Các nhà đàm phán Hiệp định Paris kêu gọi bảo vệ đa dạng sinh học

Các nhà đàm phán Hiệp định Paris kêu gọi các quốc gia tham dự COP15 nỗ lực hợp tác để đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ và một khuôn khổ đa dạng sinh học 'có tầm ảnh hưởng lớn' nhằm bảo vệ thiên nhiên.

Các loài động vật tại một rạn san hô ở khu bảo tồn hải dương tại Fiji. (Nguồn: coral.org)

Các loài động vật tại một rạn san hô ở khu bảo tồn hải dương tại Fiji. (Nguồn: coral.org)

Ngày 16/11, các nhà đàm phán xây dựng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã kêu gọi đạt được một thỏa thuận tham vọng về bảo vệ thiên nhiên tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) vòng 2, dự kiến diễn ra tại Montreal (Canada) vào tháng tới.

Hội nghị COP15 vòng 2 về đa dạng sinh học dự kiến quy tụ đại diện của hàng chục quốc gia trên thế giới, được kỳ vọng sẽ xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 nhằm bảo vệ bảo vệ các loài động, thực vật trước nguy cơ bị tuyệt chủng hàng loạt.

Trước đó, COP15 vòng 1 được tổ chức vào năm ngoái tại Côn Minh, Trung Quốc. Theo giới phân tích, các bên tham gia COP15 đến nay mới chỉ nhất trí được về 2 trong số 22 mục tiêu trong khuôn khổ đa dạng sinh học này.

Trong một bức thư ngỏ, các nhà đàm phán Hiệp định Paris kêu gọi các quốc gia tham dự hội nghị COP15 về đa dạng sinh học sắp tới nỗ lực hợp tác để đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ và một khuôn khổ đa dạng sinh học "có tầm ảnh hưởng lớn" nhằm bảo vệ thiên nhiên đến năm 2030.

Bức thư nhấn mạnh hội nghị này là "cơ hội chưa từng có" để thế giới đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, do đó các bên tham gia không nên bỏ lỡ và cần đưa ra một quyết định táo bạo.

Bức thư ngỏ này được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.

Bức thư đã nhận được chữ ký của nhiều quan chức từng tham gia xây dựng dự thảo thỏa thuận Paris, trong đó có cựu Thư ký điều hành Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) Christiana Figueres và đặc phái viên khí hậu của Pháp Laurence Tubiana.

Ngày 16/11 đã được chỉ định là "Ngày Đa dạng sinh học" tại COP27, với chương trình nghị sự tập trung vào các biện pháp tăng cường bảo vệ thiên nhiên.

Văn bản dự thảo khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 bao gồm cam kết dành ít nhất 30% diện tích đất và đại dương trên toàn cầu làm khu bảo tồn đến cuối thập kỷ này, cũng như cắt giảm ô nhiễm từ nhựa và các hoạt động nông nghiệp./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cac-nha-dam-phan-hiep-dinh-paris-keu-goi-bao-ve-da-dang-sinh-hoc/829470.vnp