được thỏa thuận về 12 dự luật chi tiêu chính phủ

Quốc hội Mỹ cuối cùng sẽ phải thông qua 12 dự luật để tài trợ cho chính phủ và ngăn chặn việc đóng cửa một phần các cơ quan liên bang có thể sẽ bắt đầu vào ngày 1/3.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các nhà đàm phán tại Quốc hội Mỹ đã đạt được thỏa thuận về mức chi tiêu trong 12 dự luật cần các nhà lập pháp thông qua để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa vào đầu tháng 3/2024.

Thỏa thuận này là bước tiếp theo cần thiết sau khi Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và Lãnh đạo đa số Thượng viện đảng Dân chủ Chuck Schumer đồng ý hồi đầu năm về gói chi tiêu tùy ý trị giá 1.590 tỷ USD cho năm tài chính bắt đầu vào ngày 1/10/2024.

Quốc hội cuối cùng sẽ phải thông qua 12 dự luật để tài trợ cho chính phủ và ngăn chặn việc đóng cửa một phần các cơ quan liên bang có thể sẽ bắt đầu vào ngày 1/3.

Trước đó, Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 1/2024 đã thông qua dự luật tài trợ tạm thời thứ ba để giữ cho chính phủ liên bang hoạt động thông qua hai thời hạn là ngày 1/3 và ngày 8/3.

Nghị sỹ đảng Cộng hòa Dave Joyce, chủ tịch Tiểu ban ngân sách về An ninh Nội địa tại Hạ viện cho biết các bên sẽ tập trung vào việc đàm phán cho đến khi mọi việc hoàn tất.

Một nghị sỹ khác thuộc đảng Cộng hòa, ông Mario Diaz-Balart, chủ tịch Tiểu ban phân bổ ngân sách về Nhà nước, hoạt động đối ngoại và các chương trình liên quan tại Hạ viện, cho biết các bên không có nhiều thời gian trong khi còn rất nhiều vấn đề gây tranh cãi.Khoản nợ quốc gia trị giá 34.400 tỷ USD của Mỹ đang nhanh chóng gia tăng và gây ra nhiều lo lắng, một phần vì các khoản thanh toán lãi rất lớn hiện do Bộ Tài chính gánh chịu.

Quốc hội Mỹ hiện không còn nhiều thời gian để thông qua ngân sách liên bang khi hạn chót đang tới gần, nhất là trong bối cảnh một số cơ quan trong chính phủ đang cạn kiệt nguồn tài chính.

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý 4/2023 trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh và bất chấp những dự đoán về suy thoái kinh tế vào năm 2023 sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.

GDP trong quý vừa qua đã tăng với tốc độ 3,3% còn mức tăng trưởng cả năm 2023 đạt 2,5%.

Số liệu này cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ ấn tượng hơn nhiều so với ước tính 2% của thị trường tài chính Phố Wall và các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters.

So với tốc độ tăng trưởng 1,9% trong năm 2022, đây là kết quả thật sự ấn tượng khi kinh tế Mỹ vẫn đang cố gắng thoát hoàn toàn khỏi “bóng ma” đại dịch COVID-19.

Mức tăng trưởng của Mỹ đã phản ánh khả năng phục hồi thị trường lao động, với tỷ lệ sa thải thấp và mức tăng lương mạnh, qua đó thúc đẩy sức chi tiêu của người tiêu dùng.

Điều này đi ngược với dự báo của các quan chức và một số nhà kinh tế về một cuộc suy thoái kể từ giữa năm 2022.

Giới chuyên gia đánh giá động lực tăng trưởng kinh tế quý vừa qua tới từ khu vực chi tiêu tiêu dùng, khi người dân Mỹ tăng mạnh chi tiêu hộ gia đình vào mùa mua sắm cuối năm.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 2,8% trong quý này. Chi tiêu chính quyền bang và địa phương góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng 3,7%.

Người tiêu dùng mua hàng trong siêu thị tại Foster City, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng đầu tư của khu vực tư nhân nội địa trong 3 tháng cuối năm 2023 tăng 2,1%, trở thành một yếu tố quan trọng nữa giúp kinh tế Mỹ có kết quả ấn tượng khi kết thúc năm.

