Các nguyên nhân gây viêm da dị ứng

Với tình hình khói bụi, ô nhiễm môi trường, hóa chất và cả những diễn tiến thất thường của thời tiết, số người bị viêm da dự ứng ngày càng nhiều, có thể bắt gặp được ở mọi lứa tuổi. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Hà Thị Quế, Trưởng khoa Da liễu và Phòng chống mù lòa, Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh này.

Kiểm tra bệnh về da cho bệnh nhân tại Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh.

Kiểm tra bệnh về da cho bệnh nhân tại Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh dị ứng ngoài da?

+ Dị ứng là hiện tượng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng chống lại những chất lạ xâm nhập vào cơ thể (hay nói cách khác là phản ứng không thích hợp của hệ thống miễn dịch với những chất bình thường). Khi làn da bị dị ứng các tác nhân từ bên ngoài vào, nó kích hoạt quá mức các dưỡng bào (Tế bào mast) giải phóng ra histamine và các chất trung gian hóa học, dẫn đến phản ứng. Chính điều này gây ra hiện tượng dị ứng như nổi mẩn ngứa, phát ban, thậm chí khó thở, tiêu chảy… Viêm da dị ứng có 2 loại:

- Viêm da tiếp xúc kích ứng: Là biểu hiện của phản ứng trên da đối với các tác nhân bên ngoài như các chất tẩy rửa, bụi do môi trường ô nhiễm, phấn hoa, mốc, lông thú, côn trùng hay dị ứng do thời tiết mưa, lạnh hay nóng (dị nguyên)... Một số trường hợp dị ứng với mỹ phẩm, hóa chất, sơn, thuốc trừ sâu….

- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Đó là tình trạng viêm da mãn tính, thường do tiếp xúc nhiều lần với các chất gây dị ứng và các điều kiện thuận lợi khi da có tình trạng tổn thương và dễ dị ứng.

- Khi bị dị ứng ngoài da thường có dấu hiệu gì, thưa bác sĩ?

+ Tùy thuộc vào tính chất cũng như mức ảnh hưởng của tác nhân xâm nhập vào cơ thể mà chia viêm da dị ứng làm hai mức độ: Cấp tính và mãn tính, cụ thể:

Nổi mẩn đỏ trên da là biểu hiện đặc trưng khá rõ của viêm da dị ứng.

- Cấp tính: Thường da có tình trạng châm chích, rát bỏng, ngứa, da đỏ, phù nề, mụn nước, bọng nước và tổn thương có tính chất khu trú.

- Mãn tính: Da thường khô, bong vảy, nứt nẻ, ngứa, tổn thương có tính chất lan rộng.

- Vậy bệnh có điều trị dứt điểm được không, thưa bác sĩ?

+ Để điều trị viêm da dị ứng, trước hết phải tìm nguyên nhân chính xác gây bệnh. Các bác sĩ khai thác bệnh sử và khám xét kỹ lưỡng; có thể sẽ chỉ định làm một số test đặc thù. Trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị cụ thể cho bệnh nhân như: Giảm tối thiểu tiếp xúc với dị nguyên đặc hiệu trong môi trường; dùng thuốc giảm các triệu chứng dị ứng và giảm viêm mạn tính; điều trị giải mẫn cảm.

Rất khó điều trị dứt điểm cho bệnh nhân viêm da dị ứng vì có thể tái phát khi người bệnh tiếp xúc lại với dị nguyên do đặc thù công việc, nơi ở, khí hậu... Bởi vậy, để phòng dị ứng, đối với trường hợp dễ bị mẫn cảm hoặc có tiền sử dị ứng với một số kích thích gây đợt dị ứng cấp thì cần hạn chế tiếp xúc, sử dụng; mang đủ trang thiết bị bảo hộ lao động khi phải tiếp xúc với hóa chất, sơn, dầu, thuốc trừ sâu diệt cỏ. Khi dùng mỹ phẩm, nước hoa nên dùng thử tại vùng da nhạy cảm trước để đề phòng dị ứng tiếp xúc có thể xảy ra. Điều trị tốt các bệnh mãn tính và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

- Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201908/cac-nguyen-nhan-gay-viem-da-di-ung-2452399/