Các nhà khoa học dùng vệ tinh vũ trụ để theo dõi cá voi mắc cạn

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan nghiên cứu Nam Cực Anh đang phát triển công nghệ để theo dõi những vụ mắc cạn của cá voi bằng vệ tinh từ vũ trụ.

Theo BBC, công nghệ này được cho là sẽ giúp các tổ chức bảo vệ môi trường phát hiện sớm hơn tình trạng mắc kẹt của cá voi để giải cứu kịp thời.

Trước đó, Cơ quan nghiên cứu Nam Cực của Anh và các tổ chức bảo vệ môi trường Chile đã cùng thực hiện nghiên cứu nhằm điều tra những gì xảy ra vào năm 2015 khi 343 con cá voi sei mắc cạn và chết ở bờ biển nước này.

Từ các bức ảnh vệ tinh với độ phân giải cao chụp khu vực này vào thời điểm xảy ra sự việc, các nhà nghiên cứu xác định số cá voi mắc cạn và chết trên thực tế lớn hơn nhiều, có thể gần gấp đôi con số 343.

Xác con cá voi mắc cạn (màu da cam) được thể hiện rõ trên hình ảnh chụp từ vệ tinh. Ảnh: BBC.

Giải thích cho sự khác biệt này, các nhà khoa học cho rằng việc xác định số cá voi mắc cạn truyền thống được thực hiện bằng mắt thường, thông qua tàu thủy và máy bay, vẫn có khả năng không bao quát hết được con số thực tế.

Thêm vào đó, công tác thống kê thường được thực hiện sau khi những con cá voi đã mắc cạn một thời gian và dẫn đến kết quả khác đi, vì nhiều xác có có thể đã trôi ngược ra biển.

Mặc dù cá voi là động vật cỡ lớn, không dễ để nhìn thấy một vật thể từ cách xa hàng trăm km trên vũ trụ, nhưng nhóm nghiên cứu quốc tế tin rằng việc các vệ tinh ngày càng tiên tiến sẽ giúp nhiệm vụ này khả thi.

"Công nghệ đang tiến bộ từng ngày", ông Carlos Olavarria từ Trung tâm nghiên cứu Nâng cao ở Arid Zones (CEAZA), La Serena, Chile, cho biết.

"Trong nghiên cứu này, chúng tôi hình ảnh có độ phân giải 50 cm (mỗi điểm ảnh tương đương diện tích mặt đất 50x50 cm), nhưng các vệ tinh hiện tại có thể nhìn với độ phân giải 30 cm. Trong tương lai, chúng tôi cũng muốn có thể phân tích các hình ảnh một cách tự động, thay vì thủ công", ông Olavarria chia sẻ với BBC.

Việc theo dõi cá voi mắc cạn bằng ảnh vệ tinh sẽ giúp các nhà khoa học đến hiện trường nhanh hơn và qua đó xác định nguyên nhân sự việc. Cá voi sei liên tục dạt vào vịnh Penas ở Chile từ năm 2015, và các nhà khoa học muốn hiểu rõ những gì đang diễn ra ngoài khơi.

"Cá voi thường là những kẻ săn mồi hàng đầu và chúng rất quan trọng với hệ sinh thái biển. Nếu chúng bị ảnh hưởng vì bất kỳ hành động nào của con người thì chúng ta cần theo dõi và giảm thiểu tối đa", ông Andrew Baillie, cán bộ phụ trách động vật có vú mắc cạn tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, nhận xét.

Sơn Trần

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cac-nha-khoa-hoc-dung-ve-tinh-vu-tru-de-theo-doi-ca-voi-mac-can-post1003110.html