Các nhà khoa học Nga tìm cách cứu Trái đất khỏi bị tiểu hành tinh hủy diệt

Theo Journal of Experimental and Theoretical Physics, một nhóm các nhà khoa học Nga ở Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nga (Rosatom) đã phối hợp với 3 nhà khoa học thuộc Viện Vật lý và công nghệ Moskva mô hình hóa những ảnh hưởng của một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào một tiểu hành tinh đe dọa Trái đất. Để làm được điều này, họ tạo ra các tiểu hành tinh thu nhỏ và phá vỡ chúng bằng laser.

- Ảnh: Viện Vật lý và công nghệ Moskva

Khi nghiên cứu việc bảo vệ chống lại một vụ va chạm có thể xảy ra trong trường hợp tiểu hành tinh va vào Trái đất, các nhà khoa học cho rằng chỉ có 2 lựa chọn để tránh một thảm họa: một là làm chệch quỹ đạo của tiểu hành tinh, hai là gây nổ tiểu hành tinh để những mảnh vỡ của nó bị đốt cháy trong bầu khí quyển của Trái đất. Các tác giả của công trình nghiên cứu chọn phương án thứ 2 khi mô hình hóa các ảnh hưởng của sóng hạt nhân mạnh thoát ra trên bề mặt của tiểu hành tinh.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng một xung laser ngắn hướng vào một bản sao thu nhỏ của tiểu hành tinh, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tương tự như vụ nổ hạt nhân trên tiểu hành tinh, sự phân bố nhiệt và áp lực của một vụ nổ thực tỷ lệ thuận với những kết quả thử nghiệm.

Đặc biệt là để tiến hành các thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một công nghệ để chế tạo mô hình tiểu hành tinh với thành phần gồm đá thiên thạch – thành phần của 90% các thiên thể đã từng rơi vào bầu khí quyển của Trái đất. Các tính chất của mô hình tiểu hành tinh, bao gồm thành phần hóa học, mật độ, độ xốp và độ cứng, đều đã được điều chỉnh tại thời điểm chế tạo tiểu hành tinh. Trong các thử nghiệm, 3 thiết bị laser cũng được sử dụng: Iskra-5, Luch và Saturn. Tia laser trước tiên được khuếch đại tới một cường độ đã xác định trước và sau đó hướng tới một bản sao của tiểu hành tinh được cố định trong buồng chân không. Trong một vài lần thử nghiệm, tia laser đã tấn công các tiểu hành tinh mô hình trong khoảng thời gian từ 0,5 đến 30 nano giây.

Để đánh giá những tiêu chí phá hủy các tiểu hành tinh, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu được sau khi thiên thạch Chelyabinsk nổ. Khi thiên thạch lao vào bầu khí quyển của Trái đất, nó là một thiên thể đường kính 20m và sau đó nó vỡ thành các mảnh nhỏ, không gây ra thiệt hại lớn cho hành tinh. Do đó, các nhà khoa học đã kết luận rằng các tiểu hành tinh đường kính 200m sẽ được loại bỏ nếu phá vỡ ra từng mảnh với đường kính nhỏ hơn 10 lần và một khối lượng nhỏ hơn 1.000 lần so với tiểu hành tinh. Tuy nhiên, kết luận này chỉ có hiệu lực đối với các tiểu hành tinh đường kính 200m bay vào khí quyển dưới cùng một góc và các mảnh vỡ di chuyển theo quỹ đạo y như thiên thạch Chelyabinsk. Trong tương lai, các nhà khoa học Nga sẽ dựa trên các trường hợp thực tế để tiếp tục nghiên cứu các thiên thể rơi xuống Trái đất theo các phương án khác nhau.

Vũ Trung Hương

Nguồn GD&TĐ: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cac-nha-khoa-hoc-nga-tim-cach-cuu-trai-dat-khoi-bi-tieu-hanh-tinh-huy-diet-83907.html