Theo một cuộc thăm dò các nhà kinh tế do Hiệp hội kinh tế thương mại quốc gia (NABE) thực hiện, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm tới.

Khoảng 91% số người tham gia cuộc khảo sát mới nhất của NABE, được công bố ngày 22/1, cho rằng xác suất Mỹ bước vào suy thoái trong 12 tháng tới là 50% hoặc ít hơn.

Số liệu này khác xa so với quan điểm một năm trước trong bối cảnh phần lớn các nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất để đối phó với lạm phát cao.

Tâm lý lạc quan của các nhà kinh tế được thể hiện trong khảo sát tương ứng với các số liệu kinh tế công bố gần đây, trong đó có thước đo niềm tin người tiêu dùng đã tăng lên mức cao nhất trong hai năm rưỡi.

Ngoài ra, lạm phát đã giảm nhanh hơn dự kiến và thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng không giảm quá nhanh.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đánh tín hiệu rằng họ có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, nếu lạm phát tiếp tục giảm.

Fed đã duy trì mức lãi suất trong phạm vi 5,25-5,5% kể từ tháng 7/2023.

Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của NABE dự đoán doanh thu và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng trong năm nay, đồng thời cho biết những vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đang giảm bớt, đây có thể là thông tin tích cực cho triển vọng lạm phát.

Khoảng 63% số người được hỏi trong cuộc khảo sát mới nhất cho biết không có tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.

Tỷ lệ này tăng so với mức 46% của ba tháng trước đó và chỉ có hơn 50% số người được hỏi cho biết không thiếu lao động, tăng so với mức 38% trước đó.

NABE cho biết cả hai vấn đề trên đều trong trạng thái tốt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Theo cuộc khảo sát với 57 thành viên NABE, được thực hiện từ ngày 28/12 đến ngày 9/1, lãi suất cao hơn, bất ổn địa chính trị gia tăng và chi phí cao hơn là những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh doanh trong năm mới.

Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 là 2,3%.

Trong khi đó, Citigroup đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ chỉ ở mức 1,1%.

Lý giải cho những dự đoán trên, các ngân hàng cho rằng kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất trong năm 2024 là cơ sở để dự báo khởi sắc hơn cho kinh tế Mỹ.

Cùng với đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ tác động tích cực đến những tài sản có nhiều rủi ro hơn như đồng USD, cổ phiếu và trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu Conference Board, sau vài năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tình hình kinh tế Mỹ sẽ dần ổn định trở lại trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Lạm phát đang ở mức vừa phải, lãi suất tăng nhưng ổn định, điều kiện thị trường lao động đang hạ nhiệt và chi tiêu tiêu dùng có dấu hiệu giảm tốc.

Trong những tháng gần đây, mặc dù có nhiều đánh giá về triển vọng phục hồi, Conference Board vẫn cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt những biến động mới vào đầu năm 2024.

Triển vọng kinh tế Mỹ năm nay chịu chi phối từ nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát và lãi suất cao, tiền tiết kiệm phân tán sau đại dịch, nợ tiêu dùng gia tăng và việc khôi phục các khoản vay bắt buộc dành cho sinh viên.

Conference Board dự báo GDP thực tế của Mỹ sẽ giảm xuống 0,9% năm 2024.

Sau đó, nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt gần 1,7%.

Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng đáng kể trong năm 2023 bất chấp lạm phát tăng cao và lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, xu hướng này khó có thể duy trì trong dài hạn.

Tăng trưởng thu nhập cá nhân khả dụng thực tế đang gặp nhiều trở ngại, trong khi các khoản tiền tiết kiệm được trong đại dịch đang giảm dần và nợ hộ gia đình ngày càng tăng.

Ngoài ra, các yêu cầu hoàn trả khoản vay sinh viên mới đang bắt đầu gây ra những gánh nặng lên tiêu dùng. Vì vậy, Conference Board dự báo tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng nói chung tại Mỹ sẽ chậm lại từ cuối năm 2023 rồi giảm dần trong quý 1-2/2024.

Khi lạm phát và lãi suất giảm vào cuối năm 2024, Conference Board kỳ vọng tiêu dùng sẽ bắt đầu tăng trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-nghi-sy-my-dat-duoc-thoa-thuan-ve-12-du-luat-chi-tieu-chinh-phu-post923734.vnp