Các nhà bán lẻ Mỹ học tập mô hình kinh doanh của Alibaba

Trải qua 140 năm kinh doanh, công ty Kroger có trụ sở tại Cincinnati đang tăng tốc đẩy mạnh lĩnh vực bán lẻ kỹ thuật số trong thời kỳ đại dịch.

Biểu tượng của công ty Kroger. Ảnh: Reuters

Biểu tượng của công ty Kroger. Ảnh: Reuters

Kroger đã áp dụng chiến lược đa kênh, kết hợp bán hàng theo hình thức truyền thống với các đơn đặt hàng trực tuyến và dịch vụ logistics.

Đây là một khái niệm bắt nguồn từ Trung Quốc vào năm 2016, khi Jack Ma- người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba- đặt ra thuật ngữ “bán lẻ mới” và tiến hành mở 300 siêu thị công nghệ cao mang thương hiệu Freshippo tại 27 thành phố của Trung Quốc.

Michael Zakkour, người sáng lập công ty tư vấn bán lẻ và thương mại kỹ thuật số 5 New Digital ở New York (Mỹ), cho biết mô hình “bán lẻ mới” này đã được “copy lại” từ các doanh nghiệp ở Trung Quốc và các nhà bán lẻ lớn của Mỹ như Kroger, Target và Walmart đã áp dụng nó. Họ đã xem xét mô hình “bán lẻ mới” ra đời ở Trung Quốc để tích hợp hoàn toàn các kênh bán hàng ngoại tuyến và trực tuyến, giao hàng trong ngày, nhà hàng tại cửa hàng, bán hàng dựa trên ứng dụng và mã QR đều là những điểm sáng trong mô hình đó và tất cả đều bắt nguồn từ Trung Quốc”.

Lúc đầu, ngành kinh doanh bán lẻ thực phẩm bị phân mảng và cạnh tranh cao của Mỹ đã chậm trong việc bắt kịp xu hướng này. Tuy nhiên, ngay từ khi Amazon mua Whole Foods Market vào năm 2017 và bắt đầu giới thiệu một số công nghệ tiên tiến để hợp lý hóa việc mua sắm tại cửa hàng, một sự thay đổi cũng lan sang các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target.

Yael Cosset, Phó chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc thông tin của Kroger, người đang dẫn đầu các sáng kiến công nghệ và kỹ thuật số của công ty, cho biết: “Bạn không thể là một người bán hàng tạp hóa của những năm 1990. Bạn phải can đảm, phá vỡ lối mòn và nhanh chóng thích ứng với điều kiện mới”. Khi nhìn vào Alibaba, ông Cosset cho biết, tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc “đã làm một điều tuyệt vời trong việc tái tạo lại mô hình bán lẻ, một sự hội tụ của thương mại điện tử trong thế giới trực tuyến và ngoại tuyến”.

Ông Cosset đã và đang đi đầu trong việc giới thiệu trải nghiệm mua sắm đa kênh. Hệ thống bán lẻ mới của Kroger đang kết hợp giữa mua sắm, thương mại điện tử và logistics: các trung tâm đóng gói hàng hóa tự động; xe tải giao hàng trong ngày cho các hộ gia đình; phân tích dữ liệu cung cấp thông tin sớm về xu hướng của khách hàng; ứng dụng di động cung cấp cho khách hàng các chương trình khuyến mãi và phiếu giảm giá; mã QR xử lý thanh toán trực tuyến…

Ông Zakkour cho biết: “Khi bạn nhìn vào lĩnh vực bán lẻ, có hai yếu tố thúc đẩy chính, thứ nhất là công nghệ và khoa học dữ liệu, và thứ hai là logistics và chuỗi cung ứng. Bài học mà các nhà bán lẻ Mỹ đang học là hoạt động của họ có thể hiệu quả hơn với tỷ suất lợi nhuận cao hơn khi bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử được kết hợp hài hòa”.

Ông Zakkour đã ghi nhận Kroger là một trong những nhà bán lẻ tiến bộ của Mỹ trong việc triển khai phương pháp tiếp cận đa kênh này. Các đối thủ cạnh tranh của Kroger là Walmart và Target đang chi mạnh tay để phát triển mô hình này, ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, với công nghệ là trọng tâm trong số các khoản đầu tư.

Hoạt động mua sắm kỹ thuật số bùng nổ trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, do khách hàng ưa chuộng thương mại điện tử, dùng bữa tại nhà và các đồ ăn chuẩn bị sẵn. Hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của Kroger đạt quy mô hơn 10 tỷ USD vào năm 2020 và đã tăng 113% trong hai năm qua. Dựa trên đà này, Kroger đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu từ kinh doanh kỹ thuật số vào cuối năm 2023. Doanh thu bán hàng kỹ thuật số của Kroger đã tăng 8% trong quý II/2022, trong khi doanh thu của các cửa hàng truyền thống và cả bán hàng trực tuyến chỉ tăng 5,8% so với một năm trước đó.

Theo sáng kiến Restock Kroger được đưa ra cách đây 5 năm, nhà bán lẻ này đã kết hợp trải nghiệm bán hàng truyền thống và kỹ thuật số, một chiến lược đòi hỏi đầu tư lớn và dài hạn vào quản lý hệ thống người máy (robot) và chuỗi cung ứng, cũng như phân tích dữ liệu để hiểu và dự đoán thói quen của khách hàng.

Hilding Anderson, người đứng đầu chiến lược bán lẻ khu vực Bắc Mỹ tại Publicis Sapient, cho biết: “Các cửa hàng bán lẻ của Mỹ đã đi sau Anh, Pháp và Đức trong lịch sử. Người tiêu dùng quá chậm và các cửa hàng thì chỉ tập trung vào sự sống còn. Phải trải qua đại dịch COVID-19 để Mỹ bắt kịp xu hướng bán lẻ mới”./.

Minh Trang (Theo CNBC)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nha-ban-le-my-hoc-tap-mo-hinh-kinh-doanh-cua-alibaba/262000.html