Các nhà khoa học lên tiếng góp ý về dự án hệ thống thủy lợi 3000 tỷ phía Nam

Ngày 7.9, tại TP Rạch Giá, Bộ NNPTNT phối hợp cùng tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị về Dự án hệ thống thủy lợi (HTTL) Cái Lớn – Cái Bé (giai đoạn 1). Hội nghị đã thu hút hơn 100 nhà quản lý, nhà khoa học về dự nhằm tiếp thu thêm những ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh hơn những tác động cũng như giải pháp khắc phục của dự án đã được Chính phủ phê duyệt.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lục Tùng

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe ThS Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (VQHTLMN); GS.TS Tăng Đức Thắng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trình bày báo cáo tóm tắt Dự án và báo cáo Kết quả nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động của Dự án.

Ông Đỗ Đức Dũng - Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam -báo cáo tóm tắt Dự án. Ảnh: Lục Tùng

Theo VQHTLMN, Dự án nằm trong vùng Bán đảo Cà Mau nơi có 2 vùng sinh thái mặn – ngọt, nhưng lại là vùng trũng thấp, bị tác động thủy triều từ 3 phía: biển Đông, biển Tây và sông Hậu với hệ thống kênh, mương chằng chịt, nhưng lại chưa được đầu tư HTTL, cống kiểm soát nguồn nước một cách căn cơ, đồng bộ. Điều này làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, sản xuất, nhất là trong bối cảnh BĐKH toàn cầu – nước biển dâng.

Hội nghị Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được tổ chức tại TP Rạch Giá ngày 7.9.2018. Ảnh: Lục Tùng

Do đó rất cần đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng Bán đảo Cà Mau, trong đó có Dự án Cái Lớn – Cái Bé.

GS.TS Tăng Đức Thắng – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam trình bày Kết quả nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động của Dự án. Ảnh: Lục Tùng

Sau đó, hội nghị được nghe 12 ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia môi trường, thủy lợi, như: GSTS Đào Xuân Học, GSTS Nguyễn Ngọc Trân, TS Tô Văn Trường, TS Dương Văn Ni, PGS.TS Lê Việt Dũng, PGS.TS Lê Anh Tuấn...

Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết của dự án, bày tỏ những quan ngại về bài toán được - mất giữa công trình cho sản xuất và tính bền vững của môi trường... Tuy nhiên, qua bàn bạc, các đại biểu xét thấy sự cần thiết của Dự án và thống nhất ủng hộ.

“Bất cứ can thiệp nào vào tự nhiên đều có tác động. Vấn đề là cái được nhiều hơn cái mất thì phải ủng hộ. Sau khi bàn thảo, ĐH Cần Thơ thống nhất ủng hộ và đồng hành cùng Dự án”- PGS.TS Lê Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ nhấn mạnh.

Lục Tùng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/cac-nha-khoa-hoc-len-tieng-gop-y-ve-du-an-he-thong-thuy-loi-3000-ty-phia-nam-629670.ldo